(Baothanhhoa.vn) - Huyện Như Xuân có 20.036 ha rừng trồng, chủ yếu là cao su và keo; trong đó, diện tích cho khai thác hàng năm khoảng 2.000 ha và được xem là ưu thế nổi bật để phát triển nghề chế biến lâm sản (CBLS).

Phát triển chế biến lâm sản ở Như Xuân

Huyện Như Xuân có 20.036 ha rừng trồng, chủ yếu là cao su và keo; trong đó, diện tích cho khai thác hàng năm khoảng 2.000 ha và được xem là ưu thế nổi bật để phát triển nghề chế biến lâm sản (CBLS).

Phát triển chế biến lâm sản ở Như Xuân

Sản xuất ván ép tại Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, xã Xuân Hòa.

Theo đó, huyện Như Xuân đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng cho các cụm công nghiệp, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư CBLS, nhất là chế biến sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: gỗ ván ép công nghiệp, ván ghép thanh, hàng mộc cao cấp... Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm lao động, nhất là lao động có tay nghề thông qua các lớp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề. Ngoài ra, huyện còn tích cực tuyên truyền đến người dân trên địa bàn các xã thay đổi tập quán trồng rừng sản xuất nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến lâm sản, trong đó tăng cường trồng rừng gỗ lớn.

Đi đôi với đó, huyện Như Xuân còn triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại của tỉnh, như chính sách hỗ trợ thu hút lao động đối với doanh nghiệp, cơ sở sử dụng từ 100 lao động đến 500 lao động có việc làm ổn định từ 12 tháng trở lên, được đóng bảo hiểm xã hội thì được hỗ trợ 1 lần 0,5 triệu đồng/người, từ lao động thứ 501 đến 1.000 lao động, mỗi lao động được hỗ trợ 0,7 triệu đồng/người; từ lao động thứ 1.001 trở lên, mỗi lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Hỗ trợ san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ, nhà điều hành, nhà bảo vệ phục vụ cho hoạt động tại các cụm công nghiệp, mức hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha, tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 28 tỷ đồng/cụm công nghiệp. Hỗ trợ đầu tư đối với các dự án, như sản xuất đồ mộc gia dụng có công suất từ 1.000 sản phẩm/năm trở lên, sử dụng 50 lao động trở lên, dự án sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng từ 50 lao động trở lên... Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, như ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu...

Được huyện khuyến khích, tạo điều kiện, nhiều doanh nghiệp, cơ sở CBLS đã đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, thôn Ngòi, xã Xuân Hòa. Là đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm ván ép xuất khẩu, với công suất khoảng 20.000m3 sản phẩm/năm, mỗi năm đơn vị thu mua khoảng 35.000 đến 36.000 tấn nguyên liệu. Ông Lê Văn Hà, Trưởng Phòng Hành chính, nhân sự Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, cho biết với khối lượng sản xuất lớn, nên công ty lựa chọn huyện Như Xuân là đơn vị đóng chân, bởi trên địa bàn có nguồn nguyên liệu dồi dào. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty luôn ổn định, 9 tháng năm 2022, công ty sản xuất được hơn 16.000m3 sản phẩm ván ép. Đa phần sản phẩm đang được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Lao động làm việc trong công ty luôn duy trì từ 150 đến 200 người.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn nhiều doanh nghiệp CBLS đã và đang đầu tư đẩy mạnh, phát triển sản xuất, như Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam, Công ty CP Xuân Sơn. Hiện, trên địa bàn huyện có 14 doanh nghiệp CBLS và hơn 100 cơ sở CBLS nhỏ, lẻ. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Như Xuân, được đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở CBLS trên địa bàn luôn được duy trì ổn định, nhiều đơn vị phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất để tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển CBLS của huyện đang gặp phải một số khó khăn, như: các doanh nghiệp chưa chú trọng liên kết với người dân về việc phát triển vùng nguyên liệu; nhiều doanh nghiệp và cơ sở đã xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nhưng không có quỹ đất và khó khăn về vốn để đầu tư; vấn đề bảo vệ môi trường tại các đơn vị, doanh nghiệp CBLS...

Theo ông Nguyễn Quang Dự, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Như Xuân: Với tiềm năng lớn về lâm nghiệp, Như Xuân xác định CBLS là mũi nhọn trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện. Lộ trình phát triển CBLS không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm, mà còn chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững. Vì vậy, trên cơ sở đánh giá những kết quả và những khó khăn, huyện đã và đang định hướng, xây dựng, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện các giải pháp cụ thể để điều tiết cũng như hỗ trợ, quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở CBLS phát triển ổn định. Nỗ lực hoàn thành mục tiêu trồng rừng; đồng thời, xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu bảo đảm cả về sản lượng và chất lượng phục vụ chế biến. Khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư đổi mới, nâng cao dây chuyền sản xuất, trong đó chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh sản xuất. Trước mắt, để các cơ sở CBLS hoạt động theo đúng các quy định của Nhà nước, Phòng Kinh tế hạ tầng đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở CBLS, yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cơ sở CBLS thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động cũng như cam kết bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: Hương Thơm


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]