(Baothanhhoa.vn) - Tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, nhờ các giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch nên đến nay, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuỗi liên kết toàn cầu, dịch bệnh COVID-19 vẫn tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vận tải, du lịch, lữ hành, nhà hàng..., khiến một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp hơn kế hoạch. Vậy, làm gì để tháo gỡ khó khăn để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh? Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa

Tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, nhờ các giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch nên đến nay, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuỗi liên kết toàn cầu, dịch bệnh COVID-19 vẫn tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vận tải, du lịch, lữ hành, nhà hàng..., khiến một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp hơn kế hoạch. Vậy, làm gì để tháo gỡ khó khăn để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh? Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa).

Tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanhMay mặc là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng (Nông Cống).

Phóng viên: Thời gian vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đã tác động toàn diện lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội phạm vi toàn cầu. Trên góc độ kinh tế, ông đánh giá những tác động của dịch bệnh lên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ yếu như thế nào?

Ông Đỗ Đình Hiệu: “Cơn bão” COVID-19 đang gây nên những tác động nặng nề lên nền kinh tế. Đối với Việt Nam, nền kinh tế trong nước cũng không tránh khỏi những tác động mạnh và trực tiếp, về cả phía cung và cầu. Theo báo cáo cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (phát hành ngày 10-4-2020), trên cơ sở đánh giá 15 ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19 và cũng là các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam (chiếm khoảng 78% GDP năm 2019), cho thấy: Lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp; trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, các ngành sản xuất với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy và ngành xây dựng sụt giảm do bất động sản khó khăn; đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng 7,1% trong quý 1-2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,2% quý 1-2019; số lượng DN tạm ngừng hoạt động tăng 28,3% so với cùng kỳ. Trong đó, các ngành chịu tác động tiêu cực khá mạnh là: Dệt may, da giày, sản xuất, kinh doanh thép, khai khoáng; lĩnh vực dịch vụ, ngành vận tải, kho bãi chịu tác động mạnh do tổng cầu giảm; ngành ngân hàng sụt giảm doanh thu, lợi nhuận do cầu tín dụng thấp và tăng rủi ro về nợ xấu, thị trường chứng khoán, doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm cũng giảm. Đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chịu ảnh hưởng rõ nét nhất là thị trường cho thuê mặt bằng thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ. Lĩnh vực dịch vụ y tế chịu tác động 2 chiều, nhưng tiêu cực nhiều hơn vì giảm doanh thu và phải tăng chi để trang trải các biện pháp phòng dịch. Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhiều trường học, đặc biệt là khối dân lập, tư thục đã chịu sự sụt giảm mạnh về doanh thu trong khi vẫn phải gánh chịu chi phí về mặt bằng, lương cho giáo viên, nhân viên...

Cùng chung chuỗi tác động toàn cầu ấy, các DN trong tỉnh cũng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư đã đến với các DN trong tỉnh ngay từ đầu mùa dịch, khi thị trường xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều DN ở nhiều ngành nghề khác nhau bị thu hẹp quy mô hoạt động, sụt giảm doanh thu, thậm chí “đóng băng” giao dịch.

Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, các DN trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục sản xuất và đặt nhiều kỳ vọng tạo sự bứt phá trong những tháng cuối năm 2020. Mặc dù vậy, trước mắt các DN vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Đó là khó khăn về thị trường tiêu thụ, về tiếp cận nguồn vốn đầu tư, về gánh nặng chi phí kinh doanh, về những khó khăn trong chính nội tại DN... Trong đó, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19 là các DN ngành nghề may mặc. Sau đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, các DN tiếp tục gặp khó do các đơn hàng từ Mỹ, EU bị lùi, giãn thời gian nhận hàng và ít phát sinh đơn hàng mới. Hơn lúc nào hết, DN cần cơ chế hỗ trợ, cần sự đồng hành của các cơ quan và tổ chức có liên quan trong việc thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh đã được ban hành.

Phóng viên: Với vai trò là tổ chức kết nối, hỗ trợ DN, VCCI Thanh Hóa đã triển khai những nội dung cụ thể gì trong công tác hỗ trợ DN thời gian qua?

Ông Đỗ Đình Hiệu: Ngay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, VCCI Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN đầu tư, kinh doanh, duy trì và ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp. VCCI Thanh Hóa đã tiến hành 2 cuộc điều tra, khảo sát, trong đó có 1 cuộc khảo sát về tác động của đại dịch COVID-19 đến các vấn đề lao động việc làm tại DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, 1 cuộc khảo sát nhanh về nhu cầu vay vốn của DN. Thông qua các cuộc khảo sát này và qua việc gặp gỡ, nắm bắt tình hình hoạt động của DN, VCCI Thanh Hóa đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các ngành, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, báo cáo VCCI và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN.

Lãnh đạo và cán bộ, nhân viên VCCI Thanh Hóa cũng thường xuyên liên hệ với DN để nắm bắt tình hình hoạt động của DN; đồng thời động viên, khích lệ DN khắc phục khó khăn, tái cơ cấu bộ máy và phương thức quản trị, khôi phục sản xuất. VCCI Thanh Hóa cũng tạm dừng thu phí hội viên và luôn đồng hành cùng DN trong việc tư vấn hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Để đồng hành, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tài khóa, tiền tệ, bảo hiểm. Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết và mức độ hấp thụ các chính sách nói trên?

Ông Đỗ Đình Hiệu: Cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN. Đây là các chính sách hết sức quan trọng và thiết thực, được ví như là các biện pháp “hà hơi”, tiếp sức nhằm giúp DN vực dậy sau đại dịch COVID-19. Các DN còn đánh giá về tầm quan trọng trong triển khai các chính sách này: “Nhanh 1 ngày thì DN sống, chậm 1 ngày DN có thể sẽ không còn”.

Tuy nhiên, việc triển khai chính sách theo phản ánh của DN còn chậm. Liên quan đến các chính sách hỗ trợ DN, ngày 15-5-2020, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”; ngày 29-5-2020, Chính Phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Cộng đồng DN kỳ vọng, các bộ, ban, ngành và UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm có kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại các văn bản trên để các chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn và DN thực sự hấp thụ được chính sách này.

Phóng viên: Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ông nhận định như thế nào về xu hướng của chuỗi cung cầu hàng hóa, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu trong thời gian tới?

Ông Đỗ Đình Hiệu: Sau đại dịch COVID-19, vấn đề dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đã và đang được một số quốc gia như Mỹ, Nhật, châu Âu... xem xét đặt ra, nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung từ quốc gia này. Đánh giá của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam cho thấy, khoảng 1/3 công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc xác định sẽ hủy bỏ hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc. Có tới 40% DN cho hay sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Dự báo năm 2020, xu hướng dịch chuyển sản xuất, đầu tư từ thị trường Trung Quốc sẽ dịch chuyển đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nguyên vật liệu cũng như bán thành phẩm sang thị trường Trung Quốc, kể cả các ngành lớn như dệt may, da giầy... Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các DN nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.

Với những quyết sách về kinh tế và phương châm chống dịch hiệu quả của Chính phủ trong thời gian qua đã, đang và sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu - bán lẻ đối với thị trường Việt Nam. Đây là thời cơ để Việt Nam có thể bứt ra và giảm dần sự phụ thuộc. Đây cũng là cơ hội tốt để DN Việt Nam nói chung, DN Thanh Hóa nói riêng đón bắt những làn sóng đầu tư mới, những thị trường xuất nhập khẩu mới. Câu hỏi được đặt ra lúc này là, làm sao để chúng ta tận dụng được lợi thế của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện nhằm thu hút và sẵn sàng đón tiếp, giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư để tranh thủ đón làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sau đại dịch COVID-19.

Phóng viên: Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ngoài sự nỗ lực của DN, hỗ trợ của Chính phủ, chắc hẳn rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, sở, ngành chức năng trong triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ DN, phải vậy không, thưa ông?

Ông Đỗ Đình Hiệu: Vì sự sống còn của chính bản thân, nhiều DN trong tỉnh đã nỗ lực thích ứng, chủ động tái cơ cấu thị trường, bộ máy điều hành và các công đoạn sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro, khôi phục sản xuất và duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN vượt qua đại dịch này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. COVID-19 đã để lại hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, cái chúng ta được sau những tổn thất này cũng không nhỏ. Đó là một “thước đo” công minh để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại những ưu, nhược điểm trong nội tại cơ cấu, hoạt động của các DN tỉnh nhà. Từ đó, các DN định hướng điều chỉnh đa dạng thị trường sản xuất, xây dựng phương án quản trị rủi ro cao hơn để xây dựng những phương án “phòng vệ” sản xuất trên thương trường. Không những vậy, Việt Nam, Thanh Hóa có thêm cơ hội đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi đầu tư sau COVID-19, khẳng định niềm tin của bạn bè quốc tế, các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh an toàn tại Việt Nam. Tại tỉnh Thanh Hóa, với những quyết sách về kinh tế và phương châm chống dịch hiệu quả, đã củng cố niềm tin của người dân, DN vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Với niềm tin đó, cùng với sự đồng hành của các cấp chính quyền, các sở, ngành chức năng, tôi tin tưởng rằng cộng đồng DN Thanh Hóa sẽ từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này và chuẩn bị được tâm thế tốt nhất để đón đầu những cơ hội mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Hằng (thực hiện)


Minh Hằng (Thực Hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]