(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CĐCCCT) thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, huyện Hà Trung đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hà Trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CĐCCCT) thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, huyện Hà Trung đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hà Trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồngMột trang trại tổng hợp tại xã Hà Tiến.

Sau khi được xã Hà Tiến khuyến khích, định hướng, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình ông Nguyễn Ngọc Nghiệm, thôn Bái Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi lợn. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại tổng hợp, ông Nghiệm cho biết: Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm cải tạo đất, bố trí quỹ đất xây dựng trang trại, kỹ thuật trồng, chăm sóc giống cây mới. Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, thổ nhưỡng, tham quan học hỏi nhiều mô hình trang trại tổng hợp, gia đình đã bắt tay vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi, sử dụng đệm lót sinh học, ấm vào mùa đông, thoáng vào mùa hè; toàn bộ nước thải được dẫn thẳng xuống hầm biogas, không gây ô nhiễm môi trường. Con giống được nhập từ các trang trại uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, có kiểm dịch của thú y địa phương và khi nhập về trang trại tôi cũng thực hiện trình báo với chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, lựa chọn các giống cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương. Doanh thu trung bình hàng năm từ mô hình trang trại tổng hợp đạt gần 1 tỷ đồng.

Được biết, tính đến nay, người dân xã Hà Tiến đã thực hiện chuyển đổi được hơn 149 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng trũng thấp để đầu tư xây dựng được 72 trang trại và 31,1 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đưa các con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tham gia chuỗi liên kết, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, đã giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để thực hiện có hiệu quả việc CĐCCCT, những năm qua, huyện Hà Trung cùng với chính quyền các địa phương đã tích cực thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của việc CĐCCCT, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, thực hiện rà soát, thống kê diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của địa phương, từ đó, xây dựng những mô hình điểm và nhân rộng những mô hình hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất thâm canh và các mô hình sản xuất hiệu quả. Tập trung phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đi đôi với đó, huyện còn khuyến khích phát triển các trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường... Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi được hơn 1.044 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng có năng suất, chất lượng; hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa trước kia. Đồng thời, hình thành các mô hình sản xuất, như: cây dược liệu, bưởi đỏ Hòa Bình, dưa lưới Nhật Bản, ổi không hạt, cam Đường Canh..., ứng dụng công nghệ cao.

Có thể nói, việc CĐCCCT đã góp phần cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại; từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông sản hàng hóa của nông dân; hình thành sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, huyện Hà Trung sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả kinh tế sang phát triển các loại cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, cá lúa kết hợp... Trong quá trình phát triển sản xuất, huyện quan tâm chỉ đạo người dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh, tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất thâm canh và các mô hình sản xuất hiệu quả ở những nơi có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng. Khuyến khích người dân, HTX tích tụ, tập trung đất đai, CĐCCCT để phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Bài và ảnh: Kim Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]