(Baothanhhoa.vn) - Do nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt bởi nhiều đồi, núi cao, trình độ thâm canh cây mía thấp... nên vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Nông Cống có diện tích không ổn định, năng suất, chất lượng thấp hơn so với các vùng nguyên liệu mía khác trong tỉnh. Chính vì vậy, việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía chính là “bài toán” mà doanh nghiệp và các địa phương nằm trong vùng sản xuất mía nguyên liệu đang loay hoay tìm lời giải.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Nông Cống

Do nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt bởi nhiều đồi, núi cao, trình độ thâm canh cây mía thấp... nên vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Nông Cống có diện tích không ổn định, năng suất, chất lượng thấp hơn so với các vùng nguyên liệu mía khác trong tỉnh. Chính vì vậy, việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía chính là “bài toán” mà doanh nghiệp và các địa phương nằm trong vùng sản xuất mía nguyên liệu đang loay hoay tìm lời giải.

Nông dân xã Yên Thọ (Như Thanh) chăm sóc mía nguyên liệu.

Với công suất ép 2.500 tấn mía cây/ngày, Công ty CP Mía đường Nông Cống đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động tham gia sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện trong vùng nguyên liệu là Như Thanh, Nông Cống, Như Xuân và một số xã của huyện Triệu Sơn, Tĩnh Gia, Thiệu Hóa. Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Nông Cống những năm qua gặp không ít khó khăn, thách thức. Qua đánh giá chung, diện tích, năng suất, sản lượng mía nguyên liệu không ổn định và có xu hướng giảm. Niên vụ 2017-2018, diện tích vùng nguyên liệu mía đạt 2.663 ha, giảm 1.775 ha so với niên vụ 2016-2017, năng suất bình quân chỉ đạt 55 tấn/ha, kém xa so với năng suất bình quân của tỉnh (58,2 tấn/ha) và năng suất bình quân của cả nước (64 tấn/ha). Trong điều kiện vốn đầu tư bình quân khoảng 32 triệu đồng/ha/vụ (1 vụ mía tơ, 2 vụ mía lưu gốc) với giá thu mua dao động từ 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí sản xuất, người dân thu lãi khoảng 10 đến 11 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, hiệu quả kinh tế của cây mía thấp hơn so với các loại cây trồng khác như ngô, sắn, rau màu...

Ông Vũ Như Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh, cho biết: Đến niên vụ 2017 – 2018, cây mía nguyên liệu trên địa bàn huyện giảm cả về diện tích và sản lượng so với niên vụ 2015-2016. Diện tích giảm hơn 890 ha và sản lượng giảm hơn 21.000 tấn. Nguyên nhân cơ bản là do giá mía nguyên liệu thấp, trong khi đó chi phí về vật tư, công chăm sóc tăng cao nên hiệu quả kinh tế đạt thấp dẫn đến một bộ phận người dân chuyển đổi mía sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trước thực tế diện tích, sản lượng vùng mía nguyên liệu suy giảm qua các năm, Công ty CP Mía đường Nông Cống đã phối hợp với các địa phương trong vùng tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc mía; đầu tư trợ giá mía giống, đầu tư giống, phân bón, cày bừa trả chậm... nhằm từng bước cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu và hiệu quả kinh tế cho người trồng mía. Riêng niên vụ 2016 - 2017 và 2017 – 2018, Công ty CP Mía đường Nông Cống hỗ trợ 54 tỷ đồng để phát triển vùng mía nguyên liệu. Bên cạnh đó, công ty còn phối hợp với chính quyền các địa phương, hướng dẫn người dân lựa chọn và sử dụng các giống mía có năng suất, chữ đường cao, như: Việt Đường, Quế Đường, ROC, Viên Lâm, MI... đưa vào sản xuất. Áp dụng cơ giới hóa vào các khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật thâm canh để tăng năng suất. Bên cạnh đó, hỗ trợ, vận động các hộ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới chủ động cho mía; tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất mía nguyên liệu. Ông Lê Văn Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp, Công ty CP Mía đường Nông Cống, cho biết: Để ổn định diện tích và bù đắp lại diện tích mía nguyên liệu suy giảm qua các năm, công ty đã phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng. Trong đó, ưu tiên vùng gần nhà máy, đất lúa, màu, đất đang trồng sắn, keo... độ dốc dưới 15 độ sang trồng mía. Đồng thời, công ty có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, chủ hợp đồng liên kết và các địa phương trồng mía, như: Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đối với những diện tích mía trồng mới; hỗ trợ 6 triệu đồng/ha đối với mía tơ, 3 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc cho những hộ xây dựng mô hình thâm canh mía mẫu lớn diện tích 3 ha trở lên; thưởng 20.000 đồng/tấn mía sạch đối với chủ hợp đồng có năng suất mía nguyên liệu từ 60 tấn/ha trở lên...

Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía. Tại huyện Như Thanh - một trong những địa phương có năng suất mía nguyên liệu thấp nhất toàn tỉnh (năm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 52 tấn/ha), huyện xác định vai trò lớn nhất của cây mía hiện nay là góp phần ổn định việc làm và đời sống cho khoảng 2.000 hộ dân. Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho cây mía nguyên liệu, từ năm 2017 huyện vận động, khuyến khích người dân chuyển toàn bộ diện tích mía ở độ dốc hơn 15 độ xuống trồng trên đất lúa, màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Đồng thời, áp dụng “liền vùng, cùng trà, khác hộ” và có cơ chế thích hợp khuyến khích dồn điền, đổi thửa, xây dựng các cánh đồng mía mẫu lớn...

Tỉnh ta xác định, đến năm 2020, ổn định diện tích vùng mía nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Nông Cống là 6.000 ha; năng suất bình quân toàn vùng đạt hơn 90 tấn/ha; trong đó, năng suất mía thâm canh đạt 100 tấn/ha trở lên; diện tích mía thâm canh chiếm 50% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu... Để đạt kế hoạch đề ra, doanh nghiệp, các địa phương nằm trong vùng nguyên liệu và người trồng mía phải sớm bắt tay vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất mía nguyên liệu. Chú trọng đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất; triển khai thực hiện và xây dựng các chính sách phù hợp, nhất là hỗ trợ phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong vùng mía như tổ hợp tác, liên hiệp HTX, HTX... nhằm phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]