(Baothanhhoa.vn) - Ngoài không nhiều những mô hình thành công và cho hiệu quả trên thực tế, đa phần các mô hình hỗ trợ sản xuất ở khu vực miền núi Thanh Hóa đều thất bại. Vấn đề đặt ra là, các bên liên quan có mạnh dạn nhìn thẳng nguyên nhân để có giải pháp căn cơ khắc phục trong thời gian tới?

Hỗ trợ phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi lợi thế ở miền núi - những vấn đề đặt ra (Bài cuối): Để chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn

Ngoài không nhiều những mô hình thành công và cho hiệu quả trên thực tế, đa phần các mô hình hỗ trợ sản xuất ở khu vực miền núi Thanh Hóa đều thất bại. Vấn đề đặt ra là, các bên liên quan có mạnh dạn nhìn thẳng nguyên nhân để có giải pháp căn cơ khắc phục trong thời gian tới?

Hỗ trợ phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi lợi thế ở miền núi – những vấn đề đặt ra (Bài cuối): Để chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễnNhờ nghiên cứu thổ nhưỡng, nhiều mô hình trồng cam tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành) đã gặt hái thành công. Ảnh: Lê Đồng

Tin liên quan:
  • Hỗ trợ phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi lợi thế ở miền núi – những vấn đề đặt ra (Bài cuối): Để chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn
    Hỗ trợ phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi lợi thế ở miền núi – những vấn đề ...

    Mỗi giai đoạn, ngân sách Trung ương và tỉnh phân bổ nguồn kinh phí không nhỏ cho xây dựng các mô hình sản xuất với mục tiêu phát huy được tiềm năng, lợi thế, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào khu vực miền núi của tỉnh. Vấn đề đặt ra là, phải biết khơi đúng những thế mạnh, tiềm năng sẵn có của từng địa phương, tránh xây dựng những mô hình kiểu hình thức, dàn trải, đồng thời gắn được thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các mô hình...

  • Hỗ trợ phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi lợi thế ở miền núi – những vấn đề đặt ra (Bài cuối): Để chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn
    Hỗ trợ phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi lợi thế ở miền núi - những vấn đề ...

    Không chỉ giai đoạn vừa qua, mà nhiều giai đoạn trước đó, những mô hình hỗ trợ sản xuất ở miền núi của tỉnh cũng có tỷ lệ bền vững không cao. Có cả nguyên nhân chủ quan lẫn điều kiện khách quan, vấn đề đặt ra là, các bên liên quan có “dám” nhìn thẳng sự thật để có giải pháp khắc phục?

Trong quá trình khảo sát tại các huyện miền núi để thực hiện bài viết này, nhiều lãnh đạo huyện, các phòng, ban liên quan và cả cán bộ cấp xã đều muốn né tránh nói đến những mô hình thất bại khi chúng tôi đề cập.

Mặt khác, trong nhiều báo cáo kết quả thực hiện các mô hình giai đoạn vừa qua của các huyện mà chúng tôi có được, nội dung chỉ chú trọng nói về quá trình triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền, phân bổ vốn và những kết quả làm được. Trái lại, những tồn tại, hạn chế chỉ được đề cập chung chung. Đây chính là mối lo tiềm ẩn cho việc triển khai những mô hình trong giai đoạn tiếp theo, bởi mọi nguyên nhân cần phải được mổ xẻ, phân tích thấu đáo để đúc rút kinh nghiệm.

Khảo sát tại huyện Cẩm Thủy, ngoài một số mô hình nuôi gà ri dưới tán rừng ở các xã Cẩm Sơn và Cẩm Ngọc, trồng cây mắc ca ở xã Cẩm Phú, trồng lúa nếp cẩm ở xã Cẩm Liên..., thì nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất giai đoạn 2016–2020 đều không hiệu quả. Mô hình hỗ trợ trồng măng tây xanh ở thị trấn Cẩm Thủy (nay là thị trấn Phong Sơn) vào năm 2016, nhưng một thời gian ngắn đã thất bại. Hiện nay, địa phương còn không biết chủ mô hình được hỗ trợ là ai, chỉ biết đây là người đang sinh sống tại Hà Nội, khi ấy thuê đất của các hộ dân địa phương để triển khai mô hình, nhưng không có đầu ra cho sản phẩm. Mô hình trồng cà gai leo, nuôi chim bồ câu Pháp, nuôi cá lăng, cá ké trên sông Mã... của giai đoạn 2016–2020 hiện cũng trong tình trạng lắt lay không mấy hiệu quả. Theo một cán bộ nông nghiệp huyện Cẩm Thủy (xin giấu tên), nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của các mô hình là do không có chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm. Nhiều mô hình được triển khai nhưng chỉ có hợp đồng nguyên tắc, không có hợp đồng tiêu thụ dẫn đến không có đầu ra bền vững.

Để có cái nhìn đa chiều về những mô hình sản xuất ở miền núi được hỗ trợ xây dựng trong giai đoạn 2016–2020, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra tại các huyện miền núi vào cuối năm 2021 vừa qua. Đồng thời, đưa ra nhiều nguyên nhân, hạn chế trong triển khai, như: cơ sở vật chất và trình độ, năng lực tổ chức sản xuất chưa cao. Nhiều người dân được hỗ trợ phát triển mô hình còn mang nặng tính trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo, chưa bảo đảm vận hành phát triển mô hình, hết thời gian hỗ trợ của Nhà nước, mô hình không duy trì và nhân rộng được. Một nguyên nhân khác là nguồn kinh phí thực hiện các chính sách xây dựng mô hình còn hạn chế, dàn trải; việc lồng ghép các nguồn kinh phí của các chương trình thiếu gắn kết... Nhà nước chỉ hỗ trợ cây giống, con giống cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hạn mức hỗ trợ thấp do vậy quy mô nhỏ, không tạo ra hàng hóa và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân... Riêng các mô hình trồng dược liệu, đây là thế mạnh nhưng chưa có hướng đi và quan tâm đầu tư phát triển đúng mức.

Qua kinh nghiệm xây dựng và duy trì các mô hình sản xuất theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Các mô hình được xây dựng cần được xem là những hình mẫu để nhân rộng. Khi đã có hiệu quả bước đầu, cần xây dựng các dự án thành phần để phát triển phù hợp với thị trường và điều kiện thực tiễn. Lâu nay, những mô hình không thành công, nguyên nhân chính đều không phát triển được thị trường cho sản phẩm. Riêng 2 mô hình thủy sản được Ban Dân tộc tỉnh đề xuất cho giai đoạn 2022–2025 thì theo ông, mô hình nuôi cá tầm ở huyện Quan Sơn hỗ trợ hộ dân nuôi sẽ không phù hợp do phải đầu tư công nghệ hiện đại, vốn lớn, cần kêu gọi và hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm lực vào triển khai.

Ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng (Bá Thước), chia sẻ kinh nghiệm: “Gần chục năm qua, địa phương chúng tôi được hỗ trợ phát triển hơn 10 mô hình trồng trọt và chăn nuôi thuộc nhiều Chương trình như 30a, 135, XDNTM... Số mô hình trồng trọt thành công cao hơn mô hình chăn nuôi, nhưng đến nay cũng chỉ duy trì được khoảng 50% số mô hình. Những hộ được hưởng lợi đa phần là đồng bào thiểu số người Thái và Mường, thuộc hộ nghèo nên việc tiếp cận các kỹ thuật chăm sóc con nuôi còn kém, một số lại thiếu ý chí thoát nghèo. Các mô hình nuôi lợn thường bị dịch bệnh nên không duy trì được. Đến nay, việc hỗ trợ mỗi hộ một con bò, một đôi dê đôi khi cũng không còn phù hợp, bởi đi chăn dắt mỗi ngày cũng mất một nhân công, trong khi đi làm thuê, một lao động cũng có thu nhập 150 đến 200 nghìn đồng/ngày nên nhiều hộ không duy trì vật nuôi được hỗ trợ. Miền núi bây giờ cũng phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại rồi, xu thế chăn nuôi theo đàn lớn hơn chứ không phải một vài con gia súc.

Là người có hàng chục năm kinh qua các vị trí công việc tại khu vực miền núi của tỉnh, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều trăn trở và chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho xây dựng các mô hình sản xuất đặc trưng. Theo ông, huyện vùng cao Mường Lát có đặc thù riêng nên các mô hình cần lưu ý xây dựng theo các đề án, chương trình riêng. Ngoài đào, mận, nên phát triển cây sa nhân, táo mèo, lúa nếp Cay Nọi, bởi đây là những sản phẩm hiện dễ tiêu thụ, chưa phát triển đại trà nhưng sản phẩm đã nổi tiếng. Với 4 huyện vùng núi cao khác của tỉnh là Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh và Bá Thước, nên tập trung vào các cây đặc hữu là luồng, vầu, nứa. Ngoài ra, 4 huyện này còn có lợi thế để phát triển các mô hình kinh tế rừng như: dổi ăn hạt, trám, dàng dàng, mô hình trồng cây gỗ lớn... Tại 6 huyện miền núi còn lại là Như Thanh, Thạch Thành, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy và Như Xuân, do giáp với các vùng đồng bằng và thuận lợi giao thông, nên lấy các mô hình cây ăn quả làm trọng tâm. Thổ nhưỡng và khí hậu ở đây cho phép phát triển những vùng trồng cam, xoài, bưởi, thanh long, chuối... theo quy mô lớn.

Với những mô hình được hỗ trợ xây dựng trong giai đoạn tới, nên gắn việc phát triển cây trồng, vật nuôi, sản phẩm lợi thế của khu vực miền núi với lộ trình hình thành sản phẩm OCOP trong XDNTM để tranh thủ thêm nguồn vốn, khả năng quảng bá và phát triển thị trường rộng mở cho sản phẩm.

Lê Đồng - Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]