(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toànDưa Kim Hoàng hậu tại nông trại Hương Quê Farm (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) của Công ty Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần. Ảnh: lê thanh

Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của người dân và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những vùng sản xuất rau an toàn tập trung, với tổng diện tích hơn 9.000 ha; trong đó, có hơn 4.000 ha rau, quả an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã hình thành được 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAP, với sự tham gia của 1.925 hộ chăn nuôi thuộc 95 nhóm GAHP; 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP nông hộ; 6 trang trại chăn nuôi lợn theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), với quy mô 15.000 con lợn thịt/năm...

HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Ngọc Phụng (Thường Xuân) được đánh giá là một trong những đơn vị năng động, nắm bắt được xu hướng của thị trường để chủ động sản xuất, liên kết sản xuất những sản phẩm nông nghiệp phù hợp với thị hiếu của thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Lê Viết Tĩnh, giám đốc HTX, cho biết: Với diện tích nhận thầu hơn 1 ha của UBND xã Ngọc Phụng, HTX đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại nuôi, công suất hơn 4.000 con gà ri/lứa và có thể nuôi 2 lứa/năm. Hằng năm, HTX đã cung cấp cho thị trường khoảng 16 tấn gà thịt chất lượng cao. Ngoài ra, với diện tích 3.000m2 sân vườn, các thành viên trong HTX còn đầu tư sản xuất các loại rau an toàn theo mùa cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm an toàn, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện. Mặc dù, sản lượng các loại nông sản an toàn mà HTX cung cấp cho thị trường chưa nhiều, song đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự năng động, sáng tạo của ban lãnh đạo HTX để bắt kịp với xu hướng, thị hiếu của thị trường. Đồng thời, cho thấy, HTX đã đầu tư cả về nhân lực, trình độ kỹ thuật và hạ tầng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Ngoài những dịch vụ truyền thống, như thủy nông, bảo vệ cây trồng, HTX còn chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, nhờ đó, doanh thu của HTX đạt khoảng 3,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm.

Là đơn vị chuyên cung ứng các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho thị trường, thông qua các chuỗi liên kết nổi bật, như: chuỗi liên kết sản phẩm trứng gà hữu cơ với Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, chuỗi liên kết cung ứng rau an toàn cho khoảng 15 trường học, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP Thanh Hóa... Công ty Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần đã đổi mới phương thức sản xuất, tăng cường đầu tư, liên kết phát triển để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bà Tống Thị Thu Hiền, giám đốc công ty, cho biết: Nắm bắt được xu thế ưa chuộng và ưu tiên sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn của người dân, công ty đã đầu tư xây dựng Trang trại hữu cơ Hương Quê Farm, diện tích hơn 3,5 ha tại thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến (Đông Sơn) để phát triển diện tích trồng rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, công ty có khả năng cung cấp 300 - 350 kg rau, củ, quả các loại/ngày. Ngoài ra, công ty đã thực hiện liên kết và đặt hàng với 10 trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh, quy mô bình quân từ 2.000 - 10.000 con/trang trại, bảo đảm cung ứng cho thị trường khoảng 10.000 quả trứng gà và hơn 200 kg gà thịt/ngày và khoảng 100 kg thịt lợn/ngày cho thị trường.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được hơn 1.050 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hằng năm, cung ứng ra thị trường khoảng 362.600 tấn thực phẩm an toàn. Việc phát triển chuỗi thực phẩm an toàn đạt được thành công bước đầu ở cả 3 tiêu chí về số lượng chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số điểm bán sản phẩm. Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh, từ việc các cá nhân, tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản theo hướng an toàn bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, hình thành nhiều mối liên kết giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ. Từ đó, cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm được giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm nông nghiệp truyền thống, như: rau, củ, quả an toàn, nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã quen thuộc với các sản phẩm nông nghiệp an toàn, như: thịt gà, thịt vịt, thịt lợn... được phân phối tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. Và, hiện nay, có khoảng 80% các hộ chăn nuôi ở các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Yên Định, Quảng Xương,... đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà thả vườn... theo hướng an toàn sinh học và hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, được cơ quan chuyên môn chứng nhận.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, thời gian tới, ngoài việc phát triển các chuỗi sản phẩm an toàn đã được cấp chứng nhận trước đó, các địa phương, đơn vị sản xuất, kinh doanh cần tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm; nghiên cứu, mở rộng phạm vi cung ứng thực phẩm an toàn theo chuỗi đến các bếp ăn tập thể, trường học, khách sạn, nhà hàng... để thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, duy trì, nâng cấp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày một cao hơn của các đơn vị kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ kiểm soát, giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem sản phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc in bao bì, tem nhãn để nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia các hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Lê Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]