(Baothanhhoa.vn) - Để phát triển một địa phương, một vùng lãnh thổ hay một đất nước, nhất định phải khơi dậy được những tiềm năng nội tại. Trên “nguyên tắc” ấy, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã sớm xác định và khơi dậy tiềm năng của 4 vùng kinh tế: Nghi Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn – Sao Vàng và Bỉm Sơn, gọi chung là “tứ Sơn”. 4 vùng trọng điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh đang có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo thành thế chân kiềng vững chãi, kéo theo sự phát triển bền vững cho toàn bộ xứ Thanh rộng lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Tứ Sơn” –chiến lược cùng cất cánh

Để phát triển một địa phương, một vùng lãnh thổ hay một đất nước, nhất định phải khơi dậy được những tiềm năng nội tại. Trên “nguyên tắc” ấy, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã sớm xác định và khơi dậy tiềm năng của 4 vùng kinh tế: Nghi Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn – Sao Vàng và Bỉm Sơn, gọi chung là “tứ Sơn”. 4 vùng trọng điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh đang có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo thành thế chân kiềng vững chãi, kéo theo sự phát triển bền vững cho toàn bộ xứ Thanh rộng lớn.

“Tứ Sơn” –chiến lược cùng cất cánh

Khu Công nghiệp, đô thị Lam Sơn – Sao Vàng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000 vào năm 2016, với tổng diện tích lập quy hoạch lên đến 537,3 ha. Mục đích của tỉnh là xây dựng vùng núi đồi Lam Sơn và khu vực Sao Vàng này thành khu công nghiệp với các dự án công nghệ cao, gắn với phát triển một đô thị hiện đại. Đến nay, những tuyến đường chính rộng thênh thang của khu công nghiệp – đô thị này đã và đang được xây dựng. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã về tìm hiểu cơ hội đầu tư, mang theo nhiều kỳ vọng để đưa khu vực này thành một trong những vùng kinh tế - xã hội sôi động bậc nhất của tỉnh.

Tại đây, Cảng Hàng không Thọ Xuân được coi là hạt nhân, quyết định sự phát triển cũng như thu hút đầu tư cho toàn vùng. Ngày 10-12-2019 vừa qua, Cảng Hàng không Thọ Xuân đã đón hành khách thứ 1 triệu trong năm 2019. Đây là dấu mốc đặc biệt, đánh dấu sự phát triển nhảy vọt của cảng, bởi khi đi vào hoạt động vào tháng 2–2013, tỉnh Thanh Hóa, Bộ Giao thông – Vận tải và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam chỉ dự kiến đến năm 2020, cảng này đón được 330.000 hành khách/năm và đến năm 2030, sẽ đón khoảng 900.000 lượt hành khách mỗi năm. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển “nóng” nhất trong các cảng hàng không ở Việt Nam, lượng hành khách qua cảng đã vượt trước hơn 10 năm so với quy hoạch và dự kiến ban đầu. Để đáp ứng cho sự tăng trưởng mới, UBND tỉnh cũng vừa thảo luận điều chỉnh quy hoạch mở rộng Cảng Hàng không Thọ Xuân, giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, cảng sẽ được mở rộng, xây dựng thêm đường cất hạ cánh, xây dựng thêm nhà ga hành khách trong những năm tới; đồng thời mở thêm các đường bay, trở thành cảng hàng không quốc tế. Theo dự báo của quy hoạch mới, đến năm 2030, cảng sẽ đón khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm và tiếp tục tăng trong những năm sau đó. Dự báo về tốc độ phát triển này hoàn toàn khả thi bởi có được phân tích và căn cứ trên tình hình phát triển thực tế những năm qua. Đây là tín hiệu vui cho sự phát triển chung của toàn Khu Công nghiệp, đô thị Lam Sơn – Sao Vàng và quá trình thu hút đầu tư của toàn tỉnh bởi nó góp phần rút ngắn khoảng cách, mở ra sự giao thương, giao lưu giữa Thanh Hóa với các tỉnh phía Nam và nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới. Sự “cất cánh” của Cảng Hàng không Thọ Xuân cũng chính là sự “cất cánh” của tỉnh trong tương lai.

Nếu khu vực Lam Sơn – Sao Vàng được định hướng chiến lược tạo phát triển kinh tế - xã hội cho tương lai, thì Khu Kinh tế Nghi Sơn đã trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh. Ở đây, những công trình, dự án công nghiệp tầm quốc gia đã hiện hữu. Nghi Sơn thực sự trở thành trung tâm sản xuất điện năng của vùng Bắc Trung bộ, là “thủ phủ” xi măng của miền Bắc, là một trong những trung tâm lọc hóa dầu của Việt Nam, là nơi có tốc độ phát triển dịch vụ cảng biển nhanh nhất cả nước... Tính đến cuối năm 2019, đã có 234 dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn, trong đó đã có 158 dự án thuê đất với tổng diện tích gần 1.980 ha. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở đây rất đa dạng, với hàng chục ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đã có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, từ khi đi vào hoạt động, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn đã đạt khoảng gần 155.000 tỷ đồng. Riêng Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD, mỗi năm nộp thuế vào ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Dự án mang tầm vóc quốc tế này cũng giúp cho chỉ số tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa đạt những dấu mốc cao chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay.

Cùng với đó, hạ tầng khu kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc Trung bộ này đang dần hoàn thiện và hiện đại hóa. Có đường sắt Bắc Nam và Quốc lộ 1A chạy qua, chỉ cách Cảng Hàng không Thọ Xuân khoảng 1 giờ đi ô tô, Khu Kinh tế Nghi Sơn có vị trí thuận lợi cho thu hút đầu tư cũng như phát triển. Hệ thống cảng biển nước sâu tại Nghi Sơn đang có tốc độ phát triển nhanh và sôi động, đẩy mạnh quá trình giao thương hàng hóa đến với các thị trường trong nước và thế giới. Không còn là sự kỳ vọng, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã khẳng định vai trò to lớn để phát triển kinh tế vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, là một trong các khu kinh tế động lực của Việt Nam. Vào tháng 12–2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1699/QĐ-TTg để điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung Khu Kinh tế Nghi Sơn lên tổng diện tích 106.000 ha. Đây chính là dấu mốc mới để khu kinh tế lớn bậc nhất khu vực Bắc Trung bộ này “vươn mình”, “cất cánh”.

“Tứ Sơn” –chiến lược cùng cất cánh

Một cảng biển tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Nằm phía Đông Bắc của tỉnh, thị xã công nghiệp Bỉm Sơn chính là “nền móng” cho phát triển công nghiệp của tỉnh. Gần 40 năm trước, khi đất nước mới qua chiến tranh, còn chồng chất khó khăn với nền sản xuất lạc hậu, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn đã đi vào hoạt động, trở thành đầu tàu sản xuất xi măng cho tái thiết đất nước. Đó cũng là tiền đề để thu hút các dự án công nghiệp, thu hút dân cư về vùng đồi Bỉm Sơn, tạo nên một đô thị công nghiệp. Qua nhiều thời đoạn lịch sử, Bỉm Sơn xứng là “cánh chim đầu đàn” trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Để khơi dậy tiềm năng phát triển của vùng núi đồi giáp tỉnh Ninh Bình này, năm 2005, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định 1471/2005/QĐ-UBND để phê duyệt quy hoạch Khu Công nghiệp Bỉm Sơn. Nhiều quyết định điều chỉnh quy hoạch trong những năm sau đó đã “dành” 530 ha đất để thu hút các dự án đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Như vậy, ngoài việc phát triển một đô thị năng động, tỉnh đã định hướng để phát triển nơi đây thành thành phố công nghiệp trong tương lai không xa. Đến thời điểm hiện tại, Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đã thu hút được 35 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên diện tích 192,48 ha. Hạ tầng khu công nghiệp này cũng đang được hoàn thiện, bởi ngoài hệ thống giao thông và nhiều công trình hạ tầng được đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước trong nhiều năm qua, thời điểm này đang có 3 nhà đầu tư hạ tầng đã được chấp thuận đầu tư các hạng mục tiếp theo.

Cách tỉnh lỵ của tỉnh chỉ hơn 10 km, từ hơn trăm năm trước, người Pháp đã nhìn ra tiềm năng phát triển du lịch biển của vùng biển Sầm Sơn. Để rồi sau đó, các thế hệ lãnh đạo tỉnh, nhân dân Sầm Sơn đã xây dựng nên thành phố du lịch nổi tiếng cả nước. Với những dự án lớn được đầu tư vào vùng ven biển này, nhất là quần thể khách sạn, sân gôn của Tập đoàn FLC tại phường Quảng Cư, diện mạo của Sầm Sơn đã hoàn toàn thay đổi. Từ cách làm du lịch, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của Sầm Sơn đã có nhiều đổi mới, nhiều “ông lớn” trong nước là những tập đoàn kinh tế tiềm lực đã và đang tiếp tục đầu tư vào đây. Thống kê mới nhất từ UBND TP Sầm Sơn, năm 2019, thành phố đã đón 4.950.000 lượt khách, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 3,1% so với kế hoạch. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 4.600 tỷ đồng, tăng 25,68% so với năm 2018, tăng 2,22% so với kế hoạch đề ra. Du lịch biển đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn trong tương lai. Với việc đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng du lịch, kết nối với các tour du lịch khác trong tỉnh, Sầm Sơn sẽ còn phát triển hơn nữa, lượng khách sẽ ngày càng đông. Một vùng “công nghiệp không khói” đã được tạo dựng bền vững, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thành phố cũng như toàn tỉnh.

Những núi đá, đồi cây ở vùng Lam Sơn – Sao Vàng và thị xã Bỉm Sơn đã và sẽ trở thành vùng công nghiệp, sản xuất ra của cải vật chất to lớn cho xã hội. Những cồn cát bỏng rát, những rặng cây bụi hoang dại trải dài khắp vùng biển Nghi Sơn đã nhường chỗ cho nhiều dự án hàng tỷ đô la. Lớp lớp sóng nước xô bờ, rồi vùng ven biển rộng dài nơi cửa biển Sầm Sơn đã trở thành điểm đến đầy lý tưởng cho du khách xa gần. Tất cả, đã được khơi dậy mạnh mẽ, từ tiềm năng thành tiềm lực kinh tế để góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài Và Ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]