(Baothanhhoa.vn) - Mảnh đất xứ Thanh với bề dày lịch sử văn hóa, có nhiều làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những sản phẩm từ làng nghề vẫn là “nguồn vốn” vô giá mà người dân xứ Thanh để lại cho con cháu đời sau. Bởi, ở mỗi làng nghề truyền thống đều có những con người say mê, miệt mài “giữ hồn” cho những sản phẩm của quê hương, mang lại lợi ích kép không chỉ cho gia đình mà cả cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ hồn cho những sản phẩm làng nghề

Giữ hồn cho những sản phẩm làng nghề

Nghệ nhân Phạm Thị Bảo, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) cần mẫn bên khung dệt.

Mảnh đất xứ Thanh với bề dày lịch sử văn hóa, có nhiều làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những sản phẩm từ làng nghề vẫn là “nguồn vốn” vô giá mà người dân xứ Thanh để lại cho con cháu đời sau. Bởi, ở mỗi làng nghề truyền thống đều có những con người say mê, miệt mài “giữ hồn” cho những sản phẩm của quê hương, mang lại lợi ích kép không chỉ cho gia đình mà cả cộng đồng.

Ấn tượng ban đầu khi về huyện Nga Sơn đối với nhiều người là vùng quê yên bình, nơi có những cánh đồng cói xanh mướt, trải dài bất tận. Đây chính là nguồn nguyên liệu cho nghề đan chiếu cói và làm đồ thủ công mỹ nghệ. Với tiềm năng đó, người dân Nga Sơn đã tạo nên sản phẩm nghề nức tiếng, giàu giá trị văn hóa, truyền thống và mang lại giá trị kinh tế cao. Thậm chí, chiếu cói Nga Sơn từng được xem như vật phẩm tiến cống dưới thời nhà Nguyễn. Vậy nhưng cây cói, nghề làm cói ở vùng đất này rốt cuộc cũng không tránh khỏi sự thăng trầm. Khi mất thị trường truyền thống, thị hiếu tiêu dùng của người dân thay đổi... khiến cho sản phẩm từ cói mất chỗ đứng trên thị trường, người trồng cói tưởng chừng buông bỏ. Nhưng bằng tình yêu, sự day dứt về nghề đã khiến người dân nơi đây quyết không để cói chết, nghề mất. Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt (70 tuổi) là một trong những người đã dành gần trọn cuộc đời mình để gắn bó với nghề cói của quê hương tâm tình: Với tình yêu bất tận với cây cói và nghề cói quê hương, tôi chưa bao giờ bỏ cuộc, luôn trăn trở tìm những hướng đi mới, tiềm năng cho nghề. Trải qua nhiều biến cố của thị trường, với sự quyết tâm, nghệ nhân Trần Thị Việt đã mang sản phẩm từ cây cói, như: chiếu cói, thảm ngồi, làn cói... và hàng trăm mẫu sản phẩm được làm từ cây cói ra thị trường thế giới.

Giữ hồn cho những sản phẩm làng nghề

Làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Được biết, ở thời bao cấp, bà Việt yêu nghề bằng những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt và đưa những chuyến hàng từ cây cói đầu tiên ra thị trường quốc tế. Những năm về sau, bà yêu và giữ hồn cốt cho nghề bằng việc mở rộng thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Để đến ngày nay, sau nhiều năm gìn giữ, thổi hồn cho nghề truyền thống, nghề đan cói tuy là nghề phụ, nhưng cũng mang lại thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng cho hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn huyện.

Làng Nhỏi, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) lại là địa phương nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Dọc con đường dẫn vào trung tâm xã, rực rỡ sắc màu thổ cẩm, đẹp lộng lẫy, kiêu sa trong tiết trời đông lạnh buốt. Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhân công của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm Bảo Hằng vẫn cần mẫn bên những chiếc máy dệt để hoàn thành những sản phẩm cho phiên chợ cuối năm. Sản phẩm của câu lạc bộ chủ yếu là khăn thổ cẩm đội đầu, vỏ chăn, vỏ gối, đệm. Không chỉ cung cấp cho nội vùng mà tiếng lành đồn xa, các sản phẩm thổ cẩm của câu lạc bộ đã vươn tới thị trường cả nước. Đến làng Nhỏi, nhắc đến nghề dệt thổ cẩm không ai không biết và nhắc đến nghệ nhân Phạm Thị Bảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt thổ cẩm Bảo Hằng - người gắn bó với nghề đã mấy chục năm và đang từng bước mang lại sức sống mạnh mẽ, hồn cốt cho những sản phẩm dệt.

Để chúng tôi hiểu hơn về nghề dệt thổ cẩm, bà Phạm Thị Bảo ngồi vào chiếc khung cửi trước cửa nhà và bắt đầu mắc khung dệt. Đôi tay nhanh nhẹn cầm con thoi đưa qua đưa lại thoăn thoắt chỉ một chút thời gian đã tạo thành những hoa văn cầu kỳ và đẹp mắt. Vừa làm, bà vừa chia sẻ: “Dệt thổ cẩm trải qua nhiều công đoạn, như: quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt. Sản phẩm dệt hiện nay vẫn chủ yếu là mặt gối, vỏ chăn, mặt địu, túi xách... với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Các họa tiết được người Mường đưa vào sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng, chủ yếu là hình ảnh của những loài cây, hoa, động vật gắn bó với đời sống hằng ngày”.

Theo những người dân làng Nhỏi, đã có thời gian nghề dệt thổ cẩm chật vật để duy trì. Nhưng bà Bảo luôn ấp ủ ước mơ, từng bước tìm kiếm thị trường, đổi mới phương tiện sản xuất và truyền dạy nghề cho người dân, nhất là lớp trẻ. Sau thời gian dài kiên trì, nhẫn nại và sáng tạo, ngày nay, ước mơ khôi phục, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà Phạm Thị Bảo đã trở thành hiện thực, khi ngày càng nhiều người trong thôn theo học làm nghề và sống được với nghề. Từ niềm đam mê của mình, bà đã truyền lửa cho những người phụ nữ và các thế hệ trong thôn nhằm gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Cùng với duy trì và phát triển nghề truyền thống, câu lạc bộ đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm từ đường dệt đến tạo hình các hoa văn trên khuôn vải. Đến nay, tổ hợp dệt thủ công truyền thống hoạt động ổn định, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động, với thu nhập trung bình 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Trên mảnh đất xứ Thanh, đâu đâu cũng có những làng nghề truyền thống. Những sản phẩm của làng mộc Đạt Tài, chiếu cói Nga Sơn, bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng, đúc đồng Trà Đông... đã đi khắp mọi miền của Tổ quốc. Song, chẳng phải lúc nào những làng nghề ấy cũng phát triển rực rỡ. Đó còn là cả chuỗi vui - buồn, thịnh suy mà chỉ người làm nghề mới thấu. Kể sao cho hết những vẻ đẹp độc đáo cũng như những thăng trầm của những làng nghề truyền thống đã phải trải qua. Nhưng trải qua thời gian, ở những làng nghề ấy vẫn còn những con người luôn nặng lòng, mến yêu và mang cả đời mình để sống, giữ hồn cho nghề.

Thanh Hòa


Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]