(Baothanhhoa.vn) - Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp được xem là giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Bởi vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, tập trung chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gỡ “nút thắt” trong liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp

Gỡ “nút thắt” trong liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp

Mô hình liên kết chăn nuôi gà lông màu với HTX nông trại 36 tại xã Tân Thành, huyện Thường Xuân. Ảnh: Hương Thơm

Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp được xem là giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Bởi vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, tập trung chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hiện, mỗi năm toàn tỉnh có 16.500 ha mía nguyên liệu, 11.000 ha sắn nguyên liệu, 110 ha cây gai xanh, 4.300 ha lúa giống, 1.500 ha lúa thương phẩm, 280 ha lúa hữu cơ, 2.200 ha cây ngô dày, 1.500 ha khoai tây, 2.000 ha ớt, 1.300 ha ngô ngọt và hàng trăm ha cây rau màu các loại khác được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, HTX. Trong chăn nuôi đã hình thành và phát triển được nhiều mô hình liên kết chăn nuôi gia công lợn ngoại hướng nạc, gà lông màu, gà đẻ trứng. Tại các huyện miền núi, đã hình thành, phát triển được mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, như: Liên kết sản xuất, tiêu thụ gỗ, luồng, vầu...

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng chứng minh được hiệu quả trong phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân. Bởi, việc liên kết bảo đảm được nguồn nguyên liệu cả phục vụ cho chế biến. Còn người nông dân có thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế ổn định, yên tâm sản xuất. Ngoài ra, người dân còn có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao trình độ canh tác. Hiệu quả, lợi ích là vậy, song trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Một trong những “nút thắt” lớn nhất hiện nay trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chính là sự “bội tín”. Sự việc này diễn ra từ cả 2 phía, có khi là từ phía doanh nghiệp, lại có trường hợp xảy ra từ phía người dân. Đơn cử như việc doanh nghiệp thu mua với giá thấp hơn giá đã cam kết trong hợp đồng đối với hợp đồng liên kết cung ứng giống, vật tư trả chậm, bao tiêu sản phẩm giữa 300 hộ dân xã Nga Thành (Nga Sơn) với Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt trong vụ đông 2017-2018. Nhiều người dân ở xã Nga Thành cho biết, theo hợp đồng đã ký, khoai tây loại I có giá thu mua 7.500 đồng/kg, khoai tây loại II có giá 5.500 đồng/kg và khoai tây loại III có giá 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với lý do giá khoai tây trên thị trường xuống thấp, nên doanh nghiệp giảm giá thu mua chỉ còn 4.700 đồng/kg đối với khoai tây loại I, 4.000 đồng/kg đối với khoai tây loại II và 2.000 đồng đối với khoai tây loại III. Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp chậm thanh toán tiền khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc, mất lòng tin về việc liên kết.

Về phía người dân, cũng không ít lần bội tín với doanh nghiệp, khi cố tình vi phạm điều khoản trong hợp đồng để bán sản phẩm ra bên ngoài với giá cao. Cụ thể như, trong hợp đồng liên kết chăn nuôi gà giữa HTX nông trại 36 với các hộ chăn nuôi ở các huyện Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy và HTX cung ứng giống bảo đảm chất lượng, các loại thuốc và vắc-xin, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá đã thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, vào thời điểm giá gia cầm tăng cao, khi được thương lái thu mua, nhiều hộ dân đã chọn những con to, đẹp để bán ra ngoài với giá cao hơn. Dù biết xảy ra tình trạng trên, song do không có điều kiện về nhân lực cũng như thiết bị, nên HTX đành “Lực bất tòng tâm” không thể giám sát hay kiểm soát được hoạt động này của các hộ chăn nuôi.

Thêm một nút thắt nữa cần nói đến là việc thiếu sự tuân thủ về kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi của người dân, khiến chất lượng sản phẩm đạt thấp, ảnh hưởng đến việc sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp vì muốn bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng, phục vụ công tác chế biến, xuất khẩu, nên đã đầu tư cải tạo, nâng cao chất lượng cho vùng sản xuất nguyên liệu; thế nhưng, kết quả không đạt được như mong đợi. Ví như Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, với mong muốn có được vùng nguyên liệu sạch, đúng tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm mỗi năm thu mua được khoảng 15.000 tấn dứa nguyên liệu phục vụ chế biến, công ty đã liên kết với các trung tâm công nghệ, đưa kỹ sư nông nghiệp đến trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng dứa để phát triển vùng dứa nguyên liệu tại các huyện Yên Định, Cẩm Thủy và thị xã Bỉm Sơn, với tổng diện tích 200 ha. Thế nhưng, do nhiều hộ dân chưa tuân thủ nghiêm quy trình trồng, chăm sóc theo đúng hướng dẫn, nên lượng sản phẩm bảo đảm chất lượng đạt thấp.

Ông Hoàng Ngọc Hà, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, cho biết: Mặc dù công ty đã chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo chiều sâu để có được những sản phẩm chất lượng, song mỗi năm công ty chỉ có khoảng 50 đến 60% lượng nguyên liệu đạt loại 1 và loại 2, nên tình trạng “thiếu trong thừa” nguyên liệu vẫn thường xuyên xảy ra.

Ngoài ra, việc thực hiện liên kết còn xảy ra một số vấn đề, như: Trong quá trình sản xuất, nông nghiệp thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, dịch bệnh. Song, những rủi ro này đa phần do nông dân phải gánh chịu mà ít có sự chia sẻ của doanh nghiệp hay đơn vị đầu tư thực hiện liên kết.

Để việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được bền vững, thì cả doanh nghiệp, HTX đầu tư thực hiện liên kết và người nông dân cần phải bảo đảm lợi ích hài hòa của cả 2 phía, tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng. Đồng thời, cùng nhau chia sẻ những rủi ro, khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chia sẻ lợi ích trong thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Gỡ “nút thắt” trong liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp

Việc hình thành, phát triển được sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã và đang tạo ra bước ngoặt lớn để tỉnh Thanh Hóa phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nảy sinh một số vấn đề làm ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp và người dân, khiến mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trở nên thiếu bền vững. Do đó, doanh nghiệp và nông dân cần chú trọng hơn trong việc tạo sự liên kết chặt chẽ giữa 2 bên, thông qua việc tuân thủ nghiêm các điều khoản trong hợp đồng, nhằm bảo đảm lợi ích của cả 2 bên. Đồng thời, cùng chia sẻ khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Để tạo sự liên kết chặt chẽ, chia sẻ lợi ích trong thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Viết Thái

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp

và Phát triển nông thôn

Mong muốn doanh nghiệp chia sẻ rủi ro cùng nông dân

Gỡ “nút thắt” trong liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp không thể tránh khỏi những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, về biến động của thị trường.

Hiện nay, đối với việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng, nếu trong quá trình sản xuất mà xảy ra rủi ro về thiên tai, dịch bệnh thì đa phần do người dân gánh chịu thiệt hại. Thực tế, vẫn có một số doanh nghiệp hỗ trợ người dân khi gặp biến cố trong quá trình sản xuất, song không nhiều. Đa số là hỗ trợ giảm trừ tiền vật tư đầu vào, hoặc cho các hộ dân trả chậm tiền vật tư chứ không có cơ chế hỗ trợ kinh phí để tái đầu tư. Vì thế, trong các trường hợp gặp rủi ro, nông dân thường cảm thấy mình bị bỏ rơi, thiếu sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc chia sẻ những khó khăn. Điều này cũng làm giảm sự tin tưởng vào mối liên kết của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bà con nông dân mong muốn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ rủi ro của doanh nghiệp.

Phạm Văn Cường

Chủ tịch Hội Nông dân

xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân

Tuân thủ quy định trong quá trình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm

Gỡ “nút thắt” trong liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp

Hiện nay, hầu hết các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp đều thực hiện theo phương thức: Doanh nghiệp hoặc đơn vị đứng ra cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Đồng thời, cam kết hoặc thỏa thuận về giá thu mua, sao cho lợi ích cả 2 bên được bảo đảm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết, nếu giá thị trường bằng hoặc thấp hơn giá cam kết trong hợp đồng thì người dân sẽ bán cho doanh nghiệp. Còn nếu giá thị trường cao hơn giá thu mua đã cam kết thì rất dễ xảy ra tình trạng người dân sẽ bán cho thương lái những sản phẩm có chất lượng loại 1 với giá cao hơn. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đơn vị đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Để bảo đảm lợi ích cho đơn vị đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, chính quyền các địa phương cần quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết. Người dân không nên vì cái lợi trước mắt mà phá vỡ chữ tín, đánh mất đi mối quan hệ với doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự liên kết lâu dài, bền vững.

Hà Văn Phong

Giám đốc HTX nông trại 36,

xã Tân Thành, huyện Thường Xuân

Cần tuân thủ nghiêm các điều khoản đã cam kết theo hợp đồng

Gỡ “nút thắt” trong liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp

Việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ được ràng buộc bằng hợp đồng kinh tế. Trong đó, đều ghi rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên khi tham gia hợp đồng. Đồng thời, có các điều khoản nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên.

Theo quy định, quá trình thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm sẽ được bám theo các điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, có không ít trường hợp doanh nghiệp hoặc người dân vi phạm những điều khoản trong hợp đồng. Phổ biến nhất là việc doanh nghiệp chậm trả tiền sản phẩm so với thời gian quy định. Khi gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ thì thực hiện thu mua không đúng với thời gian quy định hoặc đẩy giá xuống thấp hơn so với cam kết. Về phía người dân, thường vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng bán sản phẩm ra bên ngoài với giá cao hơn. Không tuân thủ các bước chăm sóc cây trồng hoặc vật nuôi theo quy trình đã được hướng dẫn, chuyển giao, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của sản phẩm. Do vậy, để việc liên kết được thực hiện bền vững, trước tiên cả doanh nghiệp và người dân cần tuân thủ nghiêm các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng.

Đỗ Thế Anh

Giám đốc Công ty CP

Thương mại Sao Khuê

Hương Thơm


Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]