(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Thạch Thành tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả tích tụ, tập trung đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, được thị trường tin dùng vào sản xuất. Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Thạch Thành phát triển ổn định, đạt kết quả khá toàn diện.

Thạch Thành phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Những năm qua, huyện Thạch Thành tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả tích tụ, tập trung đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, được thị trường tin dùng vào sản xuất. Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Thạch Thành phát triển ổn định, đạt kết quả khá toàn diện.

Thạch Thành phát triển nông nghiệp theo hướng bền vữngNông dân thị trấn Vân Du (Thạch Thành) chăm sóc cây mắc ca.

Để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, UBND huyện chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, yêu cầu UBND các xã, thị trấn tập trung bám sát kế hoạch huyện giao để thực hiện. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến về tích tụ, tập trung đất đai bằng các hình thức góp quyền sử dụng đất để sản xuất tập trung, áp dụng thâm canh nâng cao năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế. Các xã, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của tỉnh, của huyện về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, huyện Thạch Thành đã tích tụ, tập trung được 243,2 ha; trong đó, chủ yếu là lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Sau tích tụ, tập trung đất đai, giá trị sản xuất tăng thêm so với sản xuất đại trà, như trồng trọt tăng 15 - 20% (cây ăn quả tăng thêm 20%, cây dược liệu tăng 15%, mía tăng 10%, cây hàng năm khác tăng 15%); chăn nuôi tăng 10 - 15% (lợn hướng nạc tăng 10%, nuôi gia cầm tập trung tăng 15%); lâm nghiệp (trồng rừng gỗ lớn) tăng 15%.

Huyện phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam quy hoạch vùng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng diện tích hơn 1.317 ha; tiến hành phục tráng và nhân giống cây đầu dòng, xây dựng nhà lưới làm vườn ươm cây giống; triển khai xây dựng dự án xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du (đã được cấp văn bằng bảo hộ)... Ngoài ra, để phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế, huyện thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa nhiều giống cây, con có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn áp dụng khoa học - kỹ thuật ở cả 2 vụ. Thực tế cho thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Thạch Thành bảo đảm hợp lý, giảm diện tích đất trồng lúa không chủ động nước, đất một vụ lúa năng suất thấp sang trồng mía, cây dược liệu, cây thức ăn phục vụ chăn nuôi. Chuyển đổi diện tích mía sang trồng các loại cây ăn quả, trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao. Thực hiện sản xuất mía nguyên liệu trên diện tích 4.391,6 ha; trong đó, diện tích cánh đồng lớn thâm canh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ là 820 ha. Đi đôi với đó, huyện Thạch Thành tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu đàn vật nuôi; phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi lợn tập trung, quy mô công nghiệp tại các xã Thạch Lâm, Thạch Tượng. Xây dựng phương án và thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC đối với sản phẩm lợi thế là cây gỗ rừng trồng (tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất cây giống, trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế triển khai tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn huyện Thạch Thành những năm gần đây cho thấy, điều kiện để doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án quy mô lớn trong nông nghiệp gặp nhiều vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu do chưa có quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân, nên khi triển khai các dự án đầu tư gặp khó khăn. Khi các doanh nghiệp cần đất để đầu tư dự án nông nghiệp thì nông dân có ruộng lại không mặn mà với sản xuất, tư duy giữ đất của người dân nên doanh nghiệp khó tiếp cận để thuê đất sản xuất quy mô lớn.

Đồng chí Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp. Đi đôi với đó, huyện khuyến khích các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất gắn với ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Tiếp tục thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía, ngô và các loại cây trồng, cây rau màu hiệu quả kinh tế cao hơn. Tập trung đầu tư thâm canh, nâng năng suất mía bình quân toàn huyện đạt 70 tấn/ha trở lên. Tiếp tục phát triển vùng cây ăn quả theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đi đôi với đó, huyện chỉ đạo các xã, đơn vị có diện tích rừng rà soát, cải tạo diện tích rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn; khuyến khích mở rộng diện tích trồng rừng và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các hộ gia đình; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Khuyến khích việc chuyển từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm môi trường. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn, không để dịch bùng phát; giám sát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh với nguồn đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp để đầu tư các công trình hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]