(Baothanhhoa.vn) - Trong chiến lược phát triển, tỉnh Thanh Hóa chủ trương xây dựng 4 trung tâm kinh tế động lực (“Tứ sơn”), làm nhiệm vụ đầu tàu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, gồm: Trung tâm động lực TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn; trung tâm động lực phía Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn), trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng).

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Tứ sơn” - động lực phát triển của xứ Thanh

“Tứ sơn” - động lực phát triển của xứ Thanh

Công nhân Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn thu hoạch sản phẩm. Ảnh: Lê Hợi

Trong chiến lược phát triển, tỉnh Thanh Hóa chủ trương xây dựng 4 trung tâm kinh tế động lực (“Tứ sơn”), làm nhiệm vụ đầu tàu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, gồm: Trung tâm động lực TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn; trung tâm động lực phía Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn), trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng).

Những năm qua, tại các trung tâm kinh tế này đã ghi nhận bước phát triển và hứa hẹn sẽ là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của tỉnh.

Hiện các trung tâm kinh tế động lực này đang được xem là đòn bẩy giúp Thanh Hóa phát triển đồng đều, khai thác lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng. Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), sau 15 năm xây dựng và đi vào hoạt động với hệ thống hạ tầng, kỹ thuật được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, nơi đây mở ra nhiều cơ hội mới thuận lợi, tạo sức hút cho các nhà đầu tư. Trong đó, phải kể đến hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước thô, đê chắn sóng, hạ tầng cảng biển đang mang lại tiềm năng lớn cho phát triển, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, đã có 8 bến cảng tổng hợp, 3 bến cảng chuyên dụng đã đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận các tàu công suất đến 70.000 DWT. Cùng với đó, công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính của tỉnh trong những năm gần đây đang góp phần không nhỏ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư tại đây, Nghi Sơn thực sự là điểm đến của thành công. Hiện KKTNS có 288 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư 130.083 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 12,693 tỷ USD. Đến nay, đã có nhiều dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, trong đó có một số dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh, các dự án may mặc, da giày...

“Tứ sơn” - động lực phát triển của xứ Thanh

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Nằm ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, trung tâm động lực phía Bắc - Thạch Thành - Bỉm Sơn, mục tiêu phát triển thành khu công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến, chế tạo; chế biến nông - lâm sản, dược phẩm, da giày, dịch vụ, du lịch. Trong đó, thị xã Bỉm Sơn đã khẳng định được lợi thế của một trung tâm công nghiệp. Có tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam đi qua, thị xã Bỉm Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Các ngành công nghiệp nặng như sản xuất ô tô, máy kéo 4 bánh hạng trung, vật liệu xây dựng, bao bì xi măng, nhà máy kết cấu thép... đã hiện diện tại đây. Hiện nay, Bỉm Sơn có 35 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, với tổng diện tích đất cho thuê hơn 174 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 194.359 tỷ đồng. Trong đó, có những dự án lớn như: Nhà máy gạch Long Thành, Nhà máy Xi măng Long Sơn, Nhà máy Chế tạo cẩu và kết cấu thép YADA, Công ty CP Xuất nhập khẩu khí gas Vạn Lộc, Công ty TNHH KH Vina, Nhà máy Sản xuất phân hữu cơ vi sinh Divital Germany, Nhà máy tôn mạ kẽm và sơn màu Pride... Với hệ thống hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện, Bỉm Sơn đang trở thành bến đỗ lý tưởng cho các nhà đầu tư trong tỉnh và quốc tế.

“Tứ sơn” - động lực phát triển của xứ Thanh

Biển Sầm Sơn.

Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, mục tiêu phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch biển, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, TP Sầm Sơn ngày càng hấp dẫn với du khách trong, ngoài nước và được biết đến là khu du lịch biển hàng đầu cả nước. Với xu hướng phát triển du lịch bốn mùa, Sầm Sơn đã và đang tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển đa dạng dịch vụ du lịch, nhất là dịch vụ cao cấp. Điểm nhấn trong bức tranh thu hút đầu tư tại TP Sầm Sơn chính là quần thể nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên bên bờ biển Thanh Hóa do Tập đoàn FLC đầu tư, với quy mô hơn 1.000 phòng khách sạn và biệt thự sang trọng, tạo bước đột phá thu hút du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc đầu tư, đưa vào hoạt động 15 Hubway trên 3,5km dọc đường Hồ Xuân Hương đã mở ra một bãi biển được quy hoạch bài bản và hướng đến bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Năm 2019, toàn thành phố đã đón được 4.950.000 lượt khách, tăng 15,5% so với cùng kỳ; phục vụ ăn nghỉ 9.750.000 ngày khách; doanh thu đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 25,68% so với cùng kỳ, tăng 2,22% so với kế hoạch năm. Lượng khách, doanh thu tăng nhanh, kéo theo sự phát triển vượt bậc về dịch vụ lưu trú, ăn uống. Từ một điểm nghỉ dưỡng phân khúc bình dân, Sầm Sơn đang đặt mục tiêu xa hơn là trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, thu hút lượng lớn dòng khách cao cấp. Đó là quá trình chuyển đổi từ lượng sang chất; đồng thời, thay đổi trong tư duy phát triển kinh tế du lịch, hướng đến chuyên nghiệp, đẳng cấp và hiệu quả. Để tạo bứt phá mạnh mẽ, làm nền tảng cho sự phát triển trong thời gian tới, TP Sầm Sơn tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mạnh mẽ dịch vụ, du lịch; nghiên cứu xây dựng, khai thác một số sản phẩm du lịch mới, như: Lễ hội Trống Mái – Tình yêu vĩnh hằng; tuyến du lịch ngược xuôi sông Mã, các dịch vụ tại khu vực Nam Sầm Sơn...; phấn đấu năm 2020 đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư du lịch đã được cấp phép; ưu tiên phát triển và chế biến hải sản; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với kinh tế du lịch, nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch; thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển...

“Tứ sơn” - động lực phát triển của xứ Thanh

Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Trung tâm động lực phía Tây - Lam Sơn - Sao Vàng (Thọ Xuân) được định hướng phát triển thành vùng công nghiệp công nghệ cao. Trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh có hướng ưu tiên phát triển ngành chế biến thực phẩm công nghệ cao; bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành máy bay; sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử; sản xuất đồ gia dụng, phụ tùng ô tô và phương tiện vận tải... Hiện tại, hạ tầng khu công nghiệp này đang dần được đầu tư xây dựng, hoàn thiện; trong đó, có các tuyến giao thông nội khu đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị Lam Sơn - Sao Vàng trở thành đô thị động lực, là trung tâm của vùng kinh tế phía Tây tỉnh Thanh Hóa trước năm 2030 và đạt tiêu chí đô thị loại II, huyện Thọ Xuân đang tập trung giới thiệu địa điểm thực hiện dự án cho các nhà đầu tư; cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan cho các nhà đầu tư; tăng cường công tác hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh và các nhà đầu tư để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm các dự án hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, thời gian qua, Cảng Hàng không Thọ Xuân có sự tăng trưởng nhanh, với việc khai thác các đường bay Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa - Buôn Mê Thuột, Thanh Hóa - Bangkok (Thái Lan), Thanh Hóa - Nha Trang, Thanh Hóa - Đà Nẵng, Thanh Hóa - Cần Thơ... Trong tương lai, chắc chắn Cảng Hàng không Thọ Xuân sẽ tiếp tục kết nối với nhiều đường bay quốc tế và trong nước. Khi Cảng Hàng không Thọ Xuân phát triển được càng nhiều tuyến kết nối với những địa điểm khác trong và ngoài nước sẽ là điều kiện tốt để thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Có thể nói “Tứ sơn”- 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh đã, đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và có tác động lan tỏa đối với các địa phương khác. Thành quả đó đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho Thanh Hóa không ngừng phát triển, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Khánh Phương


Khánh Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]