(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng thương hiệu là yếu tố quan trọng để nông sản đứng vững trên thị trường. Xác định tầm quan trọng này, thời gian qua, các cấp, các ngành và nông dân huyện Hà Trung đã nỗ lực triển khai các giải pháp, đầu tư nâng cao chất lượng nông sản gắn với  xây dựng thương hiệu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Hà Trung

Xây dựng thương hiệu là yếu tố quan trọng để nông sản đứng vững trên thị trường. Xác định tầm quan trọng này, thời gian qua, các cấp, các ngành và nông dân huyện Hà Trung đã nỗ lực triển khai các giải pháp, đầu tư nâng cao chất lượng nông sản gắn với xây dựng thương hiệu.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Hà Trung

Sản xuất dầu lạc tại cơ sở dầu lạc Linh Phương (xã Hà Đông).

Với mục tiêu tổ chức triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) trên diện rộng, huyện Hà Trung đã lựa chọn một số sản phẩm làm điểm để nhân rộng; nâng cao năng lực phát triển sản xuất, kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia chương trình; hoàn thiện các sản phẩm đã có, phát triển thêm các sản phẩm mới, trong đó chú trọng về chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị, đảm bảo đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định; củng cố, nâng cấp, tổ chức lại và hình thành mới các hình thức tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của chương trình. Huyện đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, kiến thức về chương trình OCOP cho các chủ doanh nghiệp, HTX cũng như hệ thống cán bộ thực hiện chương trình; xây dựng và triển khai một số dự án thành phần của chương trình OCOP. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh tế, các hộ gia đình tham gia chương trình OCOP.

Nếp cái hoa vàng xã Hà Long là một trong 2 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đánh giá sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao năm 2019. Từ 27 ha trồng nếp cái hoa vàng (năm 2009), đến năm 2020, vùng nguyên liệu sản xuất gạo nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP đã phát triển lên 200 ha, với hơn 1.000 hộ dân tham gia sản xuất. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát từ các khâu đầu vào, như: Giống, làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến vụ thu hoạch, sản lượng lúa được HTX dịch vụ nông nghiệp đứng ra làm đầu mối để tiêu thụ. Anh Lê Minh Công, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long, chia sẻ: Trong quy trình sản xuất này, ngoài sự giám sát của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, các hộ sản xuất còn được chính quyền xã và chính các hộ giám sát lẫn nhau để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên toàn bộ sản lượng được tiêu thụ với giá ổn định và cao hơn so với sản xuất truyền thống. Với sản lượng khoảng 850 tấn/vụ/năm (trong đó có khoảng 200 tấn HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thương mại Sao Khuê (ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn), hiện sản phẩm nếp cái xã Hà Long không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của Hà Long đã có mặt tại một số siêu thị lớn trong cả nước. Trong thời gian tới, xã Hà Long tiếp tục quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất gạo nếp cái hoa vàng lên 230 ha, tăng cường công tác quảng bá, áp dụng công nghệ sấy lúa tươi để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm.

Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng tốt để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, chị Nguyễn Thùy Linh, xã Hà Đông đã mạnh dạn đầu tư mở rộng xưởng sản xuất dầu lạc với quy mô lớn. Chia sẻ về quãng thời gian gắn bó với nghề, chị Linh cho biết: “Gia đình chồng tôi làm nghề ép dầu lạc và đã duy trì được hơn 20 năm. Tuy nhiên, xưởng sản xuất đơn sơ, mọi công đoạn đều làm thủ công, khách mua chủ yếu là người dân ở địa phương nên hiệu quả kinh tế chưa cao”. Trước thực trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, đầu năm 2019, gia đình đã đầu tư gần 300 triệu đồng mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy ép lạc tự động, nồi hơi để thực hiện quy trình sản xuất dầu lạc chất lượng cao - mang tên dầu lạc Linh Phương.

Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của chị Linh ép từ 1.500 đến 1.800 lít dầu, doanh thu trung bình mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng. Sản phẩm dầu lạc Linh Phương hiện được người dân trong và ngoài tỉnh tin dùng, được bày bán ở các cửa hàng thực phẩm sạch có uy tín. Để khẳng định về chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chị Linh đã hoàn thiện các thủ tục giấy tờ, nhãn mác, bao bì, tem mã vạch để xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. Năm 2019, sản phẩm dầu lạc Linh Phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đánh giá sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao.

Đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hà Trung, cho biết: Sản phẩm nếp cái hoa vàng xã Hà Long và dầu lạc Linh Phương là 2 sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2019 và được đánh giá, xếp hạng 3 sao. Để phát triển thương hiệu sản phẩm của địa phương, thời gian qua, UBND huyện đã chủ động tư vấn để địa phương và cơ sở hoàn thiện các thủ tục hành chính, hoàn thiện nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nhận diện thương hiệu; mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ kinh phí tập huấn khoa học - kỹ thuật, trưng bày quảng bá thương hiệu tại các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại. Huyện Hà Trung phấn đấu năm 2020 có thêm 2 sản phẩm: Nếp hạt cau Hà Lĩnh và kẹo lạc Hà Ninh đạt chất lượng OCOP 3 sao.

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]