(Baothanhhoa.vn) - Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều HTX nông nghiệp chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng CNC, hầu hết các HTX đã gặp không ít khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều HTX nông nghiệp chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng CNC, hầu hết các HTX đã gặp không ít khó khăn.

Phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn

Diện tích sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Thọ Thanh (Thường Xuân).

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, tính đến hết tháng 5-2021, toàn tỉnh có 673 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 60 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất, kinh doanh, chiếm hơn 8,9%, tăng 8 HTX so với năm 2020. Tuy tỉnh và Liên minh HTX đã chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX phát triển, song những khó khăn đối với các HTX vẫn lớn; việc phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng CNC còn hạn chế.

Tìm hiểu thực tế tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Thọ Thanh (Thường Xuân), được biết: Năm 2018, HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, từng bước mở rộng quy mô, thu hút nhiều xã viên tham gia. Đến năm 2019, HTX đã thu hút được 15 hộ xã viên và huy động hơn 3,5 tỷ đồng để đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hợp với xu hướng phát triển của thị trường nên HTX đã liên kết với Công ty TNHH Trung tâm nghiên cứu và Phát triển CNC Lam Sơn chuyển giao công nghệ sản xuất nhà màng, nhà lưới. Để nắm được kỹ thuật sản xuất, HTX đã cử 2 lao động tham gia học tập, chuyển giao công nghệ tại công ty. Đồng thời, đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng hơn 15.000m2 nhà lưới. Ông Lê Văn Thượng, giám đốc HTX, cho biết: Bên cạnh các dịch vụ truyền thống và đẩy mạnh hoạt động bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân, HTX từng bước ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Thử sức với lĩnh vực mới đòi hỏi HTX phải huy động tối đa nguồn lực để cùng vào cuộc. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC vào sản xuất đòi hỏi có nguồn kinh phí lớn, song việc tiếp cận được vốn đầu tư ưu đãi của Nhà nước lại rất khó khăn. Trong khi, HTX chưa có tài sản để thế chấp nên hầu hết là vốn huy động của các thành viên. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích đất phục vụ sản xuất của HTX và các hộ thành viên đều là diện tích thuê thầu của UBND xã với thời hạn 5 năm, do đó chưa tạo được sự tin tưởng, gắn bó, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất của các hộ xã viên. Vì vậy, việc đầu tư sản xuất ứng dụng CNC còn cầm chừng nên hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng.

Không chỉ khó khăn về vốn, việc ứng dụng CNC đòi hỏi các HTX phải thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, do đó việc thu hút nguồn lao động trẻ, có kiến thức, năng lực chuyên môn phù hợp để làm việc lâu dài còn hạn chế. Đơn cử như tại HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), là 1 trong 5 HTX được UBND tỉnh hỗ trợ đưa nhân lực có trình độ từ cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp, với thời hạn 36 tháng, theo Kế hoạch 115/KH-UBND ngày 4-6-2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Việc tăng cường nhân lực có trình độ đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, nhất là trong việc di ương con giống thủy sản, mở rộng diện tích nuôi trồng theo hướng thâm canh và từng bước ứng dụng việc nuôi tôm công nghiệp trong nhà lưới. Song, sau 3 năm được hỗ trợ, HTX lại không đủ kinh phí giữ chân nhân lực này để tiếp tục phát triển những dự án CNC còn dang dở.

Đối với HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Hoằng Giang (Hoằng Hóa) việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã được triển khai từ năm 2019, thông qua việc đăng ký sản xuất rau, củ, quả theo quy trình VietGAP, xây dựng nhà lưới, áp dụng hệ thống tưới tự động và hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC chưa được đầu tư đồng bộ, như: năng lực sản xuất của người dân chưa cao; sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu; các chuỗi liên kết được hình thành nhưng chưa bền vững; mặc dù đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc, song giá bán cũng chỉ tương đương với các sản phẩm truyền thống cùng loại trên thị trường... Do đó, HTX khó mở rộng quy mô, diện tích ứng dụng CNC.

Khảo sát thực tế tại một số HTX nông nghiệp ứng dụng CNC nhận thấy, khó khăn lớn nhất đối với các HTX chính là thiếu nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là vốn, quỹ đất, lao động có trình độ chuyên môn. Vì vậy, nhiều mô hình ứng dụng CNC chưa hoàn thiện, các HTX mới chỉ đầu tư từng phần, không đồng bộ từ đầu tư con giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm... Năng lực quản trị và điều hành của một số cán bộ HTX còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn khi hoạch định sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC, những năm gần đây, Liên minh HTX, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, như: hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và vay vốn tín dụng của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX... Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các HTX, trong đó bố trí vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh thực hiện chính sách về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học và công nghệ mới; hướng dẫn hỗ trợ các HTX nông nghiệp đăng ký, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản. Ngoài ra, trong giai đoạn mới, để hoạt động ứng dụng CNC vào sản xuất đạt hiệu quả tối ưu, các HTX nông nghiệp cần tiếp cận, ứng dụng công nghệ số vào khâu quảng bá, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bài và ảnh: Lê Hòa


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]