(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, việc xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao... đã mang lại những kết quả rõ nét. Tuy nhiên, khác với khu vực đồng bằng, việc xây dựng vùng thâm canh lúa khu vực miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao ở khu vực miền núi

Trong những năm qua, việc xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao... đã mang lại những kết quả rõ nét. Tuy nhiên, khác với khu vực đồng bằng, việc xây dựng vùng thâm canh lúa khu vực miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao ở xã Hóa Quỳ (Như Xuân).

Từ năm 2012, với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng tới sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn, huyện Như Xuân đã định hướng xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung có diện tích từ 5 đến 10 ha, chủ yếu tập trung tại các xã Hóa Quỳ, Yên Lễ, Xuân Bình, Cát Tân, Xuân Quỳ... Tại các vùng lúa thâm canh, người dân sử dụng các giống lúa lai năng suất cao, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... nên hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất đã và đang được khẳng định. Năng suất lúa cao hơn khoảng 25 đến 30% so với diện tích sản xuất theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, ở hầu hết các xã, việc xây dựng vùng lúa thâm canh còn gặp nhiều khó khăn. Cánh đồng thôn Liên Hiệp, xã Hóa Quỳ có 17,5 ha lúa thâm canh, thu hút 76 hộ dân tham gia canh tác, với những loại giống, như Thái Sơn, Nghi Hương, Thiên Ưu... Ông Lê Văn Hùng, thôn Liên Hiệp, cho biết: “Gia đình có 7 sào ruộng, nếu canh tác tốt, thời tiết thuận lợi sản lượng trung bình mỗi vụ 3 tạ/sào. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thâm canh lúa còn gặp nhiều khó khăn do địa hình ruộng bậc thang, diện tích nhỏ lẻ, manh mún nên chưa áp dụng được cơ giới hóa, dẫn đến chưa phát huy được tối đa năng suất lúa”. Ông Lê Gia Sơn, cán bộ nông nghiệp UBND xã Hóa Quỳ, cho biết: Nguồn vốn của các địa phương hạn hẹp, nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng thâm canh lúa chưa được đồng bộ. Hiện nay, người dân vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình nên việc xây dựng vùng lúa năng suất, chất lượng cao vẫn còn nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, trình độ canh tác, nhất là trong thực hiện các biện pháp thâm canh của người dân còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất còn chưa cao. Hơn nữa, đặc thù địa hình khu vực miền núi dễ sạt lở, dễ bị rửa trôi, xói mòn dẫn đến chất dinh dưỡng trong đất giảm, ảnh hưởng đến quá trình canh tác của người dân.

Tại huyện Lang Chánh, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 2 vùng thâm canh lúa tại các xã Giao An và Đồng Lương, với quy mô 100 ha, năng suất bình quân đạt 52 tạ/ha/vụ. Ông Nguyễn Viết Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Lang Chánh, cho biết: Do diện tích manh mún, nhỏ lẻ, chưa thể áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nên hiện nay, sản lượng mỗi năm chỉ đủ để bảo đảm ổn định an ninh lương thực ở địa phương, chưa phát triển thành hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, thực hiện chủ trương tăng năng suất, chất lượng vùng lúa thâm canh, UBND huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới, trên cơ sở đó lựa chọn những giống lúa phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của người dân địa phương để đưa vào gieo cấy. Đồng thời, cân đối các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp đường giao thông, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho vùng lúa thâm canh.

Được biết, hiện nay khu vực miền núi có 4.084 ha lúa thâm canh, tại các huyện Như Thanh, Như Xuân, Bá Thước, Lang Chánh... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng. Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hầu hết vùng lúa thâm canh vẫn có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tuy đã được hạ tiêu chí và điều kiện từ 120 ha/xã xuống còn 50 ha/xã, vùng tập trung đầu tư thâm canh 20 ha/xã, song vẫn khó bảo đảm được tiêu chí tối thiểu để tham gia. Bên cạnh đó, do nguồn vốn của các địa phương hạn hẹp, nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng lúa thâm canh còn hạn chế, chưa được đồng bộ. Để tiếp tục phát triển vùng lúa thâm canh, các địa phương khu vực miền núi cần tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân đóng góp nhân lực, vật lực trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thâm canh, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Cùng với đó, chính quyền các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để phát triển vùng lúa thâm canh có quy mô lớn.


Bài và ảnh: L.Ng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]