(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng rộng rãi công nghệ tưới nhỏ giọt vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả kinh tế từ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng rộng rãi công nghệ tưới nhỏ giọt vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp.

Khu đồi trồng cây ăn quả của gia đình ông Lê Đình Tái, thôn Tân Thịnh, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) sinh trưởng và phát triển tốt nhờ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

Mặc dù vườn cây ăn quả nằm cạnh hồ Tân Thịnh - nguồn cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt của xã Hóa Quỳ (Như Xuân), thế nhưng khoảng 3 năm trước đây, cứ vào mùa khô là gia đình ông Lê Đình Tái, thôn Tân Thịnh luôn gặp trở ngại vì vấn đề nước tưới cho cây trồng. Theo lời giải thích của ông Tái: Dù gần hồ cung cấp nước của xã, song 2,5 ha cây ăn quả của gia đình nằm ở trên đồi, cao hơn khá nhiều so với nguồn nước nên việc cung cấp nước cho cây không hề đơn giản. Do đó, gia đình phải đầu tư hệ thống đường ống nước dài hơn 200m để dẫn nước lên đỉnh đồi, rồi sau đó dùng máy bơm công suất lớn mới đẩy được nước từ hồ lên, mỗi lần tưới nước cho cây phải 2 - 3 ngày mới hoàn thành, tốn nhiều công sức và chi phí. Năm 2016, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Hóa Quỳ và tham khảo nhiều mô hình sản xuất tại các địa phương trong tỉnh, ông đã đầu tư hơn 70 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho hơn 2,5 ha cây ăn quả của gia đình. Hệ thống tưới nhỏ giọt của gia đình ông Lê Đình Tái gồm có 2 bể lớn, được xây dựng trên điểm cao nhất của vườn cây ăn quả, toàn bộ nước được chứa dự trữ vào bể trước khi đi qua các ống dẫn được điều chỉnh bằng van áp suất để nhỏ giọt chính xác tại từng gốc cây. Ông Tái cho biết: Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hiệu quả rõ rệt, chi phí giảm, lượng nước được tính toán, cung cấp cho cây vừa đủ, đúng thời điểm nên cây phát triển tốt. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, nguồn nước thì việc bón phân cho cây cũng được thực hiện ngay khi tưới nhỏ giọt. Hiện tại, 2,5 ha trồng cam, bưởi của gia đình mỗi lần bón phân cho cây chỉ cần 1 lao động làm việc trong ngày chứ không cần cả chục lao động làm việc đến cả tuần như trước kia, lượng nước tưới cho cây chỉ bằng 1/3 so với tưới thông thường...

Do nguồn nước tưới cho cây trồng ngày càng khan hiếm nên trong tổng số 1.600 ha cây ăn quả trên địa bàn huyện Yên Định thì có tới 80% diện tích cây ăn quả tập trung đã được người dân ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Trang trại của chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Lập Thôn, xã Định Bình mới đi vào hoạt động được hơn 2 năm nhưng nhờ việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, nên hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Đối với gần 2 ha bưởi da xanh, bưởi đường, gia đình chị lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt để giảm chi phí nhân công và thuận lợi cho việc tưới nước, bón phân cho cây trồng. Ngoài ra, với hiệu quả thiết thực trong sản xuất nên công nghệ tưới nhỏ giọt đã được gia đình chị Thảo áp dụng trong sản xuất nhiều loại cây trồng ngắn ngày, như: Dưa chuột, bí xanh, thanh long, rau ăn lá các loại... Theo tính toán của gia đình, việc đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo luống đối với diện tích bí xanh, giúp năng suất cao hơn 35% so với phương pháp tưới truyền thống (năng suất bí xanh của gia đình đạt tới 2 tấn/sào). Không chỉ năng suất tăng cao so với trước, chất lượng, mẫu mã quả cũng tốt hơn nên việc tiêu thụ sản phẩm bí xanh của gia đình chị Thảo cũng thuận tiện, giá trị kinh tế cao hơn.

Được biết, trên địa bàn tỉnh ta việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt được người dân áp dụng rộng rãi bởi hiệu quả kinh tế và sự thuận lợi. Kinh phí lắp hệ thống tưới này dao động từ 30 đến 50 triệu đồng/1 ha, tuổi thọ của hệ thống này có thể kéo dài từ 10 - 15 năm, phù hợp với khả năng đầu tư của người dân. Qua thực tế sản xuất cho thấy, công nghệ tưới nhỏ giọt cấp nước trực tiếp cho cây trồng không bị thất thoát do bốc hơi và thấm sâu. Hơn nữa, tưới nhỏ giọt còn có tác dụng làm giảm lao động tưới, trong khi đó lại đảm bảo phân phối nước đồng đều, là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất cây trồng.

Để những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả cao, các địa phương cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho từng loại cây trồng.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]