(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Yên Định đã triển khai cho hội viên tận dụng các chất thải, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh tại hộ gia đình, việc làm này đã đem lại hiệu quả thiết thực bởi không chỉ giúp hình thành môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả mà còn tiết kiệm nguồn chi phí đáng kể.

Hiệu quả từ mô hình sản xuất phân bón hữu cơ tại huyện Yên Định

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Yên Định đã triển khai cho hội viên tận dụng các chất thải, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh tại hộ gia đình, việc làm này đã đem lại hiệu quả thiết thực bởi không chỉ giúp hình thành môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả mà còn tiết kiệm nguồn chi phí đáng kể.

Hiệu quả từ mô hình sản xuất phân bón hữu cơ tại huyện Yên ĐịnhVườn bưởi Diễn của gia đình bà Nguyễn Thị Tám, thôn Tu Mục 1, xã Yên Thọ bón bằng phân hữu cơ vi sinh được làm bằng rác thải sinh hoạt.

Sau nhiều năm sử dụng phân bón hóa học hiệu quả không cao, tháng 10-2021, Hội Nông dân xã Định Hòa đã vận động, hướng dẫn các hộ nông dân tự ủ phân hữu cơ phục vụ chăm bón rau màu. Điều này giúp bà con tiết kiệm được chi phí, tăng tỷ lệ phân hữu cơ bảo vệ môi trường, giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Tham gia hoạt động, nông dân được UBND huyện Yên Định hỗ trợ 30 triệu đồng/mô hình với 50 hội viên tham gia. Quá trình thực hiện, người dân tận dụng được nguyên liệu sẵn có như rơm, lá cây, cỏ, phân bò và chế phẩm men vi sinh, nên giá thành rẻ hơn nhiều so với mua phân vô cơ. Mỗi mẻ phân hữu cơ ủ từ 3 - 4 tháng là có thể đem bón cho cây trồng.

Bà Ngô Thị Hoa, thôn Thung Thôn, xã Định Hòa cho biết: “Tháng 10-2021, tôi được Hội Nông dân xã tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách làm phân hữu cơ vi sinh từ các loại rác thải hữu cơ sinh hoạt và các loại phế phẩm nông nghiệp kết hợp với men ủ vi sinh. Hơn 1 năm thực hiện mô hình, ngoài giảm được mùi hôi và lượng rác thải ra môi trường, gia đình tôi còn tận dụng làm phân bón hữu cơ, bón cho cây trồng rất tốt. Nhờ có nguồn phân bón làm từ rác thải hữu cơ sinh hoạt và các loại phụ phẩm nông nghiệp, gia đình tôi đỡ được khoản chi phí mua phân bón cho cây trồng trong vườn, nhất là khi giá phân bón tăng cao như hiện nay”.

Bà Hoàng Thị Thơm, thôn Đan Nê 1, xã Yên Thọ cũng chia sẻ: “Phân hữu cơ bón cho cây trồng rất tốt, lại dễ làm nên sau khi được tập huấn, tôi về triển khai ngay. Để có chế phẩm làm men vi sinh ủ rác, tôi lấy một trong các nguyên liệu như chuối chín, vỏ xoài, vỏ dứa, sữa chua, đường... để kích thích lên men. Các nguyên liệu này bỏ vào thùng nhựa chứa ½ nước ngâm từ 3 - 5 ngày là ra nước chua. Nếu muốn chế phẩm dùng được vài tháng, tôi mua thêm ít cám bỏ vào nước chua trộn đều và ủ trong bao tải thêm 10 ngày ra chế phẩm dạng bột, tơi xốp. Mỗi lần ủ rác, chỉ cần rắc 5 lạng, sau 3 tháng, rác phân hủy thành phân đem dùng bón cây rất tốt. Từ khi thực hiện mô hình ủ rác thành phân hữu cơ vi sinh, 2 thước đất của gia đình dùng trồng các loại rau ăn lá, đều bón bằng loại phân này, khi dùng rất an toàn”.

Phân bón hữu cơ không chỉ cung cấp cho cây trồng các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn trả lại độ màu mỡ cho đất. Thực tế cho thấy, đa số người nông dân trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Yên Định đang lạm dụng phân bón hóa học bón cho cây nên đất canh tác đang giảm độ phì nhiêu, khiến năng suất cây trồng xuống thấp. Vì vậy, việc áp dụng kỹ thuật vào xử lý chất thải chăn nuôi, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp là việc làm có ý nghĩa thiết thực, được nhiều hộ nông dân tích cực thực hiện.

Đánh giá hiệu quả của mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh tại các hộ gia đình, bà Trần Thị Mai Hiên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Định và bà Ngô Thị Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hòa đều cho rằng: Việc tận dụng rác thải sinh hoạt xử lý thành phân bón hữu cơ vi sinh tại hộ gia đình không chỉ giúp bà con giảm được khoản chi phí đầu tư mua phân bón, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác mà còn giảm từ 60 - 70% lượng rác thải thải ra môi trường bằng hình thức chôn lấp. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình đem lại, đến nay, huyện Yên Định đã triển khai đến tất cả xã, thị trấn trên địa bàn tham gia với 61 mô hình, qua đó góp phần giúp người dân có nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, xây dựng nông thôn ngày càng sạch, đẹp, môi trường trong lành...

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]