(Baothanhhoa.vn) - Một ngày mới đối với bà Nguyễn Thị Ca ở thôn 8, xã Nga Liên (Nga Sơn) là chuẩn bị vợt và rỏ đựng, đi xe đạp đến các khu rừng ngập mặn trong và ngoài huyện để bắt cáy, mò cua, nhặt ốc và ngao đất... Đi cùng bà là các chị Nguyễn Thị Ái ở thôn 7 và Nguyễn Thị Nhi, thôn 5 cùng xã, tạo thành một tổ chuyên mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn. Cùng với một số tổ lao động khác ở các xã vùng biển huyện Nga Sơn và Hậu Lộc, bà Ca cùng hai người bạn coi đây là “nghề”, nhờ đó mà gia đình có “đồng ra đồng vào”, không còn cảnh túng thiếu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sinh kế từ rừng ngập mặn

Một ngày mới đối với bà Nguyễn Thị Ca ở thôn 8, xã Nga Liên (Nga Sơn) là chuẩn bị vợt và rỏ đựng, đi xe đạp đến các khu rừng ngập mặn trong và ngoài huyện để bắt cáy, mò cua, nhặt ốc và ngao đất... Đi cùng bà là các chị Nguyễn Thị Ái ở thôn 7 và Nguyễn Thị Nhi, thôn 5 cùng xã, tạo thành một tổ chuyên mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn. Cùng với một số tổ lao động khác ở các xã vùng biển huyện Nga Sơn và Hậu Lộc, bà Ca cùng hai người bạn coi đây là “nghề”, nhờ đó mà gia đình có “đồng ra đồng vào”, không còn cảnh túng thiếu.

Sinh kế từ rừng ngập mặn

Các lao động mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn Nga Sơn.

Trong đôi ủng bảo hộ để tránh dẫm phải vỏ hàu và những vật sắc nhọn dưới bùn lầy, những người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần, lục tuần bắt đầu lội rừng ngập mặn ven biển trong huyện. Dưới tán rừng cao gần chục mét, cái nắng hè gay gắt dường như không xuyên thủng được hàng trăm tầng lá nên “môi trường làm việc” của các bà, các chị khá mát mẻ. Khom mình mò dưới lớp bùn nhão, các lao động liên tục nhặt lên những con ngao đất có khi to như lòng bàn tay. Thấy bóng người, từng đàn cáy rào rào tháo chạy mất dạng, núp sâu vào hệ thống gốc và rễ sú vẹt tua tủa. Nhưng bằng kinh nghiệm, những người phụ nữ biết lần theo những miệng hang để kéo ra những chú giáp xác to nhất với đôi càng màu đỏ bóng nhẫy. Theo bà Nguyễn Thị Nhi, thỉnh thoảng có hôm bắt được cua to, bán được một vài trăm nghìn đồng.

Sau một buổi sáng, nhóm phụ nữ đã bán cho khách ngay tại bìa rừng khoảng 15kg ngao đất. Đây là loài ngao đặc trưng của rừng ngập mặn và các vùng nước lợ giáp cửa sông và biển, thường được nhà hàng hải sản tại các xã Nga Liên, Nga Tân đặt mua từ trước. Số lượng cáy và những loài thủy sinh khác được đưa về để nhập cho một số mối quen. Theo chia sẻ của các lao động, trung bình mỗi ngày, một người có thu nhập trung bình khoảng 300.000 đồng. Mỗi tháng tranh thủ công việc đi khoảng 10 ngày, mỗi người có thu nhập khoảng 3 triệu đồng.

Ngoài đi khắp các cánh rừng ngập mặn trong huyện, những người phụ nữ còn qua đò Gảnh thuộc xã Nga Thủy, sang bên các khu rừng ngập mặn của huyện Hậu Lộc để mưu sinh. Những khu rừng ngập mặn bên phía huyện Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình cũng trở thành nơi khai thác các loại thủy sinh của các tổ lao động ở huyện Nga Sơn. Bên phía huyện Hậu Lộc, hàng ngày cũng có nhiều lao động qua đò, sang khu rừng ngập mặn huyện Nga Sơn để khai thác cá còi, ốc, cua bấy... Nhiều năm qua, các loài thủy sinh dưới tán rừng ngập mặn được tái tạo phong phú nhờ những khu rừng được bảo vệ và phát triển quanh năm tươi tốt.

Theo tìm hiểu, khu rừng ngập mặn huyện Nga Sơn hiện có diện tích lên gần 350 ha và đang tiếp tục được mở rộng thêm. Chiều dài của khu rừng ngập mặn nơi cửa biển Lạch Sung này trải dài hơn 5km, qua một phần các xã Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thái và Nga Thủy. “Bức tường xanh” nơi cửa biển này được trồng từ những năm 1995-1996 theo chương trình tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đến những năm 2005-2006, rừng tiếp tục được trồng xen và mở rộng bởi dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng của Chính phủ. Riêng xã Nga Thủy có diện tích rừng lớn nhất với 290 ha. Sau khi trồng, rừng được bảo vệ tốt, trở thành môi trường sống lý tưởng cho các loài giáp xác, nhuyễn thể đầm lầy, góp phần bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, duy trì các loài thủy sinh bản địa. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nga Sơn, hiện nay khu rừng được chia thành 20 khoảnh để giao cho các hộ nhận khoán bảo vệ.

Bên phía huyện Hậu Lộc, những khu rừng ngập mặn chạy dài từ đoạn cuối sông Lèn thuộc xã Đa Lộc, kéo dài xuống giáp xã Ngư Lộc. Vùng ven cửa sông Lạch Trường, những dải rừng sú vẹt rộng cả cây số, phủ xanh khắp các xã Hòa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc. Đến nay, riêng diện tích rừng ngập mặn của xã Đa Lộc đã đạt gần 400 ha...

Những năm gần đây, hoạt động nuôi ong dưới tán rừng ngập mặn phát triển mạnh cả ở nhiều nơi trong tỉnh, mà điển hình là các xã Đa Lộc và Nga Thủy. Ông Mai Văn Công, Bí thư Đảng ủy xã Nga Thủy, cho biết: Từ khoảng tháng 4 đến tháng 7 hàng năm là thời điểm các cây rừng ngập mặn như bần chua, sú vẹt nở hoa. Tận dụng lợi thế này, nhiều gia đình trong xã đã phát triển hoạt động nuôi ong mật, cho hiệu quả kinh tế cao. Hộ các ông Trần Thông Độ, Trịnh Thanh Khiết, Nguyễn Văn Tái, Nguyễn Viết Trung... đều phát triển hàng chục đến hàng trăm đàn ong. Điển hình nhất trong xã là ông Nguyễn Văn Đủ ở thôn Hoàng Long phát triển khoảng 400 đàn ong, trở thành mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao tại địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, cả hai huyện Hậu Lộc, Nga Sơn đã và đang triển khai các thủ tục để đề nghị công nhận mật ong rừng ngập mặn thành sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ về kinh tế, các khu rừng ngập mặn nói trên đang phát huy vai trò to lớn trong chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, chắn sóng gió, bão tố, bảo vệ an toàn cho những tuyến đê, những khu dân cư ven biển.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]