(Baothanhhoa.vn) - Năm 2021 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, TCVM Thanh Hóa đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, đảm bảo hoạt động an toàn, phát triển bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tài chính vi mô Thanh Hóa – một năm nỗ lực vượt khó thành công

Năm 2021 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, TCVM Thanh Hóa đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, đảm bảo hoạt động an toàn, phát triển bền vững.

Tài chính vi mô Thanh Hóa – một năm nỗ lực vượt khó thành công

Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa khai trương Phòng Giao dịch Nghi Sơn 1, tạo điều kiện thuận tiện cho khách hàng đến giao dịch.

Trong năm qua, TCVM Thanh Hóa đã thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến cán bộ và khách hàng về các quy định của Bộ Y tế trong từng giai đoạn cụ thể. Yêu cầu cán bộ, nhân viên siết chặt việc thực hiện khuyến cáo 5K. Thành lập các “Tổ an toàn COVID-19” tại hội sở chính và các chi nhánh, phòng giao dịch. Để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và khách hàng khi đến giao dịch, TCVM Thanh Hóa đã mua sắm trang thiết bị vật dụng y tế cần thiết. Lập “Phương án ứng phó dịch COVID”, trong đó xây dựng giải pháp cho tất cả các tình huống có thể xảy ra, để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi do Chính phủ, trong năm 2021, TCVM Thanh Hóa đã đóng góp ủng hộ cho Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 với tổng số tiền 203 triệu đồng (trong đó tổ chức ủng hộ 150 triệu đồng, còn lại 53 triệu đồng do mỗi cán bộ, nhân viên ủng hộ 1 ngày lương). Ngoài ra, TCVM Thanh Hóa đã thông qua MTTQ các huyện, xã nơi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như: Bỉm Sơn, Nga Sơn, Nghi Sơn, Quảng Xương, Hậu Lộc, để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Đồng thời ủng hộ các khách hàng bị cách ly bằng các nhu yếu phẩm giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn.

Các chi nhánh, phòng giao dịch đã chủ động rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 của khách hàng đang vay vốn để triển khai các giải pháp hỗ trợ. Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ khách hàng bao gồm: Chính sách giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Duy trì các gói tín dụng lãi suất thấp cho các đối tượng khó khăn khác như: Vốn vay cho hộ nghèo, vốn vay bổ sung cho khách hàng thân quen, vốn vay ưu đãi cho hộ chính sách. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này.

Để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn về vốn cho đối tượng hộ nghèo, hộ thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã nhanh chóng phát triển các sản phẩm vốn vay phù hợp dành cho khách hàng cũ và mới. Đối với các khách hàng, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp siêu nhỏ, cán bộ TCVM Thanh Hóa đã chủ động tiếp cận, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc. Nghiên cứu giải pháp, thiết kế sản phẩm để kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, đặc biệt là vấn đề cung cấp vốn cho những đối tượng phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời tiếp tục xem xét các trường hợp được đề xuất cần được giãn nợ, cơ cấu lại nợ. Trong tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, TCVM Thanh Hóa cũng đưa ra các giải pháp công nghệ phù hợp giúp thúc đẩy các chương trình giáo dục tài chính cho khách hàng, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch và hoạt động kinh doanh diễn ra an toàn, hiệu quả.

Song song với công tác phòng, chống dịch, TCVM Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và hỗ trợ khách hàng khôi phục kinh tế sau dịch bệnh; vừa đẩy mạnh hoạt động kinh doanh phát triển bền vững. Trong tháng 10-2021, TCVM Thanh Hóa đã thành lập thêm 8 phòng giao dịch: Bỉm Sơn, Thạch Thành, Nga Sơn, Nghi Sơn 1, Nghi Sơn 2, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quảng Xương 2. Đến nay, mạng lưới hoạt động của TCVM Thanh Hóa bao gồm 4 chi nhánh, 11 phòng giao dịch, 907 điểm giao dịch. Tại 907 điểm giao dịch của TCVM Thanh Hóa được đặt trong khuôn viên nhà văn hóa thôn, phố tại 221 xã, phường thuộc 19 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, đảm bảo thuận tiện trong việc đi lại cho khách hàng khi đến giao dịch. Hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng cao của khách hàng, hiện thực hóa kế hoạch mở rộng hoạt động của TCVM tới các khu vực khó khăn nhất của tỉnh, tăng cường tài chính toàn diện, góp phần cải thiện năng lực tài chính của các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện điều kiện kinh tế và cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nhằm mục tiêu hỗ trợ các nữ doanh nhân khởi nghiệp tại Thanh Hóa có đầy đủ năng lực, kiến thức để vận hành công việc, TCVM Thanh Hóa đã hợp tác với các tổ chức CARE và WISE tổ chức lớp tập huấn “Nữ doanh nhân nâng cao năng lực để phát triển doanh nghiệp bền vững”. Lớp tập huấn diễn ra tại huyện Cẩm Thủy trong tháng 4-2021, với sự tham gia tích cực của gần 40 học viên là nữ chủ doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và chủ nhiệm các HTX. Nội dung khóa học chủ yếu tập trung vào kiến thức quản lý tài chính và marketing cho doanh nghiệp như: Cân đối thu chi, tính toán lợi nhuận, tính điểm hòa vốn, truyền thông sản phẩm, các phương thức truyền thông số... Khóa học tiếp tục được TCVM Thanh Hóa tổ chức tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc và dự kiến nhân rộng mô hình này ở 20 địa bàn TCVM Thanh Hóa đang hoạt động.

Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổ chức TCVM Thanh Hóa lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2025, với sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của đảng bộ, quyết tâm của cán bộ, nhân viên Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tính đến trung tuần tháng 12-2021, tổng dư nợ đạt hơn 323,457 tỷ đồng, tổng khách hàng vay vốn là 17.800 người, trong đó hơn 91% khách hàng là phụ nữ.

Phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, năm 2022 TCVM Thanh Hóa tiếp tục duy trì “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa hoàn thành mục tiêu kinh doanh. Chung tay chia sẻ cùng Chính phủ, các địa phương và cộng đồng trong phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Hoàn thiện hệ thống thông tin mới, đưa công nghệ vào kết nối giữa khách hàng và tổ chức tốt hơn. Thực hiện tài chính toàn diện tại Việt Nam, văn hóa ứng xử “5 trách nhiệm, 7 nguyên tắc” và hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển cộng đồng.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]