(Baothanhhoa.vn) - Nhằm tận dụng lợi thế về đất đai, vườn đồi, nhiều hộ gia đình ở khu vực miền núi đã phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, mang lại giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng/năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả chăn nuôi dưới tán rừng

Nhằm tận dụng lợi thế về đất đai, vườn đồi, nhiều hộ gia đình ở khu vực miền núi đã phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, mang lại giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi dưới tán rừng của gia đình anh Lê Đình Luân, thôn Tân Thịnh, xã Hóa Quỳ (Như Xuân).

Với khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Lê Đình Luân, thôn Tân Thịnh, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) ban đầu chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, sau nhiều năm học hỏi, nghiên cứu, anh đã thành công với mô hình nuôi gà dưới tán rừng. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh chỉ dám thử sức với số lượng khoảng một trăm con theo cách nuôi nhốt chuồng, do chưa có kinh nghiệm, anh đã nhận ngay thất bại khi đàn gà bị bệnh dịch. Không nản chí, anh quyết tâm gây dựng lại. Qua tìm hiểu, nhận thấy trên địa bàn xã hình thức chăn thả dưới tán rừng đang được người dân ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã quyết định mạo hiểm tận dụng 0,5 ha cao su của gia đình mình để thử nghiệm. Sau lứa gà đầu tiên được xuất bán đem lại lợi nhuận cao, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở rộng diện tích chăn thả cũng như số lượng giống. Anh Luân chia sẻ: “Mấy năm trước nuôi gà ở nhà chỉ vài trăm con cũng đã thấy vất vả rồi, nhất là khâu vệ sinh chuồng trại. Từ ngày chọn cách nuôi gà dưới tán cây cao su thấy hiệu quả kinh tế hơn. Chăn nuôi dưới tán cây cao su cách xa khu dân cư, nên có thể nuôi với số lượng lớn mà không sợ ô nhiễm môi trường, cũng như hạn chế được dịch bệnh”. Bên cạnh đó, anh chú trọng khâu tiêm phòng định kỳ các loại vắc-xin phòng bệnh cũng như vệ sinh, tiêu độc khử trùng xung quanh môi trường chăn nuôi 2 lần/tháng. Với số vốn đầu tư ban đầu là 450 triệu đồng, đến nay, mỗi năm anh nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa xuất bán trung bình 1.500 con, lợi nhuận từ 50 đến 70 triệu đồng/lứa. Đầu ra chủ yếu là các siêu thị và thương lái trong tỉnh. Cũng theo anh Luân, đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi. Không riêng gì anh Luân, ở xã Hóa Quỳ còn có hàng chục hộ dân chọn phương pháp chăn nuôi này để phát triển kinh tế.

Trao đổi với chúng tôi về mô hình chăn nuôi dưới tán rừng trên địa bàn huyện Như Xuân, ông Phạm Văn Tuấn, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: “Để các trang trại chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, trong những năm qua, UBND huyện đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi. Phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân... Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại theo hình thức mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi”. Hiện nay, toàn huyện có 32 trang trại phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, chủ yếu nuôi gà và dê; tập trung nhiều ở các xã, như: Hóa Quỳ, Yên Lễ, Thanh Phong, Bãi Trành... bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Nhận thấy các giống gà được nuôi theo mô hình công nghiệp chất lượng thịt không cao, khó tiêu thụ trên thị trường, ông Trần Duy Hạnh ở thôn 5, xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình trang trại nuôi gà dưới tán rừng. Ông cho biết, trước đây, khi nuôi theo truyền thống, gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, gà tăng trọng chậm... Mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Với mô hình nuôi gà dưới tán rừng, vốn đầu tư chuồng trại không cao, chủ yếu là gỗ tạp quanh vườn, đàn gà có sức đề kháng bệnh tốt, thức ăn chủ yếu ở tự nhiên, chỉ bổ sung thêm cám gạo nên chi phí ít. Ngoài ra, gà thả vườn còn có đặc điểm thường có lông màu, da vàng, chân mỏ vàng, thịt chắc và thơm ngon, trứng có lòng đỏ đậm nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Vì vậy, giá bán luôn cao hơn giá bán gà công nghiệp từ 20 đến 30%. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Hạnh chia sẻ: “Mặc dù chăn nuôi gà trong rừng, cách xa khu vực dân cư, nhưng vẫn sử dụng đệm lót sinh học. Việc ứng dụng công nghệ đệm lót bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chú trọng thời gian giao thời giữa lứa cũ và lứa mới; sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, trồng thêm rau xanh, chuối, các loại cây trong sân vườn để cung cấp thức ăn cho lứa gà mới nuôi”. Cũng theo ông Hạnh, lứa gà nào đến thời điểm xuất bán cũng có nhiều thương lái đặt mua trước, mỗi năm ông xuất bán 2 lứa với số lượng trung bình 5.000 con/lứa, lợi nhuận từ 120 đến 130 triệu đồng/lứa.

Thực tế cho thấy, chăn nuôi dưới tán rừng người nông dân trên địa bàn tỉnh đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp, tạo điều kiện phát triển kinh tế ổn đinh bền vững.


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]