(Baothanhhoa.vn) - Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một nhiệm vụ quan trọng, những năm gần đây, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và duy trì các tiêu chí về ATTP, trong đó chú trọng xây dựng chợ ATTP. Đồng thời, phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Nâng cao tiêu chí chợ an toàn thực phẩm

Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một nhiệm vụ quan trọng, những năm gần đây, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và duy trì các tiêu chí về ATTP, trong đó chú trọng xây dựng chợ ATTP. Đồng thời, phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Nâng cao tiêu chí chợ an toàn thực phẩmMột góc chợ Cầu Quan (Nông Cống).

Với mong muốn xây dựng chợ ATTP cho người dân, năm 2018, anh Hoàng Ngọc Hà, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển thương mại Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng chợ Cầu Quan, xã Trung Chính (Nông Cống) kiên cố, khang trang, với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở vật chất, anh đã thành lập ban quản lý chợ, tổ giám sát tại chợ để kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm quy định vệ sinh ATTP; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền đến người dân và các hộ kinh doanh trong chợ các nội dung tiêu chí ATTP. Nhờ đó chợ đã đạt tiêu chí ATTP năm 2020. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở, các tiểu thương đã ký cam kết và chấp hành tốt hơn các quy định về ATTP; hàng hóa buôn bán có nguồn gốc, nhãn hiệu, hạn sử dụng rõ ràng. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ Cầu Quan đã đầu tư đầy đủ trang thiết bị như tủ, bàn, quầy, thùng đựng rác, đồ bảo hộ,... để bảo vệ môi trường cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Được biết, trong năm 2022, huyện Nông Cống được giao chỉ tiêu xây dựng 15 chợ, 10 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, 10 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 11 bếp ăn tập thể và 20 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP; 8 xã, thị trấn đạt tiêu chí ATTP... Do vậy, ngay từ đầu năm huyện đã xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện mục tiêu ATTP năm 2022. Hiện nay trên địa bàn huyện đã thực hiện 8/10 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 16/20 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP, 10/15 chợ và 6/10 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Ngoài ra, huyện đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về ATTP, được công khai trên hệ thống truyền thanh, truyền hình huyện và niêm yết tại công sở các xã, thị trấn. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, ban chỉ đạo vệ sinh ATTP huyện họp giao ban nắm bắt tình hình, tiến độ thực hiện các tiêu chí thông qua các giải pháp tháo gỡ các nội dung còn hạn chế. Thành viên ban chỉ đạo tăng cường đi cơ sở đôn đốc các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện chỉ tiêu được giao. Công tác kiểm tra, giám sát tiến độ xây dựng xã ATTP cũng được thường xuyên thực hiện. Từ đầu năm đến nay, huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP kiểm tra 48 cơ sở, cấp xã thành lập 58 đoàn kiểm tra 870 cơ sở, số cơ sở đạt yêu cầu chiếm 99%, có 2 cơ sở bị xử phạt với số tiền 6,8 triệu đồng...

Đối với việc xây dựng chợ ATTP, thời gian qua, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã xây dựng được 14 chợ dân sinh phục vụ nhu cầu giao thương, sinh hoạt của người dân. Tính đến nay, cả 14 chợ được công nhận là chợ kinh doanh ATTP. Trong đó, có các chợ Cẩm Yên, Cẩm Thạch, Cẩm Ngọc được doanh nghiệp đầu tư, còn lại 11 chợ do các HTX đầu tư xây dựng. Nhìn chung, sau khi được cấp giấy chứng nhận chợ kinh doanh ATTP, chủ đầu tư đã nâng cấp, duy tu và duy trì để giữ vững tiêu chí chợ ATTP, như: cải tạo hệ thống thoát nước thải; hệ thống điện, nước; đầu tư xây dựng và cải tạo các quầy sạp... Đồng thời, mô hình chợ ATTP đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý chợ, tạo thuận lợi cho kinh doanh của tiểu thương cũng như mua sắm của người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến hết quý 1-2022, toàn tỉnh có 230 chợ hợp chuẩn chợ kinh doanh ATTP và 410 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại 26/27 huyện, thị xã, thành phố. Song, trên thực tế việc triển khai xây dựng chợ ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi các chợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chợ hạng 2, hạng 3, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp và cần có sự đầu tư cải tạo phù hợp với mục đích sử dụng. Các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả được tiểu thương nhập ở nhiều nơi nên khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng. Bên cạnh đó, một bộ phận các tiểu thương vẫn còn chạy theo lợi nhuận, kinh doanh các sản phẩm không đạt chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để mô hình chợ ATTP được nhân rộng và phát huy hiệu quả, rất cần sự chung tay và nỗ lực của các ban, ngành, địa phương. Đối với các huyện, thị xã tiếp tục thực hiện, duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu ATTP, nhất là tiêu chí chợ ATTP. Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người dân về vệ sinh ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vệ sinh ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Thảo Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]