(Baothanhhoa.vn) - Cùng với xu hướng chuyển đổi số và tái bùng phát của đại dịch COVID-19, thương mại điện tử (TMĐT) được dự báo sẽ tiếp tục là kênh thương mại tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của loại hình kinh doanh này đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước, từ nguồn gốc xuất xứ đến quy chuẩn, chất lượng hàng hóa, thu thuế...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Siết chặt quản lý hàng hóa kinh doanh qua thương mại điện tử

Cùng với xu hướng chuyển đổi số và tái bùng phát của đại dịch COVID-19, thương mại điện tử (TMĐT) được dự báo sẽ tiếp tục là kênh thương mại tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của loại hình kinh doanh này đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước, từ nguồn gốc xuất xứ đến quy chuẩn, chất lượng hàng hóa, thu thuế...

Siết chặt quản lý hàng hóa kinh doanh qua thương mại điện tử

Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ kinh doanh hàng hóa online tại xã Quảng Hòa (Quảng Xương).

Thanh Hóa là một trong những tỉnh, thành phố sớm ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư hạ tầng TMĐT phục vụ sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu các sản phẩm hàng hóa. Từ đó trở thành kênh giao dịch điện tử tiện lợi cho người mua, người bán trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, hệ thống hạ tầng viễn thông internet của tỉnh đã bảo đảm triển khai tốt các ứng dụng về thông tin điện tử. Các hình thức thanh toán điện tử phổ biến gồm: thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM...), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ.

Các hoạt động TMĐT bước đầu đã hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng. Hiện nay, 70% siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ qua phương tiện điện tử; 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử; 20% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, như: Vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển kênh giao dịch điện tử và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sử dụng hình thức không tiền mặt, thanh toán tiền mua xăng dầu qua thẻ Flexicard. Hóa đơn điện tử cũng được các doanh nghiệp ứng dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng, giảm thời gian và các chi phí phát sinh.

Theo nhận định của các ngành chức năng, môi trường kinh doanh qua TMĐT là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, các chế tài pháp lý quản lý còn thiếu đã, đang tạo nên kẽ hở cho những hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh. Trong 11 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử lý 8 vụ vi phạm trong lĩnh vực này, với số tiền xử phạt 97,5 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu là vi phạm về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và giả nhãn hiệu hàng hóa các thương hiệu nổi tiếng. Cá biệt, một số vụ việc bị phát giác, chủng loại hàng hóa vi phạm kinh doanh online còn có các loại vũ khí nhập lậu. Điển hình như ngày 2-11, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường, Công an huyện Quảng Xương bắt giữ một kho hàng kinh doanh online tại huyện Quảng Xương. Tại cơ sở kinh doanh này, đoàn kiểm tra phát hiện 2.390 đôi giày nam các loại vi phạm quy định nhãn mác (không có đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa), 85 cây mã tấu bằng kim loại cán gỗ, 85 cây kiếm dài bằng kim loại cán gỗ, 60 cây kiếm ngắn bằng kim loại cán gỗ. Các loại hàng hóa này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Với công tác quản lý thu thuế, ngoài các doanh nghiệp, hộ cá thể có đăng ký kinh doanh và được ngành thuế quản lý, nhóm đối tượng kinh doanh tự do qua facebook là đối tượng có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, việc quản lý, thu thuế đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng kinh doanh không khai báo địa chỉ. Đại diện ngành thuế cho biết, tới đây, ngành thuế sẽ tăng cường quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT có doanh thu lớn. Theo đó, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành chức năng, ngân hàng thương mại rà soát đối tượng kinh doanh, xác minh dòng tiền và gửi cảnh báo sai phạm về thuế; đồng thời, hướng dẫn các nhóm đối tượng thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương, cho biết: Bên cạnh việc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các phương thức kinh doanh TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi tham gia TMĐT; quảng bá hình ảnh, thông tin trên môi trường mạng; các tiện ích và ứng dụng trong việc mua, bán sản phẩm, hàng hóa, thanh toán điện tử, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, các hành vi lừa đảo trên môi trường mạng, góp phần đưa hoạt động TMĐT đi vào cuộc sống.

Để tăng cường quản lý kinh doanh qua TMĐT, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, trong đó quy định người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh hiểu nhầm khi quyết định giao kết hợp đồng. Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định. Người bán hàng cũng phải công bố về chính sách kiểm hàng và hoàn trả (thời hạn, phương thức hoàn trả, cách thức lấy lại tiền, chi phí hoàn trả) trên website TMĐT.

Theo Điều 1.15, Nghị định 85, bên cạnh hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT thông qua website như trước đây, thương nhân, tổ chức còn được thực hiện hoạt động TMĐT thông qua các mạng xã hội, như facebook, instagram, zalo... Người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí để thực hiện các hoạt động mua bán qua các nền tảng này, phải tuân thủ quy định pháp luật liên quan, thực hiện đăng ký kinh doanh, kê khai thuế,... theo quy định.

Nghị định cũng quy định thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam phải có trách nhiệm xác thực danh tính của thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn TMĐT đó. Đồng thời, lựa chọn thực hiện một trong các trách nhiệm sau: yêu cầu thương nhân thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện hoạt động nhập khẩu theo ủy thác của người mua đối với hàng hóa do thương nhân, tổ chức nước ngoài giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT; yêu cầu thương nhân, tổ chức nước ngoài chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan.

Bài và ảnh: Tùng Lâm


Bài và ảnh: Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]