(Baothanhhoa.vn) - Là sản phẩm truyền thống của người xứ Thanh, miến dong Cẩm Bình (Cẩm Thủy) từ lâu đã được thị trường ưa chuộng nhờ chất lượng đảm bảo. Nghề làm miến vì thế cũng trở thành nghề chính mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ sản xuất nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghề làm miến dong Cẩm Bình

Là sản phẩm truyền thống của người xứ Thanh, miến dong Cẩm Bình (Cẩm Thủy) từ lâu đã được thị trường ưa chuộng nhờ chất lượng đảm bảo. Nghề làm miến vì thế cũng trở thành nghề chính mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ sản xuất nơi đây.

Nghề làm miến dong Cẩm Bình

Người dân làm miến dong Cẩm Bình tất bật vào vụ tết.

Thức dậy từ 4 giờ sáng và kết thúc công việc vào đêm khuya, đó là thời gian làm việc của các hộ sản xuất miến dong tại xã Cẩm Bình vào những tháng cuối năm. Là một trong những hộ có truyền thống sản xuất miến dong lâu đời, ông Nguyễn Đức Phượng, thôn Hạc Sơn, cho biết: “Gia đình tôi gắn với nghề làm miến từ nhiều đời nay. Trước đây, hầu hết các gia đình chỉ sản xuất nhỏ lẻ mang tính tự cung tự cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các bữa ăn, ngày lễ tết. Mọi công đoạn làm miến cũng hoàn toàn bằng thủ công, nên sợi miến to thô, không đều sợi và đẹp mắt như bây giờ. Nhiều năm nay, nhu cầu thị trường cao, chúng tôi quan tâm nhiều hơn chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Đầu tư máy móc giúp việc sản xuất vừa hiệu quả mà vẫn đảm bảo được chất lượng của sợi miến. Hiện, gia đình tôi có 2 bếp tráng luôn hoạt động hết công suất, mỗi ngày làm khoảng gần 6 tạ bột cho ra 3 tạ miến thành phẩm để cung ứng ra thị trường. Vào vụ tết, ngoài việc thuê thêm lao động, chúng tôi còn phải tăng thời gian sản xuất mới kịp hàng bán cho các thương lái”.

Để làm ra những sợi miến, người thợ phải thực hiện từng công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ. Củ dong sau khi rửa sạch, nghiền thành bột sẽ được lắng lọc nhiều lần trong các bể chứa để loại bỏ sạn và tạp chất. Khi bột đạt độ mịn và trắng cần thiết, đóng thành tảng thì có thể dùng làm miến. Khâu tráng bánh được làm hoàn toàn thủ công. Đây là công đoạn quan trọng đòi hỏi người ngồi tráng phải có kinh nghiệm và khéo léo từ việc lấy đủ lượng bột cho đến cách láng đều tay trên mặt nồi với thời gian từ 2 - 3 phút để sợi miến không quá mỏng cũng không quá dày và chín đều. Từng chiếc bánh vừa tráng sẽ được người thợ đem phơi trên những cây sào trong xưởng. Nghề làm miến phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Sợi miến sẽ giòn, dai, đẹp màu, khi nấu sẽ không bị bở nát nếu phơi được nắng. Với những ngày ẩm ướt và mưa nhiều, người làm sẽ phải dừng việc tráng và phơi bánh mà dành thời gian để thực hiện các công đoạn sơ chế nguyên liệu bởi nếu làm miến vào ngày mưa ẩm ướt, sợi miến sẽ bị dính sợi và tối màu, không đảm bảo chất lượng.

Tự hào về sản phẩm quê hương vừa được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, ông Phạm Văn Thuyết, thành viên HTX miến dong Đồi Ao, chia sẻ: “Nghề làm miến dong Cẩm Thủy là nghề truyền thống của ông cha được đông đảo người dân gìn giữ. Hiện HTX có 7 thành viên với hàng chục lao động địa phương tham gia sản xuất. Trung bình mỗi ngày, toàn HTX sản xuất được 4 tạ miến, vào những tháng cuối năm, sản lượng càng tăng cao hơn nữa. Miến dong Đồi Ao từ lâu đã được nhiều người tin dùng bởi chúng tôi luôn đảm bảo trong tất cả các khâu sản xuất. Từ nguồn nguyên liệu là những củ dong riềng được các thành viên trong HTX tự trồng cho đến những công đoạn tráng bánh và phơi phóng luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khác với một số nơi thường pha thêm bột nghệ cho đẹp màu, miến dong xã Cẩm Bình chỉ dùng bột dong riềng nguyên chất nên có màu tự nhiên và vị thơm đặc trưng”.

Nói về nghề làm miến truyền thống, ông Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình nhận định: Nghề làm miến là thế mạnh kinh tế mang lại thu nhập cao cho 150 hộ dân, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong xã. Trung bình mỗi cơ sở sản xuất được từ 20 - 25 tấn miến/năm. Do điều kiện địa lý, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp, dong riềng cũng là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc thấp nên hiện nay, người dân đã mở rộng diện tích từ 2 ha trồng thử nghiệm trong năm 2018 tăng lên 40 ha. Nhiều hộ dân đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng để tập trung phát triển sản xuất đồng thời chú trọng hơn trong quy cách đóng gói, mẫu mã sản phẩm...

Cũng theo ông Đức, bên cạnh những thuận lợi về nguồn nhân lực cũng như tay nghề cao của người sản xuất thì khó khăn lớn nhất hiện nay tại làng miến Cẩm Bình là thiếu nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Diện tích cây dong dù có được mở rộng nhưng vẫn không đủ nguyên liệu để phục vụ cho việc sản xuất, do vậy chủ yếu các hộ sản xuất vẫn phải nhập bột dong ở Sơn La, Lai Châu và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm miến dong cũng chưa ổn định. Hầu hết, các cơ sở làm miến đều tự tìm mối hàng nhỏ lẻ mà chưa có kênh tiêu thụ lớn đảm bảo bằng các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm.

Chất lượng miến dong Cẩm Bình thời gian gần đây đang dần được khẳng định. Nghề làm miến cũng vì thế đem lại đời sống khá giả hơn cho người dân nơi đây. Mong muốn mở rộng thị trường, phát triển hơn nghề truyền thống, những người dân làm miến vẫn đang mỗi ngày nỗ lực sản xuất và hoàn thiện hơn để thời gian tới, những sản phẩm mang thương hiệu “Miến dong Cẩm Bình” sẽ có mặt tại các gian hàng thực phẩm trên khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]