(Baothanhhoa.vn) - Đã thành thông lệ, thời điểm cuối tháng 10 âm lịch, người dân xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) lại bắt tay vào vụ sản xuất miến dong. Năm nay, nhiều hộ đầu tư máy cán sợi nhỏ, mịn để cung cấp ra thị trường sản phẩm miến mềm, dai, mang hương vị đặc trưng của củ dong riềng trên đất Ngọc Lặc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Ngọc Liên xây dựng sản phẩm miến dong thành OCOP cấp tỉnh

Xã Ngọc Liên xây dựng sản phẩm miến dong thành OCOP cấp tỉnh

Cơ sở sản xuất miến dong Chuyên Tuyến, thôn 2, xã Ngọc Liên.

Đã thành thông lệ, thời điểm cuối tháng 10 âm lịch, người dân xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) lại bắt tay vào vụ sản xuất miến dong. Năm nay, nhiều hộ đầu tư máy cán sợi nhỏ, mịn để cung cấp ra thị trường sản phẩm miến mềm, dai, mang hương vị đặc trưng của củ dong riềng trên đất Ngọc Lặc.

Đến xã Ngọc Liên dịp cuối năm, ai cũng dễ dàng nhận thấy người, xe tấp nập. Nhiều thương lái tìm đến địa phương thu mua sản phẩm miến dong để cung cấp cho thị trường; mỗi ngày hàng tấn miến dong của các hộ sản xuất đã được đưa đi tiêu thụ khắp mọi miền đất nước. Bà Cầm Thị Ngọc, tiểu thương chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa) đang thu mua miến dong tại xã, cho biết: Trên thị trường có nhiều loại miến dong, song sản phẩm miến dong truyền thống của xã Ngọc Liên sợi mềm, nhỏ nhưng nấu lên dai, trắng đẹp mắt. Hơn nữa, sản phẩm làm hoàn toàn thủ công, không pha trộn chất bảo quản nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Được biết, xã Ngọc Liên có 50 hộ làm miến dong; trong đó, có 20 hộ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên, quy mô lớn. Để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, người dân trong xã đã phát triển được hơn 20 ha trồng dong riềng đỏ. Dịp cuối tháng 10 đầu tháng 11 âm lịch hằng năm, cây dong riềng thu hoạch cũng là thời điểm người dân trong xã bắt tay vào vụ sản xuất miến. Người dân trong xã luôn tất bật không ngơi tay đảo bột, cán sợi, phơi nắng để cho ra những mẻ miến dong chất lượng. Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất miến dong Chuyên Luyến, tại thôn 2. Đây được xem là một trong những hộ sản xuất miến dong hiệu quả nhất xã. Anh Đỗ Viết Chuyên, cho biết: Gia đình đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm miến dong truyền thống. Trước đây, anh chưa cải tiến công nghệ sản xuất miến dong, năng suất thấp, lợi nhuận không đáng là bao. Năm nay, gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy đảo rửa, nghiền bột và cán sợi để tăng công suất làm miến bảo đảm cung ứng đủ cho những đơn hàng được đặt trước. Theo ước tính, mùa làm miến năm nay, gia đình anh cung cấp cho thị trường khoảng 4 tấn sản phẩm, thu nhập khoảng 360 triệu đồng. Được biết, vào chính vụ làm miến, gia đình anh Chuyên phải thuê 10 lao động làm thời vụ với thu nhập 140 nghìn đồng/ngày công để sản xuất, vận chuyển miến đến các cơ sở tiêu thụ. Nhờ việc đầu tư sản xuất và kinh nghiệm sản xuất truyền thống nên sản phẩm miến dong của cơ sở Chuyên Luyến được các thương lái lựa chọn. Hiện sản phẩm đã được tiêu thụ tại hơn 20 điểm kinh doanh trong tỉnh và cung cấp đi các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hưng Yên, Bình Dương...

Để cung ứng một lượng lớn sản phẩm miến dong cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, thời điểm này, người dân các thôn trên địa bàn xã Ngọc Liên đang chạy đua với thời gian để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm. Tất cả các khoảng đất trống trước sân, vườn, người dân thiết kế giàn cao để làm nơi phơi miến. Mỗi hộ đều có những bí quyết riêng để làm nên sợi miến mềm dẻo, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm miến dong của bà con nơi đây gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng và trở thành đặc sản của địa phương. Theo một số cơ sở sản xuất miến lâu đời tại thôn 2, sản xuất miến dong phải tuân thủ các quy tắc, như: không dùng hóa chất tẩy trắng, không pha phẩm màu, không chất bảo quản, phơi miến tự nhiên dưới trời nắng dịu để sợi khô dần. Khi ăn, sợi miến không cứng, có độ giòn tự nhiên, thơm mùi dong riềng.

Ông Phạm Phú Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên, cho biết: Trước mỗi vụ sản xuất miến dong, cấp ủy, chính quyền xã đều đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con sản xuất, chế biến miến dong gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ sản xuất nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất. Nghề làm miến mang lại doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm cho địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau mỗi vụ làm miến, hộ sản xuất thu được lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/hộ; có những hộ đạt hàng trăm triệu đồng. Nhờ sản xuất miến dong, nhiều hộ có tiền tích lũy để sửa sang lại nhà và mua sắm thiết bị sinh hoạt hiện đại.

Được biết, để hỗ trợ người dân ổn định thị trường tiêu thụ cho sản phẩm miến dong, UBND xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất miến dong Ngọc Liên, gồm 10 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm miến dong. Bên cạnh đó, UBND xã còn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Ngọc Lặc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm miến dong của địa phương. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ để tham dự Chương trình OCOP cấp tỉnh trong năm 2021.

Lê Hòa


Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]