(Baothanhhoa.vn) - Là xã bán sơn địa, ngoài diện tích sản xuất nông nghiệp, xã Định Hải (thị xã Nghi Sơn) còn có nhiều diện tích đất đồi rừng. Để phát huy tiềm năng, lợi thế của diện tích rừng trong phát triển kinh tế của địa phương, những năm gần đây, chính quyền xã Định Hải đã khuyến khích các hộ dân trong xã phát triển mô hình nuôi ong dưới tán rừng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả mô hình nuôi ong tại xã Định Hải

Là xã bán sơn địa, ngoài diện tích sản xuất nông nghiệp, xã Định Hải (thị xã Nghi Sơn) còn có nhiều diện tích đất đồi rừng. Để phát huy tiềm năng, lợi thế của diện tích rừng trong phát triển kinh tế của địa phương, những năm gần đây, chính quyền xã Định Hải đã khuyến khích các hộ dân trong xã phát triển mô hình nuôi ong dưới tán rừng.

Hiệu quả mô hình nuôi ong tại xã Định Hải

Mô hình nuôi ong của gia đình ông Lê Minh Hải, xã Định Hải.

Trên thực tế, nghề nuôi ong lấy mật ở xã Định Hải đã có từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu là tự phát ở các gia đình nên còn manh mún, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của người dân. Thế nhưng, những năm gần đây, nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, rủi ro thấp, lại có thu nhập thường xuyên, phù hợp với phát triển kinh tế hộ của nhiều gia đình trên địa bàn, nên xã đã và đang nhân rộng mô hình, nhằm tăng thu nhập cho các hộ dân.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Lê Minh Hải, một trong những hộ có số lượng đàn ong lớn nhất xã hiện nay. Thời gian đầu, gia đình ông chỉ nuôi quy mô nhỏ, với mục đích để dùng là chính. Sau nhiều năm nuôi, ông nhận thấy mật ong là sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi, phù hợp với nhu cầu thị trường, nên ông đã liên kết với Hội Làm vườn và Trang trại thị xã Nghi Sơn để mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi ong tập trung dưới tán cây lâm nghiệp, quy mô lên tới 300 đàn. Với số lượng đàn ong hiện có, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 700 triệu đồng, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Ông Lê Minh Hải, chia sẻ: Nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật, đối với mùa lạnh khan phấn sẽ phải xử lý làm sao để ong không bay mất mới có thể đạt được thành công. Loại cây để ong lấy mật tốt nhất là cây nhãn, vải và các loại mật ở lá cây keo, cây bạch đàn... Mùa rộ mật bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 7, thời điểm rộ mật nhất là tháng 4 và tháng 5, người nuôi có thể quay mật từ 2 đến 3 lần trong tháng. Chất lượng mật thời điểm này cũng được đánh giá là tốt và đẹp nhất trong năm.

Hiện nay, xã Định Hải đã có 300 hộ dân tham gia thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật, với tổng số lên tới hơn 2.000 đàn, sản lượng mật thu được đạt khoảng 15.000 lít/năm, giá trị sản xuất từ nghề nuôi ong trên địa bàn xã đạt khoảng 3,8 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Định Hải, cho biết: Sở dĩ mô hình nuôi ong lấy mật nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn xã là do mô hình ngày càng chứng minh được hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Quy mô nuôi có thể dễ dàng điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện sản xuất của mỗi hộ gia đình. Theo tính toán của xã, mỗi đàn ong, tương đương với 1 thùng nuôi, mỗi năm có thể mang lại lợi nhuận từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng.

Để nâng cao giá trị sản xuất cho nghề nuôi ong, xã Định Hải đã phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại thị xã Nghi Sơn, tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật nuôi ong theo hướng thâm canh, tăng năng suất, sản lượng thu mật cho đàn ong. Định hướng cho các hộ thực hiện quy trình nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP. Liên kết các tổ đội nuôi ong để thu lượng mật lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Đáng chú ý, để mật ong xã Định Hải thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu riêng, Hội Làm vườn và Trang trại thị xã Nghi Sơn đã liên kết với nhiều hộ nuôi ong có quy mô lớn và vừa trên địa bàn xã Định Hải để thu mua sản phẩm mật ong. Mật ong thô sau khi được thu mua sẽ được đưa vào máy tinh lọc để khử tạp chất, thủy phân. Điều này giúp mật ong không bị lên men, không bị biến màu và đậm đặc hơn. Sản phẩm mật ong sau khi được tinh lọc, đóng chai và có nhãn hiệu là mật ong rừng Am Các. Được biết, mật ong rừng Am Các của xã Định Hải đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được chứng nhận là sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Hương Thơm


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]