(Baothanhhoa.vn) - Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 19-11-2018 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Một trong những điều luật được người chăn nuôi quan tâm chính là nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 19-11-2018 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Một trong những điều luật được người chăn nuôi quan tâm chính là nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư.

Khó khăn di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cưHộ chăn nuôi lợn thuộc diện phải di dời tại xã Thăng Long (Nông Cống).

Để triển khai, thực hiện Luật Chăn nuôi, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng chính quyền các địa phương đã và đang thực hiện rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để xây dựng phương án di dời phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi về các điều khoản của Luật Chăn nuôi để các hộ nắm bắt, thực hiện. Sau hơn 8 tháng, việc di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai thực hiện, song đang gặp một số khó khăn từ cơ sở.

Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Thảo, thôn Beo, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) có diện tích khá rộng, nên chị tận dụng khu đất trống để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Với quy mô nuôi 10 con/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa, chị có thu nhập để chi phí cho một số công việc cần thiết trong gia đình. Mặc dù gia đình đã đầu tư công trình biogas xử lý chất thải và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, song vào những ngày thời tiết oi nồng, hàng xóm vẫn phàn nàn về mùi hôi do chăn nuôi gây ra. Để khắc phục vấn đề môi trường trong chăn nuôi, gia đình chị được UBND xã vận động di chuyển ra khu chăn nuôi tập trung của xã. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư, hơn nữa lại thấy có nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, sinh hoạt, nên chị chọn giải pháp tạm dừng chăn nuôi thay vì di chuyển đến khu mới.

Qua trao đổi với cán bộ phụ trách nông nghiệp, UBND xã Vĩnh Long, chúng tôi được biết: Toàn xã còn tới 300 hộ chăn nuôi; trong đó, chỉ có 20 hộ chăn nuôi quy mô lớn, còn 280 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi xen ghép. Từ năm 2016, xã đã bố trí quỹ đất để xây dựng khu trang trại chăn nuôi tập trung, với quy mô 15 ha. Để thực hiện lộ trình di chuyển các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, xã đã và đang tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời ra khu trang trại chăn nuôi tập trung để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có 8 hộ di dời ra khu chăn nuôi tập trung; 12 hộ có mong muốn được di dời ra khu chăn nuôi tập trung của xã, nhưng không đủ vốn đầu tư; 280 hộ chăn nuôi còn lại không muốn di dời vì e ngại sự thay đổi trong cuộc sống, sinh hoạt và một phần vì không có vốn. Nhiều hộ chăn nuôi ở đây chia sẻ rằng, nếu buộc phải thực hiện việc di dời thì họ sẽ từ bỏ chăn nuôi để chuyển sang làm nghề khác.

Ông Lê Văn Tiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Vĩnh Lộc, phân tích: Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực, đã tạo cơ sở pháp lý để địa phương thực hiện, tuyên truyền cho người dân. Điều này sẽ giúp giải quyết được những bức xúc về vấn đề môi trường trong chăn nuôi của người dân trong suốt thời gian qua. Trên thực tế, từ nhiều năm trước, hầu như các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã thực hiện bố trí quỹ đất để xây dựng khu chăn nuôi tập trung của xã. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ lấp đầy các khu chăn nuôi tập trung này chỉ đạt 40 đến 50% diện tích quỹ đất, thậm chí có xã mới đạt hơn 10%.

Tại huyện Nông Cống, ngay từ quý I-2020, huyện đã tổ chức nhiều hội nghị để triển khai thực hiện nội dung của Luật Chăn nuôi đến các xã, thị trấn; đồng thời, bàn thảo về các giải pháp. Theo đó, giải pháp các địa phương trên địa bàn huyện đã và đang tập trung thực hiện, gồm: Bố trí quỹ đất để thực hiện lộ trình di dời các hộ chăn nuôi; rà soát các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo từng đối tượng con nuôi để đưa ra giải pháp di dời hiệu quả, trước mắt huyện sẽ thực hiện di chuyển đối với các hộ chăn nuôi có quy mô lớn nằm xen ghép trong khu dân cư, nhất là đối với các hộ chăn nuôi lợn. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Chăn nuôi cho người dân, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện di dời. Tuy nhiên, qua khảo sát bước đầu cho thấy, do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức bán công nghiệp, tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ và các phụ phẩm nông nghiệp, gắn với cuộc sống sinh hoạt, nên đa phần các hộ không muốn di dời sang nơi khác. Nhiều xã đã làm khá tốt công tác bố trí quỹ đất, song các hộ chăn nuôi vẫn chưa thực hiện di dời. Điển hình như xã Thăng Long, tuy đã bố trí được quỹ đất và tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời ra khu chăn nuôi tập trung, song đến nay mới chỉ có 1 hộ di dời và còn hơn 200 hộ chăn nuôi vẫn chưa có dự định di dời.

Theo rà soát, thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, đến quý II-2020, toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, 950 trang trại và còn tới 578.241 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm phân tán trong khu dân cư. Chăn nuôi nông hộ đã và đang góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi này luôn tiềm ẩn nguy cơ cao và khó kiểm soát dịch bệnh. Do đó, thực hiện Luật Chăn nuôi, cùng với việc rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để xây dựng phương án di dời cụ thể, phù hợp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung của luật.

Ông Mai Thế Sang, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định của Luật Chăn nuôi. Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện tốt bước rà soát, xác định các khu vực không được phép chăn nuôi (có sự đồng thuận cao của người dân, kể cả các hộ chăn nuôi thuộc diện phải di dời, thông qua việc tổ chức họp thôn, tổ). Các huyện, thị xã, thành phố có phương án bảo đảm sản xuất cho các hộ chăn nuôi; đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan rà soát, dành quỹ đất cho phát triển chăn nuôi trang trại, phát triển trồng cây thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho các hộ chăn nuôi thuộc diện di dời; tạo điều kiện cho các hộ được vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất và chuyển đổi ngành nghề.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]