(Baothanhhoa.vn) - Tháng 1-2020, xã Thạch Định (Thạch Thành) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đóng góp vào thành quả ấy, không thể không nhắc đến những “hạt nhân” tiên phong, đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh ở vùng đất ven sông Bưởi này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những “hạt nhân” đi đầu trong phát triển kinh tế ở xã Thạch Định

Tháng 1-2020, xã Thạch Định (Thạch Thành) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đóng góp vào thành quả ấy, không thể không nhắc đến những “hạt nhân” tiên phong, đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh ở vùng đất ven sông Bưởi này.

Những “hạt nhân” đi đầu trong phát triển kinh tế ở xã Thạch Định

Khu đồng ươm giống cây gai xanh của anh Nguyễn Đức Bảy, bí thư chi bộ, trưởng thôn Tiến Thành.

Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Thạch Định, chúng tôi gặp anh Nguyễn Đức Bảy, bí thư chi bộ, trưởng thôn Tiến Thành – một trong những tấm gương làm dân vận khéo ở cơ sở, đồng thời cũng là điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy xã Thạch Định, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thôn Tiến Thành bắt tay vào xây dựng NTM. Sau nhiều cuộc họp trong chi bộ và hội nghị Nhân dân để bàn bạc, thống nhất nội dung, công việc cần làm, anh Bảy đã cùng các đồng chí trong cấp ủy, ban công tác mặt trận thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động Nhân dân đóng góp “sức người, sức của” thực hiện các tiêu chí NTM. Nhờ phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thôn Tiến Thành đã huy động Nhân dân đóng góp 1,4 triệu đồng/khẩu để bê tông hóa 2,7 km đường giao thông; đóng góp hơn 700 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa và sửa chữa nhiều tuyến giao thông nội đồng, kênh mương tưới, tiêu. Với sự chung tay, góp sức của Nhân dân, năm 2019, thôn Tiến Thành đã “về đích” NTM. Nhân lên thành công ấy, từ năm 2019 đến nay, anh Bảy cùng cán bộ, đảng viên và Nhân dân thôn Tiến Thành đã và đang chung sức, đồng lòng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Không chỉ giữ vai trò “hạt nhân” gắn kết các phong trào thi đua ở thôn, “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, anh Bảy còn là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Phát huy tinh thần “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, đầu năm 2021, anh Bảy đã mạnh dạn đưa cây gai xanh về trồng thay thế cho cây mía. Dẫn chúng tôi đi thăm khu đồng ươm giống cây gai xanh, anh chia sẻ: “Mùa mưa toàn bộ diện tích đồng bãi ven sông Bưởi đều bị úng ngập, vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tương đối khó khăn. Hơn 1 năm về trước, 1 ha đất bãi của gia đình tôi chỉ độc canh cây mía. Nhiều năm gần đây, giá mía xuống thấp gia đình chẳng dư dả được đồng nào, nên tôi quyết định chuyển sang ươm giống cây gai xanh để xuất bán cho nhà máy ở huyện Cẩm Thủy”. Theo ước tính, với 1 ha giống gai xanh, anh Bảy có thu nhập hơn 400 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng mía. Cùng với sản xuất, anh còn đầu tư máy làm đất, gặt đập liên hợp để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trong xã. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh có thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ làm dịch vụ nông nghiệp.

Rời thôn Tiến Thành, chúng tôi về thôn Thạch Toàn, nơi có truyền thống trồng rau của xã Thạch Định. Được “mục sở thị” cánh đồng rau an toàn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất của chị em phụ nữ trong thôn. Chị Lưu Thị Đức, chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Thạch Toàn, cho biết: “Thạch Toàn vốn có truyền thống trồng rau. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chị em trong thôn chủ yếu trồng rau theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ nên lợi nhuận không cao. Để giúp chị em phụ nữ có thu nhập ổn định từ nghề trồng rau, năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ chi hội phụ nữ thôn thành lập HTX rau sạch an toàn Thạch Toàn, với 15 xã viên tham gia sản xuất”. Hỏi chuyện thêm mới biết, ngay tại đại hội lần thứ nhất của HTX, khi đó chị Đức đang đảm nhận vai trò chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn đã được chị em xã viên tin tưởng bầu giữ chức giám đốc HTX. Trên cương vị chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, giám đốc HTX, chị thường xuyên đấu mối với Hội LHPN xã Thạch Định để chị em xã viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, chọn giống rau đúng với quy trình quản lý, sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn VietGAP. Đồng thời, chị còn chủ động liên hệ với các trường học, chợ đầu mối trên địa bàn huyện để tìm đầu ra, nơi tiêu thụ rau cho chị em. Cùng với gian hàng rau sạch an toàn ở chợ Thạch Bình, năm 2021, chị Đức đã đấu mối để đưa rau sạch an toàn của HTX lên kệ của Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa. Nhờ có HTX rau sạch an toàn Thạch Toàn và sự năng động của chị Đức, chị em xã viên đã có nguồn thu nhập ổn định, với hơn 5 triệu đồng/tháng. Với tâm niệm “mình phải sản xuất hiệu quả thì Nhân dân mới làm theo”, năm 2015, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt, với quy mô hơn 100 con. Để “lấy ngắn nuôi dài” cùng với duy trì 2.500m2 rau sạch an toàn của gia đình, chị đã chuyển đổi 6 sào lúa sang nuôi trồng thủy sản. Các mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt, nuôi trồng thủy sản và sản xuất rau sạch an toàn, hàng năm mang lại cho gia đình chị Đức hơn 250 triệu đồng. Với những thành công trong sản xuất, kinh doanh chị Đức đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, để Nhân dân thôn Thạch Toàn học tập và làm theo.

Thạch Định vốn là xã thuần nông, nằm trong vùng phân lũ của huyện Thạch Thành nên nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa. Trước những khó khăn về điều kiện sản xuất, đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM, gắn với giảm nghèo, theo tinh thần nghị quyết đại hội đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, trọng tâm là phát huy vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của các chi bộ nông thôn, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, đầu tư phát triển các mô hình sản xuất mới cho giá trị kinh tế cao để Nhân dân học tập và làm theo. Từ những “hạt nhân” tiên phong đi đầu như anh Bảy, chị Đức đã tạo sức lan tỏa, khơi dậy tinh thần hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng của người dân trong xã. Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 58,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,66%.

Bài và ảnh: Trần Thanh


Bài và ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]