(Baothanhhoa.vn) - Những tháng cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cơ sở sản xuất kẹo lạc của anh Dương Văn Giang tại thôn Thọ Phú, xã Xuân Yên (Thọ Xuân) càng trở nên nhộn nhịp. Gần 20 cơ sở sản xuất khác trong xã cũng tăng cường thêm lao động, ngày đêm tất bật để kịp giao hàng cho khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vực dậy nghề sản xuất kẹo lạc xã Xuân Yên

Những tháng cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cơ sở sản xuất kẹo lạc của anh Dương Văn Giang tại thôn Thọ Phú, xã Xuân Yên (Thọ Xuân) càng trở nên nhộn nhịp. Gần 20 cơ sở sản xuất khác trong xã cũng tăng cường thêm lao động, ngày đêm tất bật để kịp giao hàng cho khách.

Vực dậy nghề sản xuất kẹo lạc xã Xuân Yên

Đóng gói kẹo lạc tại cơ sở sản xuất Đức Giang, xã Xuân Yên (Thọ Xuân).

Nghề sản xuất kẹo lạc truyền thống ở xã Xuân Yên đang dần lấy lại uy tín và tiếng tăm từng bị thất truyền. Ngược dòng thời gian qua lời kể của các cụ cao niên trong xã, nghề sản xuất kẹo lạc xã Xuân Yên đã có lịch sử từ hơn 100 năm trước. Thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, tiếng tăm của kẹo lạc Xuân Yên đã vang xa. Sản phẩm kẹo lạc ở đây đã ra Bắc vào Nam, trở thành món quà thông dụng. Chất lượng kẹo lạc Xuân Yên cũng không thua kém sản phẩm của những làng sản xuất kẹo lạc nổi tiếng trong cả nước lúc bấy giờ. Tuy nhiên, từ những năm 1990, nhiều gia đình đã trộn bỏng gạo thay lạc, thêm nhiều phụ gia để tiết kiệm chi phí khiến kẹo lạc ít thơm, kém giòn. Chất lượng kẹo kém đi, đồng nghĩa với việc, thị trường dần bị thu hẹp, mất dần khách hàng. Có những thời điểm, kẹo sản xuất ra chỉ đem bán được ở các vùng miền núi. Dần dà, việc sản xuất bị thu hẹp, các hộ sản xuất dần bỏ nghề để chuyển sang nghề khác. Thế rồi, nghề sản xuất kẹo lạc truyền thống ở đây đến giai đoạn không còn một hộ nào sản xuất theo hướng thương mại. Chỉ còn một số người sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ trong dịp tết của gia đình.

Tiếc cho nghề truyền thống của quê hương bị mai một, khi còn là sinh viên của Trường Đại học Thương mại, chàng thanh niên Dương Văn Giang luôn ấp ủ vực dậy nghề truyền thống cha ông. Hoài bão lớn, nhưng với hai bàn tay trắng, khi ra trường, chàng trai sinh năm 1982 phải đi làm thuê lấy vốn. Năm 2013, Giang quyết định nghỉ làm quản lý của Nhà hàng Dạ Lan ở TP Thanh Hóa, trở về quê lập nghiệp. Một cơ sở sản xuất kẹo lạc đầu tiên của xã được xây dựng sau nhiều năm đi vào thoái trào. Tuy nhiên, kẹo sản xuất ra với chất lượng chỉ ở mức trung bình nên chưa hấp dẫn khách hàng. Trăn trở, Giang tìm đến nhiều người lớn tuổi trong xã từng sản xuất kẹo trước kia để gặng hỏi thêm những kinh nghiệm. Đồng thời, bỏ tiền ra tận các làng sản xuất của các hãng kẹo lạc nổi tiếng ở miền Bắc, như kẹo lạc Sìu Châu (Nam Định), kẹo lạc Làng Nguyễn ở tỉnh Thái Bình và làng nghề sản xuất kẹo lạc ở tỉnh Hải Dương. Tìm hiểu những bí quyết của những nơi sản xuất kẹo lạc nổi tiếng nhất, cộng với kinh nghiệm học tập, anh Giang đã đúc kết ra phương cách sản xuất đặc trưng của riêng mình.

Lấy tên thương mại là kẹo lạc Đức Giang, sản phẩm được anh mang đi tiếp thị ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh nên dần được nhiều người biết đến và lựa chọn. Để chinh phục được nhiều thị trường khác nhau, hiện anh Giang đồng thời sản xuất cả loại sản phẩm bình thường và sản phẩm cao cấp. “Ngoài kỹ thuật sản xuất, thì nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kẹo phải được chọn kỹ. Nhất là chọn lạc, phải là lạc trồng trên đồi với hạt nhỏ, được thu mua tại huyện Ngọc Lặc và một số vùng miền núi của tỉnh. Khâu bóc lạc nhất định phải bằng tay, nếu bóc bằng máy dễ bị dập nhân lạc làm giảm mùi thơm” – anh Giang chia sẻ. Để minh chứng cho chất lượng sản phẩm của mình, anh Giang đưa kẹo, mời chúng tôi thưởng thức với chén trà nóng. Vị thơm bùi béo ngậy của lạc đồi, độ ngọt vừa phải của chất đường kết dính, đã chinh phục chúng tôi ngay lần đầu thưởng thức. Theo anh, “đẳng cấp” của kẹo nằm ở chỗ, kẹo đạt được độ giòn xốp và tan nhanh trong miệng khi nhai, đồng thời không quá ngọt. Những loại kẹo lạc quá dẻo, lâu tan trong miệng là do chưa nắm hết bí quyết. Sau khi thành công với sản phẩm kẹo lạc, 3 năm qua, ông chủ trẻ của xưởng sản xuất kẹo Đức Giang đã nghiên cứu, sản xuất thành công kẹo gạo lứt. Sản phẩm mới này đang được giới thiệu rộng rãi, có nhiều người tin dùng bởi gạo lứt đang là thực phẩm “hót” được nhiều người lựa chọn.

Hiện nay, sản phẩm kẹo lạc ở đây đã được đưa đi tiêu thụ qua các đại lý tại thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi trong tỉnh. Trên các sạp hàng bán quà lưu niệm tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh trong vài năm gần đây, mặt hàng kẹo lạc Đức Giang luôn hiện hữu. Nửa năm qua, sản phẩm này bắt đầu được xuất khẩu sang nước bạn Lào, hiện đang được gửi sang giới thiệu tại thị trường Cộng hòa Liên bang Nga. Những tháng cao điểm, mỗi ngày cơ sở sản xuất kẹo Đức Giang đều cho ra lò từ 7 tạ đến 1 tấn kẹo, trở thành cơ sở lớn nhất ở xã Xuân Yên. Đây cũng chính là “đầu tàu” để kéo theo các cơ sở sản xuất khác trong xã phát triển, đem lại việc làm và thu nhập thường xuyên cho hàng chục lao động trong xã.

Những tháng cuối năm 2019, người sản xuất kẹo lạc ở xã Xuân Yên lại có thêm niềm vui và sự kỳ vọng mới. Huyện Thọ Xuân và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh đã chọn kẹo lạc xã Xuân Yên là một trong những sản phẩm OCOP – Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới. Đây sẽ là cơ hội mới để nghề sản xuất kẹo lạc ở đây bứt phá, bởi khi đã trở thành sản phẩm OCOP, sẽ được tỉnh, huyện hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường cũng như nhiều điều kiện thuận lợi sản xuất khác. Khi sản phẩm được đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ củng cố thêm niềm tin để người tiêu dùng lựa chọn.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài Và Ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]