(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Xuân Du (Như Thanh) có sự tăng trưởng vượt bậc, năng suất cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng lên, chất lượng nông sản được cải thiện theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có được kết quả đó, UBND xã đã chú trọng áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng khoa học – kỹ thuật (KHKT) đang được coi là khâu đột phá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Xuân Du ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Xuân Du (Như Thanh) có sự tăng trưởng vượt bậc, năng suất cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng lên, chất lượng nông sản được cải thiện theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có được kết quả đó, UBND xã đã chú trọng áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng khoa học – kỹ thuật (KHKT) đang được coi là khâu đột phá.

Xã Xuân Du ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Gia đình chị Trần Thị Hương, xóm 8, xã Xuân Du ứng dụng KHKT để phát triển các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao.

Tháng 12, dù không phải là chính vụ của cây thanh long ruột đỏ nhưng khu vườn đồi của gia đình chị Trần Thị Hương, xóm 8, xã Xuân Du vẫn thu hút bởi những cột thanh long sai trĩu quả. Được biết, gia đình chị Hương có khoảng 500 trụ thanh long ruột đỏ và là 1 trong những vườn duy trì được sản lượng ổn định quanh năm. Chị Hương cho biết: Tháng 3 đến tháng 10 là chính vụ của thanh long ruột đỏ nên cứ mỗi tháng cây ra 2 đợt hoa rồi đậu quả. Còn những tháng còn lại, thời tiết lạnh không phù hợp với quá trình ra hoa, kết quả của thanh long nên phải chong điện để “ép” cây tiếp tục ra hoa, đậu trái. Vì thế, nếu biết phương pháp, kỹ thuật gối vụ thì tháng nào cũng có thanh long cung cấp cho thị trường. Chưa kể, quả chín có thể lưu trên cây khoảng 20 ngày và sau khi thu hái có thể bảo quản được từ 20 – 25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài sản xuất thanh long, gia đình chị Hương còn phát triển trang trại tổng hợp với hàng chục loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, như: cam, bưởi, hoa cúc, hoa dơn, hoa ly và nuôi gà Đông Tảo để cung ứng cho nhu cầu của người dân trong vùng. Nhờ việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và ứng dụng hiệu quả kỹ thuật sản xuất tiên tiến, trang trại của gia đình chị Hương đạt doanh thu khoảng 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm.

Để ứng dụng KHKT trở nên sâu rộng trong Nhân dân, UBND xã Xuân Du chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Du tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sản xuất đẩy mạnh ứng dụng KHKT nhằm nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Qua đó, hằng năm, HTX phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức từ 5 - 7 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nông dân. Thông qua các lớp tập huấn, người dân đã ứng dụng các biện pháp thâm canh, xen canh, tăng vụ, ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tưới trong trồng trọt và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi...

Ông Hoàng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Du, cho biết: Xác định KHKT là chìa khóa để nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, do đó, UBND xã Xuân Du đã vận động, tuyên truyền Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa các giống cây con hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất thay thế cho những cây trồng, vật nuôi truyền thống hiệu quả kinh tế thấp. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn xã đã thực hiện chuyển đổi được hơn 300 ha đất trồng lúa, keo hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây đào cảnh ứng dụng biện pháp thâm canh; gần 20 ha trồng cây thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ tưới hiện đại... Đồng thời, phát triển được hàng chục mô hình chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học, sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải. Bên cạnh đó, UBND xã còn khuyến khích các cá nhân, tổ chức thực hiện dồn đổi, tích tụ đất đai để đầu tư phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ đăng ký sản xuất theo các tiêu chuẩn kỹ thuật được thị trường ưa chuộng.

Nhờ thực hiện các giải pháp trên, đến nay sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã có những kết quả tích cực, như: tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp ở các khâu làm đất, tưới tiêu, tuốt lúa ngày càng tăng, 100% diện tích gieo cấy lúa được làm đất bằng máy, 60 - 70% diện tích gieo cấy thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Có khoảng 35% diện tích cây trồng được áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 130,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,8 triệu đồng/năm. Để việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và nâng cao đời sống người dân, UBND xã Xuân Du tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sản xuất nông nghiệp, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; đồng thời, xây dựng, phát triển thương hiệu cho những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương.

Bài và ảnh: Lê Hòa


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]