(Baothanhhoa.vn) - Nhằm khai thác lợi thế từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản ở các huyện miền núi; đồng thời, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất tự phát, tỉnh ta đã quy hoạch 21 cụm công nghiệp (CCN) ở khu vực này, với tổng diện tích là 643,7 ha.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thu hút đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp ở khu vực miền núi: Nhu cầu cấp bách

Thu hút đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp ở khu vực miền núi: Nhu cầu cấp bách

Chế biến gỗ tại Công ty CP Dokata, CCN thị trấn Thường Xuân.

Nhằm khai thác lợi thế từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản ở các huyện miền núi; đồng thời, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất tự phát, tỉnh ta đã quy hoạch 21 cụm công nghiệp (CCN) ở khu vực này, với tổng diện tích là 643,7 ha.

Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các CCN ở khu vực miền núi đang gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất sản xuất, kinh doanh.

Với nguồn nguyên liệu dồi dào từ 32.000 ha rừng sản xuất, hàng năm cung cấp 160 nghìn m3 gỗ, huyện Như Xuân đã chú trọng thực hiện các giải pháp phát triển nghề chế biến lâm sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp chế biến lâm sản đang hoạt động tại các CCN đã được quy hoạch là: CCN Bãi Trành, CCN Xuân Hòa, CCN Thượng Ninh. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng và dây chuyền thiết bị hiện đại để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã, như: Công ty CP công nghiệp gỗ Trường Sơn, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Nam, Công ty CP Xuân Sơn... Ngoài 6 cơ sở chế biến lớn, trên địa bàn huyện còn có 10 HTX chế biến lâm sản và 140 cơ sở chế biến quy mô nhỏ, lẻ. Tuy nhiên, hiện nay, cả 3 CCN đã được quy hoạch trên địa bàn đều chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Xác định thu hút đầu tư phát triển nghề chế biến lâm sản với những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như: Gỗ ván ép công nghiệp, ván ghép thanh, hàng mộc cao cấp... là “đòn bẩy” phát triển kinh tế, huyện đã chú trọng cân đối ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông, đường điện... cho các CCN; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương eo hẹp, để có những CCN được đầu tư bài bản, đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, nhất là tiêu chí về môi trường để các doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm sản xuất thì nhu cầu thu hút đầu tư hạ tầng CCN đối với địa phương đang rất cấp bách.

Trên địa bàn huyện Như Thanh được quy hoạch 3 CCN là: CCN Xuân Khang, CCN Hải Long và CCN Xuân Du. Sau quá trình vận động đầu tư, đến tháng 5-2018 vừa qua, trên địa bàn cũng chỉ có 1 CCN Hải Long được thành lập. Chủ đầu tư hạ tầng là Công ty CP Đầu tư hạ tầng Hợp Lực. Theo quyết định thành lập, CCN Hải Long được đầu tư xây dựng tại xã Hải Long, huyện Như Thanh trên diện tích 24,5 ha, với tổng mức đầu tư 196 tỷ đồng và được định hướng phát triển ngành nghề: Chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, sản phẩm nhựa để dệt bao bì từ nguyên liệu sử dụng sản xuất nhựa... Hiện nay, Công ty CP Đầu tư hạ tầng Hợp Lực đang tiến hành các thủ tục liên quan để đầu tư hạ tầng dự án. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Như Thanh chia sẻ: Trong những năm vừa qua, một số doanh nghiệp cũng đã đến khảo sát địa điểm, tìm hiểu xây dựng nhà máy chế biến nông, lâm sản tại các CCN. Đây là những tín hiệu đáng mừng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con nông dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, do các CCN chưa được đầu tư hạ tầng khiến các doanh nghiệp e ngại và chùn bước, dẫn đến tỷ lệ lấp đầy các CCN trên địa bàn còn khá khiêm tốn.

Ngoài ra, ở các huyện miền núi khác, tình hình thu hút đầu tư hạ tầng CCN cũng đối mặt với vô vàn khó khăn. CCN thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân) hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động. Các doanh nghiệp này đến đầu tư tại đây đều phải tự bỏ kinh phí san lấp mặt bằng. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc thu hút đầu tư vào CCN này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tại CCN Xuân Phú (Quan Hóa), CCN Bãi Bùi (Lang Chánh), các doanh nghiệp không ít lần phải đối mặt và bị xử phạt với tình trạng ô nhiễm môi trường do tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải không bảo đảm yêu cầu.

Theo thông tin từ Sở Công Thương, trong số 21 CCN ở khu vực miền núi, hiện nay chỉ có 3 CCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng và có quyết định thành lập, là: CCN Hải Long (Như Thanh); CCN Khe Hạ (Thường Xuân); CCN Cẩm Châu (Cẩm Thủy). Theo đánh giá của Sở Công Thương, khi thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, các CCN này được hoạch định rõ ràng lộ trình hoàn thiện đầu tư, cũng như định hướng các ngành nghề nhằm mục tiêu thu hút đầu tư sát với tình hình thực tiễn, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN, tại Nghị quyết số 29/NQ-HĐND tỉnh ngày 8-12-2016 về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, các quy định về thực hiện ưu đãi nhà đầu tư hạ tầng CCN tại khu vực miền núi cũng đã được quy định rõ. Theo đó, các doanh nghiệp, liên hiệp HTX, HTX khi thuê đất đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thuộc quy hoạch phát triển CCN được UBND tỉnh phê duyệt, chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ ngân sách Trung ương, ngoài được hưởng các chính sách hiện hành còn được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư các hạng mục, như: San lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước; xử lý nước thải, chất thải; cấp điện, chiếu sáng công cộng; thông tin liên lạc nội bộ; nhà điều hành; nhà bảo vệ phục vụ cho hoạt động của CCN. Mức hỗ trợ được quy định cụ thể như sau: Hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc địa bàn các huyện 30a; riêng CCN thị trấn Mường Lát, được hỗ trợ 2,3 tỷ đồng/ha; mức hỗ trợ tối đa không quá 40 tỷ đồng/CCN. Hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện miền núi còn lại; mức hỗ trợ tối đa không quá 28 tỷ đồng/CCN. Tuy nhiên, cái khó ở đây là năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện còn yếu, nhất là khả năng tài chính. Trong khi đó, với 1 dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thường có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại cũng chỉ được thực hiện sau khi công tác đầu tư cơ bản hoàn thiện và thực hiện thu hút, lấp đầy tối thiểu 30% diện tích CCN, khiến nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà.

Để tháo gỡ khó khăn này, Sở Công Thương đang tích cực thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư hạ tầng CCN. Theo đó, sẽ tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch CCN, khẩn trương lập quy hoạch chi tiết CCN; cập nhật, bổ sung nhu cầu sử dụng đất vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách địa phương để làm động lực khuyến khích, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN, nhất là CCN ở 11 huyện miền núi. Tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đã được ban hành tại Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực của các cơ sở dịch vụ công để tạo “lực hút” trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng CCN tại khu vực này.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]