(Baothanhhoa.vn) - Những ngày này người dân huyện Cẩm Thủy đang khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ đông để giải phóng đất chuẩn bị sản xuất vụ chiêm xuân. Chúng tôi có mặt tại các xã nằm 2 bên bờ sông Mã - vốn được ví như vùng “rốn lũ” trong trận thiên tai cuối tháng 8, đầu tháng 9-2018, niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người nông dân. Bởi, sau những thiệt hại, mất mát, trên vùng đất lũ màu xanh đã trở lại và vụ đông của địa phương có nhiều chỉ tiêu vượt so với kế hoạch, giá trị sản xuất cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vùng lũ được mùa vụ đông

Những ngày này người dân huyện Cẩm Thủy đang khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ đông để giải phóng đất chuẩn bị sản xuất vụ chiêm xuân. Chúng tôi có mặt tại các xã nằm 2 bên bờ sông Mã - vốn được ví như vùng “rốn lũ” trong trận thiên tai cuối tháng 8, đầu tháng 9-2018, niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người nông dân. Bởi, sau những thiệt hại, mất mát, trên vùng đất lũ màu xanh đã trở lại và vụ đông của địa phương có nhiều chỉ tiêu vượt so với kế hoạch, giá trị sản xuất cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Vùng lũ được mùa vụ đông

Người dân thôn Nghĩa Dũng, xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy) thu hoạch cà chua.

Tại xã Cẩm Phong, địa phương nằm ở tả ngạn bờ sông Mã, có hơn 120 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do thiên tai, trong đó có khoảng 25 ha ớt, ngô gieo trồng cho vụ đông, song người dân đã nhanh chóng khắc phục khó khăn để trở lại sản xuất. Thực hiện chủ trương khôi phục sản xuất của tỉnh, huyện, xã đã vận động người dân khắc phục khó khăn để gieo trồng, sản xuất vụ đông 2018-2019. Để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm vụ đông, xã đã chú trọng đến những loại cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định, như: Rau an toàn, ngô thương phẩm, ớt xuất khẩu. Qua đó, đã phát triển được 96,4 ha cây trồng vụ đông, đạt 100,4% kế hoạch sản xuất. Trong đó, có 28,5 ha ngô thương phẩm, 7 ha ớt xuất khẩu, 58 ha rau màu các loại và 2,9 ha cây trồng khác... Đang nhanh tay thu hoạch cà chua, anh Vũ Văn Thuần, thôn Nghĩa Dũng, cho biết: Sau khi nước lũ dâng lên, đồng ruộng được phủ một lớp phù sa, cây trồng phát triển tốt, không phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng nông sản bảo đảm. Nhờ đó, 5 sào cà chua, 3 sào rau màu của gia đình sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao. Năm nay, nông sản được giá, tiêu thụ nhanh, doanh thu ước đạt 4 triệu đồng/sào.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, các loại cây trồng, như: Ngô, bí xanh, cà chua, dưa chuột... đang thu hoạch rộ. Diện tích các cây rau ăn lá sớm đã thu hoạch xong, nông dân đang tiếp tục quay vòng trồng các lứa rau mới để phục vụ Tết Nguyên đán và đầu xuân. Tuy sản xuất trong điều kiện không thực sự thuận lợi, nhưng năm nay giá nông sản ổn định nên sản xuất vụ đông của địa phương được mùa. Theo tính toán, năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều cao hơn hoặc tương đương năm trước. Năng suất ngô ước đạt 52 tạ/ha, khoai tây dự kiến đạt 130 tạ/ha, cà chua ước đạt 270 tạ/ha... Ông Trần Anh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong, cho biết: Vụ đông 2018-2019, xã đã khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao để “bù” lại thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, áp dụng và nhân rộng kỹ thuật trồng rau màu theo hướng an toàn thực phẩm cho diện tích rau màu của địa phương, vì thế, năng suất cây trồng đạt cao, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Giá trị sản xuất vụ đông của địa phương ước đạt 50-55 triệu đồng/ha.

Chú trọng phát triển những loại cây trồng có liên kết sản xuất, thời vụ ngắn chính là giải pháp mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Yên thực hiện trong vụ đông 2018-2019. Tuy một phần diện tích cây trồng vụ đông bị thiệt hại và lịch thời vụ sản xuất chậm do thiên tai, song hiệu quả kinh tế từ sản xuất vụ đông năm nay của địa phương cao vượt trội so với cùng kỳ năm trước và với những địa phương khác trên địa bàn huyện. Ông Lê Xuân Sáu, Chủ tịch UBND xã Cẩm Yên, chia sẻ: Với cây trồng chủ lực là ngô, nhưng xã đã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp đấu mối liên kết với doanh nghiệp sản xuất 15 ha ngô làm thức ăn chăn nuôi. Với mỗi sào ngô làm thức ăn chăn nuôi, thu hoạch được 2 đến 2,5 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 1 đến 1,2 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây ngô làm thức ăn cho gia súc có thời gian thu hoạch ngắn, công lao động ít hơn và thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã còn phát triển được 10 ha đậu tương liên kết với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ (thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) doanh thu ước đạt 75-80 triệu đồng/ha. Ngoài ra, còn 130 ha ngô thương phẩm, gần 20 ha ớt xuất khẩu và rau màu. Giá trị sản xuất vụ đông của xã Cẩm Yên ước đạt 60 triệu đồng/ha sản xuất, cao hơn 1,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Qua tìm hiểu tại một số xã, như: Cẩm Bình, Cẩm Sơn, Cẩm Lương... cho thấy nông dân phấn khởi vì vụ đông không chỉ được mùa mà còn được giá. Ông Hoàng Nam Dinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Vụ đông năm nay thời tiết thuận lợi, sau lũ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương được bổ sung lượng phù sa màu mỡ nên cây trồng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Hơn nữa, nhiều xã thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp nên thị trường tiêu thụ sản phẩm các loại cây trồng vụ đông ổn định, giá nông sản cao hơn so với cùng kỳ, giá trị sản xuất vụ đông bình quân toàn huyện đạt 48 triệu đồng/ha sản xuất. Đến thời điểm này, có thể khẳng định vụ đông 2018-2019 trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã bước đầu thắng lợi, mang đến cho người dân những niềm vui, tạo sự hứng khởi trong sản xuất, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]