(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Nông Cống quan tâm thực hiện quy hoạch, phát triển công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN), nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hiện trên địa bàn đã thu hút được nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Đồng thời, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang CN, TTCN.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Nông Cống quy hoạch, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Huyện Nông Cống quy hoạch, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Công nhân Công ty CP may Viedaz đóng trên địa bàn xã Tế Thắng (Nông Cống) trong ca sản xuất.

Những năm qua, huyện Nông Cống quan tâm thực hiện quy hoạch, phát triển công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN), nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hiện trên địa bàn đã thu hút được nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Đồng thời, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang CN, TTCN.

Trên địa bàn huyện Nông Cống đã quy hoạch và được UBND tỉnh phê duyệt phát triển 3 cụm CN. Đó là: Cụm CN Hoàng Sơn, quy mô diện tích 4,34 ha. Hiện tại cụm CN này có 16 doanh nghiệp, cơ sở thuê đất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút 120 lao động có việc làm thường xuyên, với thu nhập bình quân đạt từ 4,2 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng và gần 220 lao động làm việc thời vụ. Cụm CN Trường Sơn, quy mô diện tích 22,93 ha; với tính chất là cụm CN sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp; sản xuất cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ và dệt may. Hiện tại đang triển khai lập dự án đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và đã có một doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư lĩnh vực may mặc, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý III - 2019. Cụm CN thị trấn Nông Cống, diện tích quy hoạch đến năm 2030 là 165 ha và hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng với diện tích 42,5 ha giai đoạn đầu với tính chất là cụm CN sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp; sản xuất cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ và dệt may. Hiện tại đang triển khai lập dự án đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện tại đã có 2 doanh nghiệp đăng ký thuê đất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh (1 doanh nghiệp lĩnh vực sửa chữa ô tô, 1 doanh nghiệp da giầy xuất khẩu). Đi đôi với đó, trên cơ sở quy hoạch phát triển hai bên tuyến đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn của tỉnh; UBND huyện đang chỉ đạo các phòng có liên quan với UBND các xã có tuyến đường đi qua thực hiện rà soát lại quỹ đất để quy hoạch cụm CN phù hợp.

Trong quá trình quy hoạch, phát triển CN, đến nay, trên địa bàn huyện có 20 đơn vị may mặc, tạo việc làm cho khoảng 3.800 lao động. Các doanh nghiệp may mặc đã tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho lao động, nhất là lao động đang đi làm ăn xa trở về quê để làm việc. Điển hình như: Công ty CP may VIETDAZ, đầu tư xây dựng nhà máy mới tại xã Tế Thắng với diện tích 7.500 m2, tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động; Công ty TNHH Tân Tiến Phát, đầu tư xây dựng nhà máy tại xã Thăng Long và đã hoàn thành giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư khoảng 12 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Ngoài ra, các dự án đang hoàn tất thủ tục để đầu tư xây dựng, như: Công ty may Trường Thắng 3, tại xã Công Liêm; Công ty TNHH may mặc Hoàng Tùng và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hoàng Sơn, đầu tư xây dựng mới nhà máy tại xã Trung Chính. Ngành khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng, hiện trên địa bàn huyện hiện nay có 9 doanh nghiệp, thu hút khoảng 250 lao động có việc làm thường xuyên.

Đi đôi với phát triển CN, thời gian qua, huyện Nông Cống quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển TTCN. Hiện trên địa bàn có nhiều làng nghề, sản phẩm làng nghề phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Như làng nghề nón lá, quy mô 1.290 hộ, thu hút 3.017 lao động, chủ yếu tại xã Trường Giang (980 hộ với 2.393 lao động), Trường Trung (192 hộ với 384 lao động), Trường Sơn (90 hộ với 180 lao động), Trường Minh (30 hộ với 60 lao động) và còn lại rải rác ở một số xã khác. Sản phẩm là nón lá với số lượng đạt khoảng hơn 2,7 triệu chiếc/năm, tổng giá trị đạt khoảng 96 tỷ đồng. Làng nghề làm hương bài tại thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng, quy mô 62 hộ, với 113 lao động, số lượng sản phẩm đạt khoảng 75.000 bó/năm, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Làng nghề chiếu cói và các sản phẩm từ cói, quy mô 461 hộ, thu hút 1.055 lao động và chủ yếu tại các xã Trường Giang, Minh Khôi, Tế Nông, Tượng Sơn; diện tích vùng nguyên liệu 281 ha tại 10 xã. Làng nghề làm miến gạo Tân Giao, xã Thăng Long, quy mô 52 hộ, thu hút 148 lao động; sản phẩm chủ yếu miến sợi, bánh phở, với sản lượng khoảng 2.500 tấn/năm, tổng giá trị đạt gần 29,5 tỷ đồng/năm. UBND tỉnh đã công nhận làng nghề miến gạo truyền thống Tân Giao và huyện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai dự án tạo lập, xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Miến gạo Thăng Long” cho sản phẩm miến gạo huyện Nông Cống... Nghề mộc mỹ nghệ - là nghề truyền thống có từ lâu đời ở làng Thọ Thượng, xã Thăng Thọ được nhiều khách hàng biết đến với các sản phẩm có tính nghệ thuật cao, nhất là chạm, khảm...

Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên; khai thác các nguồn lực tại chỗ, tạo điều kiện lợi thuận để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất CN, TTCN nhằm phát triển các ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập cho lao động, nhất là lao động nông nhàn ở nông thôn. Qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH; gắn phát triển các cụm CN, làng nghề, điểm du lịch với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường bền vững theo mục tiêu mà Nghị quyết 03-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIII đã đề ra.

Huyện thực hiện rà soát lại quy hoạch xây dựng nông thôn mới để dành quỹ đất phát triển CN, TTCN, ngành nghề. Quan tâm các dự án thu hút nhiều lao động, bảo vệ tốt môi trường, các dự án mà Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như: Chế biến thức ăn gia súc, nông sản, thủy sản, dược liệu; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường và cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quan tâm đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển đô thị một cách hợp lý và có hiệu quả để tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển, từ đó tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các cụm CN... Ổn định và duy trì mạng lưới đào tạo ngành nghề TTCN theo hình thức: Phối hợp với các cơ sở sản xuất (làng nghề, doanh nghiệp, HTX...), gắn đào tạo nghề cho người lao động với sản xuất của cơ sở TTCN. Trong đó, tập trung các nhóm nghề mà sản phẩm đang có khả năng tiêu thụ lớn và ổn định, như: Mây tre đan xuất khẩu, chao đèn, chậu hoa, mây giang xiên, các sản phẩm nghề truyền thống. Khuyến khích các hộ gia đình sản xuất hàng TTCN, thành lập HTX TTCN để tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Liên doanh, liên kết với các đơn vị trong, ngoài tỉnh trên các lĩnh vực đào tạo, đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, duy trì làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống, xây dựng phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới.

Xuân Cường


Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]