(Baothanhhoa.vn) - Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) cho tàu cá vươn khơi xa là chủ trương đúng, nhưng trong quá trình vận hành đã nảy sinh nhiều bất cập. Trách nhiệm mỗi bên liên quan phải được chỉ rõ, cần chung tay để sớm tháo gỡ...

Trăn trở về thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Bài 2 - Nhiều bất cập nảy sinh cần tháo gỡ

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) cho tàu cá vươn khơi xa là chủ trương đúng, nhưng trong quá trình vận hành đã nảy sinh nhiều bất cập. Trách nhiệm mỗi bên liên quan phải được chỉ rõ, cần chung tay để sớm tháo gỡ...

Trăn trở về thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Bài 2 - Nhiều bất cập nảy sinh cần tháo gỡ

Do thiết bị giám sát hành trình bị trục trặc, nhiều tàu cá của ngư dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) bị ảnh hưởng việc vươn khơi. Ảnh: Lê Đồng

Phải có thiết bị GSHT, tàu cá từ 15m trở lên mới được ra khơi, nhưng sau khi gửi đi sửa chữa 3 tháng nay, chủ tàu Lê Văn Tiến ở thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) vẫn chưa được phía nhà cung cấp hồi âm. Con tàu có chiều dài 20m mang số hiệu TH 91879 TS vẫn ngày đêm phơi nắng, phơi sương ở bến cá Hoằng Trường vì không có thiết bị GSHT nên cũng không đủ điều kiện ra khơi. “Sau khi được vận động, gia đình tôi bỏ chi phí ban đầu 18 triệu đồng để lắp thiết bị GSHT cho tàu cá ngay trong những đợt đầu tiên của tỉnh vào năm 2020. Thế nhưng, sau khi đưa vào sử dụng chưa lâu, thiết bị đã hư hỏng, tôi phải xin đổi thiết bị khác. Khi được thay thế, thiết bị mới cũng liên tục trục trặc khiến việc vươn khơi nhiều lần bị gián đoạn. Những tháng đầu năm 2022 này, sau 3 lần hư hỏng, tôi liên lạc với anh Trương Đình Tiến - người thợ địa phương được phía nhà cung cấp thiết bị chọn làm đại diện, để yêu cầu công ty sửa chữa dứt điểm. Thiết bị đã được gửi đổi 3 tháng nay, tôi đã nhắc anh Tiến nhiều lần, nhưng anh nói vẫn phải đợi” - chủ tàu Lê Văn Tiến bày tỏ sự thất vọng.

Cùng xã, thiết bị GSHT trên tàu cá của chủ tàu Trần Phú Thắng, thôn Linh Trường cũng xuất hiện 4 lần hỏng hóc trong 6 tháng đầu năm nay. Những tháng mới lắp đặt của năm trước, thiết bị thông tin liên lạc bắt buộc này cũng đã nhiều lần trục trặc khiến chủ tàu tiến thoái lưỡng nan. Tương tự, tàu TH 90235 TS của anh Lê Phạm Thìn ở thôn 8, sau khi được gắn GSHT vào năm 2019, cũng phải đổi thiết bị khác do hư hỏng, nhưng sau đó vẫn bị trục trặc một số lần. Gần đây, thiết bị hành trình trên tàu cá TH 92032 TS của chủ tàu Nguyễn Hữu Xuân, thôn Hải Sơn cùng xã cũng bị hỏng, phải sửa chữa đến lần thứ 4 kể từ đầu năm đến nay. Tại xã Hoằng Trường, có thể kể thêm hàng loạt ví dụ về thiết bị hành trình hư hỏng, trục trặc sau khi được lắp đặt cho các tàu cá trong 2 năm qua.

Qua khảo sát, toàn xã Hoằng Trường hiện có 92 tàu cá loại từ 15m trở lên, thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT. Với chủng nghề lưới rê, ngư trường khai thác của các phương tiện nơi đây khá xa bờ, chủ yếu là vùng đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc trên Vịnh Bắc bộ và ngư trường Hoàng Sa. Đa phần ngư dân địa phương đều đã nhận thức được sự cần thiết cũng như vai trò của thiết bị GSHT, nhất là phục vụ liên lạc, ứng cứu khi có sự cố trên biển. Tuy nhiên, sự cố hư hỏng, trục trặc các thiết bị đã khiến nhiều ngư dân không khỏi trăn trở. Thống kê sơ bộ từ Trạm Biên phòng Lạch Trường - đơn vị kiểm soát việc sử dụng thiết bị GSHT tàu địa phương: Tính đến thời điểm cuối tháng 6-2022, trên địa bàn xã Hoằng Trường đã có khoảng hơn 50% số thiết bị GSHT tàu cá bị các lỗi lớn nhỏ khác nhau, tương đương với khoảng 50 phương tiện từng bị ảnh hưởng việc vươn khơi bám biển. Tỷ lệ thiết bị trục trặc nhiều nhất là của Công ty TNHH Công nghệ tự động hóa L, Trần có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh với khoảng 70%.

Ngoài hư hỏng, nhiều thiết bị có hiện tượng mất tín hiệu do cả nguyên nhân chủ quan của chủ tàu lẫn khách quan. Thượng úy Lê Văn Phương, cán bộ phụ trách theo dõi thiết bị tàu cá thuộc Đồn Biên phòng Hoằng Trường, cho biết: “Qua quá trình kiểm tra, chúng tôi phát hiện có một số thiết bị GSHT không hoạt động trên các tàu chuẩn bị xuất bến. Lực lượng bộ đội biên phòng đã yêu cầu tạm dừng ra khơi khoảng 20 lượt phương tiện, yêu cầu phải khắc phục đúng các quy định. Tuy nhiên, với đa phần là hư hỏng nhẹ nên cũng chỉ sau một vài ngày, chủ tàu đã khắc phục được và tiếp tục vươn khơi”.

TP Sầm Sơn là địa phương có số lượng tàu trên 15m chuyên khai thác xa bờ lớn của tỉnh, khi đăng ký lắp đặt GSHT có hơn 200 phương tiện, nhưng nay nhiều ngư dân bán tàu nên hiện còn khoảng 180 phương tiện. Do một số tàu hư hỏng hoặc chủ tàu cam kết không ra khơi, hơn 90% số phương tiện trên 15m ở đây đã lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thiết bị thông tin liên lạc này, đã nảy sinh khá nhiều bất cập. Phổ biến nhất là tình trạng thiết bị mất liên lạc trên biển nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan chứ không phải ngư dân cố tình ngắt kết nối. Có thể kể đến hàng loạt tên chủ phương tiện có thiết bị GSHT bị trục trặc gần đây, như: Trần Văn Phụng, Cao Văn Tâm, Hoàng Văn Tuấn, Nguyễn Văn Thảo... ở phường Quảng Tiến. Phương tiện mất kết nối trên biển, khi trở về bến sẽ bị lực lượng bộ đội biên phòng và các ngành liên quan xem xét xử phạt theo quy định. Song trên thực tế, sau khi kiểm tra và nghe giải trình từ các chủ tàu, việc mất kết nối đa phần do nguyên nhân khách quan nên các lực lượng liên quan đã “linh động” không xử phạt.

Qua quá trình kiểm tra, kiểm soát và tiếp nhận phản ánh của các chủ tàu, ông Lê Văn Hân, cán bộ phụ trách quản lý thiết bị GSHT của Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới đã khái quát nhiều bất cập hiện nay. Đầu tiên, có nhiều thuê bao bị phía nhà mạng cắt liên lạc do chậm đóng tiền hằng tháng, nhiều trường hợp đang khai thác trên biển thì bị ngắt kết nối. Quản lý trên hệ thống, Tổng cục Thủy sản thấy mất kết nối là có văn bản yêu cầu xem xét tàu bị tai nạn hay cố ý cắt kết nối để xử lý. Điều này có cả lỗi ở chủ tàu, nhiều khi đi trên biển không lưu ý đến ngày nộp tiền thuê bao, hoặc người ở nhà cũng không quan tâm dẫn đến quá hạn. Bất cập khác là khi thiết bị giám sát bị hư hỏng, trục trặc, ngư dân gọi nhà cung ứng thiết bị theo số điện thoại trong hợp đồng nhưng không liên lạc được, có trường hợp phản ánh đến các công ty cung ứng thiết bị nhưng chậm được giải quyết. Theo ông Hân, cần có thêm chế tài rõ ràng, nếu bên cung cấp dịch vụ hay thiết bị có lỗi cũng phải quy trách nhiệm, chứ không phải tất cả hệ lụy liên quan đều do chủ tàu hứng chịu.

Nhiều ngư dân và chủ tàu địa phương cũng nỗi niềm về giá cước thuê bao hằng tháng của thiết bị hành trình tàu cá lại thu theo chiều dài phương tiện, với các mức khác nhau cho tàu từ 15 đến 24m và từ 24m trở lên. Tương tự, mức phạt vi phạm cùng một hành vi với thiết bị hành trình nhưng tàu càng dài thì mức phạt lại cao. Trên thực tế, tàu lớn hay nhỏ cũng là 1 phương tiện liên lạc kết nối nhưng theo các ngư dân, cách tính tiền thuê bao hiện nay phần nào gây cản trở chính sách phát triển các phương tiện công suất lớn, khai thác xa bờ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để khuyến khích ngư dân lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá chuyên vươn khơi xa, năm 2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị GSHT (10 triệu đồng/thiết bị) và phí thuê bao dịch vụ (không quá 300 nghìn đồng/tháng) cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chủ tàu sẽ thanh toán mọi chi phí, nhưng khi có đầy đủ hồ sơ sẽ được hỗ trợ sau. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu của TP Sầm Sơn vẫn chưa nhận được hỗ trợ, mà theo tổng hợp từ Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới, nguyên nhân là còn vướng mắc các hồ sơ thủ tục như giấy phép khai thác, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa đơn mua thiết bị...

Theo Thượng úy Nguyễn Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Quảng Cư (thuộc Đồn Biên phòng Sầm Sơn) - đơn vị kiểm soát thiết bị GSHT và cấp lệnh ra khơi cho các tàu cá Sầm Sơn, cho biết: “Lực lượng bộ đội biên phòng chúng tôi cũng không thể hiểu sâu về kỹ thuật thiết bị, cơ bản vẫn là kiểm tra thủ tục giấy tờ. Qua ghi nhận, nhiều nhà cung cấp thiết bị cũng chưa tổ chức tập huấn hay có hướng dẫn cụ thể cho ngư dân về kỹ thuật vận hành và sử dụng, dẫn đến nhiều trường hợp mất tín hiệu liên lạc mà không biết. Nhiều nhất là trường hợp ắc quy của thiết bị hết điện nhưng chủ tàu không để ý nên thiết bị không hoạt động, khi kiểm tra, chúng tôi cũng thông cảm, chỉ nhắc nhở mà không xử phạt. Tuy nhiên, với các thiết bị trước xuất bến mà không hoạt động thì đơn vị không đóng dấu cho ra khơi theo quy định, phải chờ khắc phục. Trong 6 tháng đầu năm, có 54 lượt phương tiện thuộc diện này nên ảnh hưởng đến việc vươn khơi khai thác hải sản của ngư dân”.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, cho biết hiện toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị GSHT cho 1.123/1.131 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt tỷ lệ 99,3% (còn một số tàu hư hỏng hoặc thua lỗ nên cam kết không vươn khơi). Quá trình lắp đặt thiết bị GSHT, tại Thanh Hóa có 9 nhà cung cấp, gồm: Công ty TNHH Viễn thông Khánh Hội, Trung tâm Phát triển Công nghệ cao - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (VinaPhone), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty CP Thiết bị điện - điện tử Bách Khoa, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL), Công ty TNHH Công nghệ tự động hóa L, Trần, Công ty TNHH Zunibal Việt Nam và Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh. Đến nay, một số hãng có dịch vụ bảo hành khá tốt như VinaPhone, Viettel, VISHIPEL. Thiết bị của nhiều đơn vị khác thường xuyên gặp trục trặc, như: Công ty TNHH Công nghệ tự động hóa L, Trần, Công ty CP Thiết bị điện - điện tử Bách Khoa, Trung tâm Phát triển công nghệ cao - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam... Đa phần các doanh nghiệp cung ứng thiết bị ở tận TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nên chỉ thuê 1 hoặc một số thợ sửa chữa ở mỗi tỉnh, dẫn đến thiếu nhân viên chính hãng để bảo trì, bảo dưỡng khi thiết bị trục trặc.

Nhóm PV Kinh tế


Nhóm PV Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]