(Baothanhhoa.vn) - Tháng Giêng là tháng khởi đầu cho một năm, cũng là tháng bắt đầu mọi công việc, bởi thế mà người nông dân luôn coi ngày ra đồng đầu tiên trong năm như một sự kiện trọng đại, giúp họ có những mùa vàng bội thu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nô nức xuống đồng đầu xuân

Nô nức xuống đồng đầu xuân

Nông dân xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) gieo cấy lúa đông xuân.

Tháng Giêng là tháng khởi đầu cho một năm, cũng là tháng bắt đầu mọi công việc, bởi thế mà người nông dân luôn coi ngày ra đồng đầu tiên trong năm như một sự kiện trọng đại, giúp họ có những mùa vàng bội thu.

Vì vậy, dù không khí xuân còn ngập tràn trong các gia đình, thôn xóm, nhưng bà con nông dân trong tỉnh đã tranh thủ thời tiết ấm áp, nô nức xuống đồng sản xuất, bảo đảm khung lịch thời vụ. Khí thế lao động hối hả ở khắp mọi vùng quê hứa hẹn một vụ đông xuân thắng lợi.

Sáng mùng 4 tết (tức ngày 15-2), chúng tôi có mặt tại cánh đồng Bờ Đa, thôn Xuân Hội, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc). Lúc này trên khắp các cánh đồng đã có khá đông bà con nông dân ra đồng nhổ mạ, cấy lúa, thăm đồng và chăm sóc lúa đông xuân. Trên những thửa ruộng đã đủ nước, những đôi tay thoăn thoắt cấy lúa, tiếng cười nói rôm rả khiến không khí xuân càng thêm rộn rã.

Vừa nhanh tay nhổ mạ, chị Hoàng Thị Phượng, thôn Xuân Hội, vừa chia sẻ: Vụ đông xuân này, gia đình chị làm 5 sào ruộng, toàn bộ đều cấy lúa chất lượng cao. Để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện xuống đồng gieo cấy khi thời tiết thuận lợi, nên thời gian qua chị đã tập trung làm đất, gieo và chăm sóc mạ, có hơn nửa diện tích đã được chị gieo cấy từ trước tết. Để khẩn trương hoàn thành việc gieo cấy theo đúng khung lịch thời vụ, từ ngày mùng 4 tết, chị đã ra đồng cấy nốt diện tích còn lại.

Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 4.450 ha lúa. Để hoàn thành mục tiêu về diện tích gieo cấy, ngay từ trước tết, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã bảo đảm thực hiện gieo cấy đúng khung lịch thời vụ của tỉnh. Mở rộng tối đa diện tích trà xuân muộn, đẩy mạnh thâm canh lúa SRI, bón phân NPK theo quy trình khép kín, đưa các giống lúa chất lượng cao, ổn định vào sản xuất. Từ ngày mùng 4 tết, bà con nông dân tại nhiều địa phương trong huyện đã khẩn trương, chủ động xuống đồng tiếp tục gieo cấy nốt diện tích lúa còn lại; đồng thời, chăm sóc diện tích lúa đã cấy. Tính đến ngày mùng 5 tết, huyện đã hoàn thành khoảng hơn 80% diện tích gieo cấy, diện tích lúa đã cấy đang bén rễ hồi xanh, sinh trưởng, phát triển tốt.

Tại huyện Thọ Xuân, nửa tháng cận tết, do nguồn nước và thời tiết thuận lợi, mạ đủ điều kiện để gieo cấy, nên huyện đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung gieo cấy lúa đông xuân cho kịp khung lịch thời vụ. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, toàn huyện đã gieo cấy được khoảng 7.600/8.000 ha diện tích lúa đông xuân, chiếm 95% diện tích. Vì vậy, ngay sau những ngày vui xuân, đón tết, bà con nông dân đang xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa. Trên cánh đồng liền vùng, liền thửa của thôn Vinh Quang, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, chiều mùng 4 tết, đã có nhiều gia đình tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để xuống đồng chăm sóc lúa. Vừa nhanh tay bón phân cho thửa ruộng 8 sào lúa, chị Trần Thị Loan, thôn Vinh Quang, cho biết: Toàn bộ diện tích lúa vụ đông xuân của gia đình chị đã được gieo cấy từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nên tết năm nay gia đình đón tết có phần thảnh thơi hơn. Tuy nhiên, những ngày này, thời tiết đang nắng ấm, lúa lại đang thời kỳ bén rễ hồi xanh, cần sự theo dõi và chăm sóc, nên ngay từ mùng 4 tết, chị và nhiều gia đình khác trong thôn đã ra đồng thăm lúa; đồng thời bón phân để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho vụ bội thu. Người nông dân quan niệm, ra xuân là thời điểm đánh dấu sự bắt đầu của một năm “Đầu xuôi đuôi lọt”, nên ngoài việc tập trung sản xuất, nhiều người dân cẩn thận chọn giờ tốt, ngày tốt ra đồng sản xuất để “lấy vía”, với mong muốn trong năm gặt hái được những mùa vụ bội thu.

Không chỉ người dân, cũng từ ngày mùng 4 tết, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân đã cử cán bộ xuống từng địa phương để kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc tình hình nguồn nước tưới cho lúa; hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh trên lúa và cây trồng, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích.

Ngoài việc tất bật với cây lúa thì nhiều hộ dân trong tỉnh cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, lạc..., người xới đất trồng ngô, người chăm sóc rau màu. Trên cánh đồng trồng rau tại xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa), một trong những “vựa rau” của huyện, từ ngày mùng 3 tết đã thấy người nông dân trên các thửa ruộng. Người dân nơi đây cho biết: Ra xuân, nhu cầu tiêu thụ các loại rau an toàn, tươi, mới của người dân tăng cao, nên từ ngày mùng 3 tết, một số hộ dân đã ra đồng thu hái một số loại rau, như: xà lách, rau diếp, mùng tơi, hành, rau mùi, cà chua, rau má... để phục vụ người tiêu dùng. Khác với lúa, các loại cây rau màu cần được chăm tưới hàng ngày, nên người trồng rau gần như đã quen với việc vừa đón xuân, vừa sản xuất. Với họ, niềm vui lớn nhất là có được vụ rau màu tốt tươi, được người tiêu dùng yên tâm đón nhận.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày mùng 5 tết (tức ngày 16-2), toàn tỉnh đã phủ xanh 114.500/115.000 ha lúa đông xuân, đạt hơn 95% diện tích. Thời điểm này, đi dọc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh chạy qua các địa phương trong tỉnh, chúng ta đều dễ nhận thấy không khí tấp nập của bà con nông dân xuống đồng để sản xuất. Nơi bà con nông dân đang khẩn trương gieo cấy nốt diện tích, nơi lại đang chăm sóc lúa, nơi thì đang thu hoạch kết hợp với trồng mới các loại cây rau màu. Dù ở trên cánh đồng nào, thì khí thế lao động sôi nổi, cùng với niềm vui đón chào một năm mới đều hứa hẹn những mùa vàng bội thu sẽ đến với bà con nông dân.

Hương Thơm


Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]