(Baothanhhoa.vn) - Để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, các dự án phát triển kinh tế, những năm qua, nhiều diện tích đất sản xuất tại các địa phương đã bị thu hồi... Việc thu hồi diện tích đất sản xuất là cần thiết để phục vụ sự phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong việc bố trí việc làm cho người dân bị thu hồi đất sản xuất

Khó khăn trong việc bố trí việc làm cho người dân bị thu hồi đất sản xuất

Hộ dân khu tái định cư bản Pa Púa, xã Trung Sơn (Quan Hóa) phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, các dự án phát triển kinh tế, những năm qua, nhiều diện tích đất sản xuất tại các địa phương đã bị thu hồi... Việc thu hồi diện tích đất sản xuất là cần thiết để phục vụ sự phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nhiều hộ dân sau khi bị thu hồi đất sản xuất đã không còn việc làm, thu nhập bị giảm sút đáng kể.

Để phục vụ cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, gần 200 hộ dân của xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân đã phải di chuyển sang xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh để sinh sống. Thế nhưng, đã hơn 17 năm chuyển đến nơi ở mới, song đời sống của các hộ dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất.

Gia đình anh Lê Duy Tởi sau khi chuyển đến khu tái định cư của thôn Đồng Tâm, xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh đã được cấp 2,4 ha đất lâm nghiệp, 1 sào đất trồng lúa và 1,5 sào đất trồng các loại cây hoa màu. Thế nhưng, không lâu sau, toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình được cấp lại bị thu hồi để phục vụ dự án của Nhà máy Xi măng Công Thanh. Hiện tại, do không còn đất sản xuất, nên vợ chồng anh phải đi làm thuê, công việc bấp bênh, thu nhập cũng vì thế mà giảm nhiều.

Khó khăn trong việc bố trí việc làm cho người dân bị thu hồi đất sản xuất

Người dân khu tái định cư bản Keo Đắm, xã Trung Sơn chuyển đổi ngành, nghề kinh doanh, thương mại.

Tại huyện Bá Thước, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng lòng hồ Dự án Nhà máy Thủy điện Bá Thước 1 và Bá Thước 2, tổng diện tích đất bị thu hồi gần 300 ha, ảnh hưởng đến 2.500 hộ dân. Để bảo đảm đời sống cho người dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, chủ đầu tư đã cho xây dựng 2 khu tái định cư tại thôn Chảy Kế, xã Thiết Kế và thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung. Mặc dù 2 khu tái định cư này được xây dựng kịp thời, hệ thống điện lưới, đường giao thông, nước sinh hoạt đều được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, thực hiện dự án, phần lớn diện tích đất sản xuất của các hộ dân đều bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện, địa phương không còn quỹ đất sản xuất để bố trí cho người dân, trong khi chủ đầu tư lại chưa xây dựng phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân. Vì thế, nhiều lao động bị thiếu việc làm, thu nhập cũng vì thế mà giảm sút. Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, bình quân thu nhập của người dân thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung giảm từ 8,3 triệu đồng/người/năm trước khi tái định cư xuống còn 8 triệu đồng/người/năm sau khi tái định cư do thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm.

Ở nhiều nơi, việc người dân bị thu hồi đất sản xuất bị thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, một phần là do chủ đầu tư chưa có phương án sinh kế, phần vì chính quyền địa phương thiếu sự kiểm tra, giám sát, chưa quyết liệt trong việc phối hợp với chủ đầu tư các dự án để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, ở xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, việc người dân bị thu hồi đất sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập giảm sút phần nhiều lại đến từ chính bản thân của họ.

Bị ảnh hưởng bởi Dự án Thủy điện Trung Sơn của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, với 3 ha trồng luồng và hơn 2 sào đất trồng lúa bị thu hồi, cộng với kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, gia đình anh Ngân Văn Yết, bản Keo Đắm, xã Trung Sơn (Quan Hóa) được bồi thường hơn 600 triệu đồng. Đây đáng ra là một số vốn lớn có thể giúp gia đình anh đầu tư sang lĩnh vực khác, như: Kinh doanh, chăn nuôi để ổn định đời sống, thậm chí còn mở ra cơ hội giúp gia đình anh phát triển kinh tế. Thế nhưng, thay vì đầu tư để phát triển sản xuất, gia đình anh lại dùng số tiền đó và toàn bộ vốn của gia đình để làm nhà trị giá tới 1,4 tỷ đồng, rồi mua xe mô tô, sắm đồ dùng trong nhà. Hết vốn đầu tư, không còn đất sản xuất, không còn nguồn thu, nên hai vợ chồng anh chỉ biết đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Anh Yết chia sẻ: Mặc dù ở trong ngôi nhà bạc tỷ với các đồ dùng hiện đại, song gia đình anh phải chạy ăn từng bữa, đồ dùng hiện đại cũng không dám sử dụng vì sợ không có tiền trả tiền điện. Hiện vợ chồng anh đang dự định đi vào trong các tỉnh phía Nam để tìm việc làm.

Cũng như gia đình anh Yết, gia đình anh Lương Văn Ủn, bản Pa Púa, xã Trung Sơn được Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn chi trả số tiền bồi thường từ việc thu hồi đất sản xuất lên tới gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh đã sử dụng hơn 1 nửa để làm nhà, số tiền còn lại anh sử dụng vào chi tiêu và lo việc cưới hỏi cho các con. Việc có trong tay tiền tỷ, song không biết sử dụng và phát huy nguồn vốn không chỉ có gia đình anh Yết, anh Ủn, mà đó là câu chuyện chung của nhiều gia đình ở các khu tái định cư của xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 8.000 lao động trong độ tuổi thuộc các hộ bị thu hồi đất có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm. Để đáp ứng nhu cầu này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương trong tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm trong nước, ưu tiên vốn vay từ quỹ quốc gia về việc làm, đi làm ở nước ngoài theo quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 147.743 lao động, trong đó có khoảng 20.000 lao động trong vùng bị thu hồi đất sản xuất. Tuy nhiên, tư tưởng và nhận thức của một số bộ phận người lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động, tích cực trong việc học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân. Người lao động bị thu hồi đất có nhu cầu đi học nghề không nhiều, nhất là số lao động có độ tuổi từ 45 trở lên ngại học nghề, trình độ chuyên môn thấp nên việc đào tạo chuyển đổi nghề gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc xây dựng phương án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động bị thu hồi đất sản xuất của các địa phương còn hạn chế, thiếu khả thi, kinh phí hỗ trợ eo hẹp.

Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân bị thu hồi đất sản xuất, các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất sản xuất. Chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch, phát triển những ngành nghề dựa trên những tiềm năng sẵn có, phát huy được các thế mạnh của địa phương để đưa ra các biện pháp giải quyết việc làm hợp lý, đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động bằng việc giới thiệu và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động về tuyển lao động tại địa phương, tạo điều kiện cho lao động, trong đó có lao động bị thu hồi đất sản xuất có cơ hội đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhằm giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập. Yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có diện tích đất bị thu hồi phải thực hiện cam kết sử dụng lao động của địa phương, có chính sách đào tạo tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để họ làm quen với công việc và môi trường làm việc của doanh nghiệp.

Chú trọng hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vào phát triển sản xuất

Khó khăn trong việc bố trí việc làm cho người dân bị thu hồi đất sản xuất

Dự án Thủy điện Trung Sơn được thực hiện đã thu hồi 1.258,4 ha đất sản xuất, trong đó chủ yếu là đất rừng sản xuất, có 443 hộ dân của tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng, riêng huyện Quan Hóa có 239 hộ.

Để bảo đảm đời sống, sinh kế cho các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng, ngoài việc xây dựng kịp thời khu tái định cư với hạ tầng đầy đủ hệ thống đường giao thông, điện, nước sạch, trước khi chi trả tiền bồi thường, Ban quản lý dự án của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả số vốn được bồi thường vào phát triển sản xuất. Cùng với đó, ban quản lý đã đầu mối với các ngân hàng tư vấn, làm sổ tiết kiệm cho các hộ nhận bồi thường để chi tiêu có kế hoạch; đồng thời, tìm hướng phát triển sản xuất. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% số hộ thực hiện gửi tiết kiệm một phần tiền ở ngân hàng, số còn lại đều sử dụng tiền bồi thường vào mục đích làm nhà, mua xe và sắm sanh đồ đạc. Vì vậy, chính quyền địa phương cần chú trọng hướng dẫn người dân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được bồi thường vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Nguyễn Trường Chinh

Trưởng Phòng Tổ chức nhân sự,

Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn

Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất

Khó khăn trong việc bố trí việc làm cho người dân bị thu hồi đất sản xuất

Xã Trung Sơn (Quan Hóa) bị thu hồi khoảng 500 ha đất sản xuất để thực hiện Dự án Thủy điện Trung Sơn và có hơn 200 hộ dân bị mất đất sản xuất.

Những hộ bị ảnh hưởng đã được chủ đầu tư bồi thường. Ngoài ra, chủ đầu tư còn phối hợp với các đơn vị chuyên môn thực hiện đào tạo, tập huấn kiến thức về phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đa phần các hộ dân đều không phát huy được hiệu quả của nguồn vốn cũng như các chương trình hỗ trợ. Vì vậy, UBND xã đã và đang chỉ đạo hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, giúp người lao động hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của việc phát huy hiệu quả nguồn vốn trong phát triển sản xuất. Đối với các hộ có tiềm lực kinh tế thì khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, trong đó đối tượng chính là nuôi các con đặc sản. Đối với những gia đình có lao động trẻ, nguồn vốn eo hẹp thì khuyến khích xuất khẩu lao động nhằm giải quyết việc làm, ổn định thu nhập.

Phạm Văn Diện

Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa

Cần quan tâm định hướng, giới thiệu việc làm cho lao động bị thu hồi đất sản xuất

Khó khăn trong việc bố trí việc làm cho người dân bị thu hồi đất sản xuất

Để bảo đảm nguồn sinh kế lâu dài cho lao động bị thu hồi đất sản xuất, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động bị thu hồi đất sản xuất chưa gắn liền với công tác định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, nên nhiều lao động dù đã qua đào tạo vẫn không có việc làm hoặc làm việc trái với ngành nghề được đào tạo.

Để tạo việc làm cho lao động bị thu hồi đất sản xuất, các chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần tích cực liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để định hướng nghề nghiệp cho người lao động khi tham gia đào tạo. Trong quá trình đào tạo cũng cần quan tâm đến vấn đề đấu mối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giới thiệu việc làm cho lao động bị thu hồi đất sản xuất.

Hà Thanh Bình

Bí thư chi bộ thôn Đồng Tâm,

xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh

Hỗ trợ phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất sản xuất

Khó khăn trong việc bố trí việc làm cho người dân bị thu hồi đất sản xuất

Việc nhường đất sản xuất để triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã khiến nhiều nông dân rơi vào tình trạng không có hoặc thiếu việc làm.

Tuy nhiều dự án cũng quan tâm đến vấn đề xây dựng sinh kế cho những hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng, nhưng đa phần mới dừng ở việc tập huấn, đào tạo nghề cho lao động, mà chưa quan tâm đến việc du nhập, phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho lao động bị thu hồi đất. Do vậy, tuy được đào tạo nghề, song hầu hết lao động đều không có đất “dụng võ”. Vì vậy, để việc sinh kế của người dân bị thu hồi đất sản xuất được bảo đảm, cùng với việc tập huấn, đào tạo nghề, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề, nhất là các ngành nghề tiều thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản thông qua các chính sách hỗ trợ. Từ đó tạo việc làm phù hợp, vừa sức với trình độ, kỹ thuật của người dân bị thu hồi đất sản xuất.

Lục Thị Nhài

(Thôn Chảy Kế, xã Thiết Kế,

huyện Bá Thước)

Hương Thơm


Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]