(Baothanhhoa.vn) - Năm 2010, Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung (tiền thân là Nông trường Hà Trung), có trụ sở tại phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn) được Viện Cây ăn quả thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ phát triển mô hình trồng cam không hạt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lãng phí tiền tỷ từ dự án trồng cam không hạt

Năm 2010, Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung (tiền thân là Nông trường Hà Trung), có trụ sở tại phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn) được Viện Cây ăn quả thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ phát triển mô hình trồng cam không hạt.

Cỏ mọc um tùm tại vườn cam Cara của Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung.

Giống cam mới có tên Cara, xuất xứ từ Autralia được quy hoạch trồng trên vùng đồi đội sản xuất số 7 của công ty, thuộc địa bàn xã Hà Long (Hà Trung). Theo ký kết, phía Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung sẽ góp đất, còn lại giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác và chi phí khác do Viện Cây ăn quả tài trợ theo chương trình hợp tác.

Với diện tích 6,61 ha cây trồng hoàn toàn mới, nhiều người dân ở vùng đồi xã Hà Long và thị xã Bỉm Sơn kỳ vọng lớn về giống cam không hạt, chất lượng tốt sẽ phát triển để nhân rộng ra toàn vùng. 3 hộ được “ưu ái” tham gia mô hình dưới hình thức góp đất sản xuất với nhiều hứa hẹn để phát triển kinh tế gia đình, gồm các ông, bà: Nguyễn Ngọc Uyên 1,76 ha, Nguyễn Thị Lương 2,6 ha và Trần Thị Hải 2,25 ha. Khi dự án thất bại, các hộ cho rằng phía công ty tắc trách, còn công ty lại cho rằng do người dân hái trộm quả và nhiều nguyên nhân khác...

Theo chân người nhà ông Nguyễn Ngọc Uyên, chúng tôi lên một khu đồi thoai thoải để xem mô hình cam được coi là đã chết yểu. Một vùng đồi cỏ mọc um tùm kín lối, chỉ phân biệt được cây cam do... chúng cao hơn các bụi cỏ. Gọi là vườn cam, nhưng cây thì là chanh, cây là bưởi do phần gốc ghép với cành cam Cara đâm chồi thực sinh, nhưng không ai bẻ theo khuyến cáo kỹ thuật nên chúng phát triển át cả những cành cam phía trên. Dưới đất, những đường ống bằng cao su to gần bằng cổ tay của hệ thống tưới nhỏ giọt cũng hư hỏng, không còn nguyên vẹn. Bể chứa nước tưới trên phía đỉnh đồi cũng bị bỏ hoang trong tình trạng khô hạn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Uyên, năm 2015, vườn cam đã “bói” quả, nhưng các vụ tiếp theo thì không được quan tâm chăm sóc nên bị ruồi vàng và dịch bệnh phá hoại nên công ty bỏ luôn. Hết năm 2015, Viện Cây ăn quả cũng rút lui do hết thời gian hợp tác để hỗ trợ kỹ thuật, tuy nhiên do không được tiếp tục quan tâm nên mô hình đã đi đến thất bại hoàn toàn. Đến cuối năm 2017 và đầu năm 2018, phía công ty đã cho người cải tạo, trồng xen dứa vào phần lớn các luống cam để tận dụng tiềm năng đất đã bỏ hoang hóa lâu ngày.

Để tìm hiểu nguyên nhân và tổng số vốn của dự án cam không hạt này, chúng tôi đã tìm về Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung. Ban đầu, ông Phạm Hoàng Hà, Giám đốc công ty nhất quyết không làm việc với lý do phải đặt lịch trước. Sau hồi lâu trò chuyện, ông Hà và ông Hoàng Thế Khiêm, Phó Giám đốc công ty mới hé mở những thông tin liên quan. Cả 2 vị lãnh đạo cao nhất của công ty này đều thừa nhận, đến thời điểm này, dự án trồng cam không hạt được tài trợ này đã thất bại. Theo ông Hà, thời điểm mô hình được triển khai, việc huy động đất của các hộ, mọi công tác triển khai là do ông Nguyễn Quốc Tiến làm giám đốc lúc bấy giờ, chịu trách nhiệm chỉ đạo chính. Nhiều năm gần đây, công ty không thu hoạch được vụ nào. Thế nhưng, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn thuê người bón phân. Hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cam cũng trong tình trạng xuống cấp, không có nước bởi “cha chung không ai khóc”. “Vườn cam như một “khối u” của công ty. Tuy không được thu hoạch, nhưng những năm trước, công ty vẫn phải thuê người trông coi, diệt cỏ... Khi có quả, chúng tôi đã cho kỹ sư đánh dấu từng cây, ghi mỗi cây bao nhiêu quả, song gần đến kỳ thu hoạch thì bị hái trộm. Gần đây, tôi và ban giám đốc đã nghĩ đủ thứ cách, trong đó có trồng khoai xen các luống cam, nhưng cỏ mọc lút cả khoai. Hiện tại, chúng tôi triển khai cải tạo để trồng dứa vào giữa các hàng cam để tránh lãng phí đất” - ông Phạm Hoàng Hà chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một nguyên nhân khác khiến vườn cam không hiệu quả là khi được cấp bầu về, công ty không triển khai trồng ngay mà xếp đống để hàng năm mới đem trồng, nên cây đã bị yếu, cành cam Cara chậm phát triển. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân mà các mầm thực sinh là chanh, bưởi và các loại cam khác đâm chồi, phát triển vượt cả cành ghép. Chính ông Hà cũng nói rằng, “là vườn cam nhưng thực ra có cả bưởi, chanh lôm côm cả”. Cũng theo các lãnh đạo công ty này, đến nay có thể khẳng định, vườn cam không thể vực dậy được, song công ty cũng chưa thể thanh lý hay phá đi để trồng cây trồng mới bởi đó là dự án được tài trợ. Hơn nữa, “nhiều hồ sơ liên quan hiện không còn, trong đó có thể là hữu ý (từ thời lãnh đạo trước - PV)...

Về tổng số vốn triển khai dự án, đến nay vẫn chưa được quyết toán do thiếu các thủ tục và một số nguyên nhân khác, song theo lãnh đạo công ty, ban đầu vốn cho dự án khoảng trên dưới 800 triệu đồng, nhưng sau phát sinh lên khoảng hơn 1 tỷ đồng. Đích cuối cùng của dự án là phát triển cây trồng mới, nâng cao hiệu quả kinh tế ở vùng đồi xã Hà Long và thị xã Bỉm Sơn thì đã thất bại. Không những một số tiền không nhỏ đã được chi vô ích, mà những hệ lụy của dự án thì vẫn dai dẳng với Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung và những hộ được tham gia mô hình.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]