(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối năm, khi mọi người đang tất bật chuẩn bị dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đón tết thì tại các làng quê – nơi có nhà máy, khu công nghiệp trở nên nhộn nhịp hơn bởi các công nhân hối hả tăng ca để hoàn thành những lô hàng cuối cùng trong năm, đồng thời cũng có thêm thu nhập để gia đình được đón năm mới sung túc, đủ đầy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà máy về làng

Những ngày cuối năm, khi mọi người đang tất bật chuẩn bị dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đón tết thì tại các làng quê – nơi có nhà máy, khu công nghiệp trở nên nhộn nhịp hơn bởi các công nhân hối hả tăng ca để hoàn thành những lô hàng cuối cùng trong năm, đồng thời cũng có thêm thu nhập để gia đình được đón năm mới sung túc, đủ đầy.

Nhà máy về làng

Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Khu Công nghiệp Lễ Môn – TP Thanh Hóa) trong ca sản xuất.

Ly nông nhưng không ly hương

Chúng tôi về xã Tiên Trang (Quảng Xương) vào những ngày cả nước đang thích ứng với “trạng thái bình thường mới” trong phòng, chống dịch COVID-19. Vùng quê ven biển dân dã trước kia nay trở nên tấp nập, nhộn nhịp với chợ Đỏ đông đúc, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh mọc lên san sát. Trên các ngả đường, công nhân Công ty TNHH So To và Công ty TNHH Fruit Of The Loom Việt Nam tan ca vội vã tỏa đi khắp nơi...

Đang đứng ngắm nhìn sự phát triển của “phố trong làng” tôi chợt nghe tiếng gọi giật: “Cô D... ơi. Cô đi đâu đấy?”. Thấy tôi ngơ ngác, chưa nhận ra người quen. Cô gái vừa kéo chiếc khẩu trang xuống cằm và cười nói “Cháu là Ánh”.

- Ơ..., cô tưởng lâu nay cháu làm công nhân trong Bình Dương cơ mà?. Sao lại thành công nhân ở đây rồi? – tôi hỏi.

- “Làm công nhân trong Bình Dương thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Bốn, năm chị em rủ nhau thuê chung một gian nhà, rất chật chội nhưng tiền nhà cộng với điện, nước mỗi tháng cũng mất gần 1 triệu đồng. Tiết kiệm, kham khổ hết mức thì mỗi ngày cũng phải mất khoảng 40 đến 50 ngàn đồng ăn. Rồi tết nhất đi về, tàu xe rất khó khăn, tốn kém... thành ra mỗi tháng chẳng còn dư được bao nhiêu. Về quê, tiền nhà không mất, sinh hoạt chỉ bằng một phần ba ở thành phố. Quan trọng là môi trường sống lành mạnh hơn rất nhiều so với môi trường sống tại nhà trọ gần các khu công nghiệp”.

Không phải bỏ nơi “phồn hoa công nghiệp” để về quê làm công nhân như Ánh, nhưng chị Lê Thị Quyên, ở xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) thôi nghề đan lát “gia truyền” để đi làm công nhân cho Nhà máy Giày Roll Sport 1 (Công ty TNHH Giày Roll Sport Việt Nam - Khu Công nghiệp Hoàng Long) được vài năm nay. Chị Quyên cho biết: “Làm nghề đan lát vất vả, nhiều hôm làm đến 22 - 23h đêm mới nghỉ, thu nhập cũng chỉ được khoảng 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Đi làm công nhân giày da nếu tay nghề vững, chịu khó tăng ca cũng được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm ở bộ phận đế, có thêm tiền độc hại, thu nhập cũng tầm khoảng hơn 8 triệu đồng. Từ ngày 2 vợ chồng chị đi làm công nhân cho công ty giày, đời sống được cải thiện rõ rệt. Cũng nhờ có các nhà máy giày ở Khu Công nghiệp Hoàng Long mà hàng ngàn con em huyện Hoằng Hóa có việc làm, thu nhập ổn định”.

Trường hợp như Ánh, chị Quyên đi làm công nhân cho các nhà máy may, nhà máy giày ở các làng quê trong tỉnh hiện nay không hiếm. Mới hôm qua thôi, họ còn là những nông dân chân lấm tay bùn... nay bỗng chốc thành công nhân ăn cơm nhà, làm việc tại làng. Chị Phạm Thị Hằng, ở phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa bộc bạch: “Từ trước đến nay làm ruộng, thỉnh thoảng chạy chợ nhưng thu nhập bấp bênh, nay làm công nhân cho cơ sở may tại làng, hằng ngày 11h30 tan ca, tranh thủ về nấu cơm, ăn, ngủ trưa được 1 tiếng, hơn 13h chiều vào làm đến 17h. Nếu ngày nào tăng ca thì đến 18h hoặc 19h. Thu nhập ổn định hơn buôn bán hoặc làm ruộng. Quan trọng hơn là môi trường làm việc sạch sẽ, chị em có chỗ chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống”.

Cuộc sống đổi thay

Không chỉ giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, nhà máy về làng còn giúp nhiều loại hình dịch vụ kinh doanh phát triển, như: dịch vụ cho thuê phòng trọ, bán tạp hóa, rau quả, ăn sáng, sửa xe. Nhiều người còn mạnh dạn đầu tư kinh doanh karaoke, internet, bất động sản, cà phê, nhà nghỉ, dược phẩm, làm đẹp..., nhiều người đã thành những ông chủ, bà chủ quản lý cơ ngơi lớn. “Đúng là làm ăn ở đất này giờ dễ lắm, cứ mở mắt ra là có tiền. Chị bán rau dưa hay bán xôi, bánh mì buổi sáng cũng dễ ra tiền, kiếm vài trăm ngàn mỗi ngày là chuyện bình thường...” - bà Lê Thị Hoa ở xã Tiên Trang chia sẻ.

Nói về sự “thay da đổi thịt” của xã, bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tiên Trang, cho biết: Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của toàn xã đạt gần 960 tỷ đồng, trong đó dịch vụ thương mại và thu nhập khác đạt 519 tỷ đồng, chiếm 54,2% cơ cấu của xã. Sở dĩ xã có nguồn thu dịch vụ thương mại cao là nhờ có 2 nhà máy may của Công ty TNHH So To và Công ty TNHH Fruit Of The Loom Việt Nam, giải quyết việc làm khoảng 4.000 lao động trên địa bàn xã và các xã lân cận. Và tất yếu khi có đông công nhân về làm việc sẽ kéo theo các dịch vụ thương mại phát triển. Hiện toàn xã có 560 cơ sở kinh doanh, dịch vụ, buôn bán; 30 công ty, 117 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 1.275 công nhân, qua đó góp phần nâng cao thu nhập đầu người của xã lên hơn 55 triệu đồng/năm 2021.

“Trước kia xã Tiên Trang cũng như các xã ven biển của huyện Quảng Xương, người dân đi vào Nam làm nghề tự do rất nhiều. Từ khi có 2 công ty may đi vào hoạt động, người dân đã trở về địa phương đi làm công nhân hoặc buôn bán, chạy chợ, dịch vụ du lịch... cũng có nguồn thu nhập ổn định, thậm chí còn cao hơn so với đi lao động tự do ở các tỉnh phía Nam. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc có một công ty hoặc nhà máy sản xuất quy mô lớn, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn là vô cùng cần thiết” - bà Nguyễn Thị Liên chia sẻ.

Suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Liên cũng là mong muốn của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương hiện nay. Vì vậy, những năm qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh. Theo thống kê của Sở Công Thương, tính đến ngày 25-11-2021 trên địa bàn tỉnh quy hoạch phát triển 80 CCN, với tổng diện tích 2.714,39 ha. Hiện các CCN đã thu hút được hơn 300 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, với tổng nguồn vốn hơn 11.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 57.000 lao động. Ngoài các CCN đã được phê duyệt, nhiều địa phương đã căn cứ tình hình phát triển, nhu cầu thuê đất sản xuất tại địa phương đề xuất các vị trí phù hợp trình bổ sung quy hoạch CCN. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã triển khai bài bản các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất tại CCN. Do đó, không chỉ tăng về số lượng, tỷ lệ lấp đầy các CCN cũng như chất lượng hoạt động, quy mô doanh nghiệp tăng lên rõ rệt.

Lâu nay, thực tế khó khăn nhất đối với các địa phương là giải quyết tình trạng “Ly nông nhưng không ly hương”. Chính vì vậy, khi nhà máy về làng đã “níu” bao người lao động ở lại quê nhà. Và rồi, họ đã thành công nhân ăn cơm nhà, làm việc ở làng... Sáng sáng trong dòng người tấp nập, những chuyến xe chở công nhân từ các điểm đón, trả lại hối hả đến nhà máy mang theo bao hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài và ảnh: Tô Dung


Bài và ảnh: Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]