(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, lực lượng lao động trên địa bàn toàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang có sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Đây là xu thế chung và tất yếu hiện nay. Tuy nhiên sự chuyển dịch này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm lời giải cho “bài toán” thiếu hụt lao động nghề nông nghiệp

Những năm gần đây, lực lượng lao động trên địa bàn toàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang có sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Đây là xu thế chung và tất yếu hiện nay. Tuy nhiên sự chuyển dịch này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Tìm lời giải cho “bài toán” thiếu hụt lao động nghề nông nghiệp

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.

Vụ đông năm 2018, ở xã có truyền thống trồng màu, cây vụ đông như Thọ Hải (Thọ Xuân) diện tích cây trồng giảm so với những năm trước do phần lớn lao động nông nghiệp đã chuyển sang làm tại các nhà máy may, khu công nghiệp trên địa bàn huyện và tỉnh... Ông Lê Doãn Nho, xã Thọ Hải, cho biết: “Trước đây, đất đai không bao giờ được “nghỉ”, xen canh, gối vụ các loại rau màu thì hiện nay nhiều diện tích để không. Làm nông nghiệp vất vả, mỗi vụ số tiền lãi chỉ đủ bù cho chi phí và công sức bỏ ra nên nhiều người không mặn mà. Trong khi đó, đi làm thuê ở tỉnh ngoài hay làm công nhân ở các doanh nghiệp mỗi tháng ít nhất cũng kiếm được từ 4-5 triệu đồng, thêm tiền tăng ca, thưởng... tính ra vẫn khá hơn nhiều so với làm ruộng”.

Tình trạng lao động nông thôn đổ xô đi làm các công việc, ngành nghề khác ở trong và ngoài tỉnh khiến mỗi khi vào vụ cấy, gặt, ở nhiều địa phương, các hộ sản xuất nông nghiệp phải “đỏ mắt” tìm người cấy thuê, gặt thuê, trả công cao mà cũng khó thuê được. Ông Nguyễn Văn Tiến, xã Hoằng Trạch (Hoằng Hóa), cho biết: “Nếu như trước đây thuê lao động nông nghiệp trả công từ 100-150 nghìn đồng/ngày công/người thì đến nay lúc vào mùa vụ trả từ 200-250 nghìn đồng/ngày công/người mà cũng không kiếm được người làm”. Thiếu nhân lực trong những đợt cao điểm thời vụ sản xuất khiến nông dân lo lắng và cũng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất chung của tỉnh. Làng quê vắng bóng thanh niên, lực lượng lao động nông nghiệp hầu hết là người lớn tuổi, khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật hạn chế, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế thấp.

Thực tế, ngày càng nhiều bạn trẻ bỏ nông thôn lên thành phố tìm cơ hội lập nghiệp hoặc tập trung vào các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động. Làng quê vắng bóng thanh niên, nên lực lượng lao động nông nghiệp hiện nay hầu hết là người lớn tuổi. Điều này khiến ruộng nương dần hoang hóa, hiệu suất sử dụng đất ngày càng suy giảm. Vì vậy, nguy cơ “phi nông” cũng dần manh nha. Theo ông Trần Văn Bình, xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa), thực trạng trên là do người trẻ “thấm” được cái cực, cái khổ của ông bà, cha mẹ mình. Người làm nông nghiệp quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Điều này đã hun đúc giới trẻ ý chí đổi đời, cộng với sự cổ vũ của người lớn tuổi động viên con cái mình cố gắng học hành, hoặc ly hương để thoát khỏi nông nghiệp, thoát cảnh chân lấm tay bùn.

Không chỉ lao động nông thôn “phi nông”, mà học sinh sau khi tốt nghiệp THPT cũng ít lựa chọn các khối ngành nông, lâm nghiệp để lập nghiệp. Bởi theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2015 đến nay, nhóm ngành nông – lâm - ngư nghiệp và công nghệ rơi vào diện... khó tuyển. “Làm nông nghiệp khổ quá, như bố mẹ em làm quần quật cả ngày lẫn đêm, mà vẫn không đủ nuôi ba chị em ăn học. Hơn nữa, học các khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp khi ra trường vẫn phải lên rừng, xuống biển, ra đồng cùng nông dân mà lương lại thấp. Vì vậy, em sẽ thi vào các khối ngành kinh tế - tài chính”, em Nguyễn Đức Mạnh, xã Thiệu Công (Thiệu Hóa), bộc bạch lý do “chê” khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Những lý do trên khiến nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn. Bởi, xu thế của ngành nông nghiệp hiện đại không phải “con trâu đi trước cái cày theo sau” mà là nông nghiệp cơ giới hóa toàn diện, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP để có thể giao thương, buôn bán với các thị trường khó tính... Tuy nhiên, vì nguồn lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao, nên sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm của những “lão nông tri điền”. Vì vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm có tính cạnh tranh thấp.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nguyên nhân thiếu hụt lực lượng lao động nông nghiệp là do “làn sóng” người trong độ tuổi đi làm việc tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, nhà máy, xuất khẩu lao động ngày càng nhiều. Thêm nữa là sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ và tiềm ẩn không ít rủi ro, thị trường bấp bênh khó cạnh tranh được với các ngành nghề khác. Nếu làm phép so sánh, 1 lao động nông nghiệp làm 1 sào ruộng trong 1 năm cày, cấy, chăm sóc, thu hoạch được trên 4 tạ thóc, với giá thị trường hiện nay được trên 3 triệu đồng, không bằng 1 tháng đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp, ngành nghề dịch vụ. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến người lao động nông nghiệp hiện nay không tập trung đầu tư sản xuất mà luôn theo đuổi việc làm ở các ngành nghề khác. Hệ quả của việc thiếu lao động đã và đang gây khó khăn cho ngành trong việc thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế. Không những vậy, thiếu hụt lao động còn gia tăng chi phí, tăng tổn thất và giá trị sản phẩm bị giảm đi rất nhiều.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng nông thôn, dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình cơ giới hóa và ban hành chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa nên việc triển khai cơ giới hóa có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, với sự đồng tình tham gia của hầu hết các địa phương và đông đảo các hộ nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp nên bước đầu chương trình cơ giới hóa đã thu được kết quả tích cực. Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nên số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Hiện, toàn tỉnh có 14.228 máy kéo các loại, 160 máy cấy lúa, 600 máy gặt đập liên hợp, 12.500 máy tuốt, vò lúa. Theo đó, tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 91,46%, khâu gieo trồng 9,8%, khâu thu hoạch 57,6%. Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp không những cho thấy hiệu quả rõ rệt, như giảm tổn thất, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, giảm hẳn giá dịch vụ so với gặt thủ công, mà còn khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động.

Xu thế của ngành nông nghiệp hiện đại là cơ giới hóa toàn diện, sản xuất theo các quy trình đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cả về chất lượng và mẫu mã để có thể cạnh tranh với các thị trường khó tính. Mặt khác, cơ giới hóa trong nông nghiệp thúc đẩy tích tụ ruộng đất để sản xuất cánh đồng lớn, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, từng bước phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là hướng đi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]