(Baothanhhoa.vn) - Kết nối các công trình hạ tầng giao thông và các phương thức vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc giảm giá thành dịch vụ logistics. Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc kết nối các phương thức vận tải, nhất là vận tải đường bộ vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, dẫn đến chi phí vận tải còn cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm chi phí logistics vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh

Kết nối các công trình hạ tầng giao thông và các phương thức vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc giảm giá thành dịch vụ logistics. Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc kết nối các phương thức vận tải, nhất là vận tải đường bộ vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, dẫn đến chi phí vận tải còn cao.

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa lưu thông trên tuyến Quốc lộ 45 qua huyện Đông Sơn.

Theo báo cáo của Sở Giao thông – Vận tải (GTVT), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 loại hình vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đường bộ, đó là: Xe chạy tuyến cố định, xe ô tô hợp đồng, xe taxi, xe buýt và xe ô tô tải. Hiện sở đã cấp 5.387 giấy phép kinh doanh cho các xe vận tải và được gắn 11.255 phù hiệu cho xe hoạt động kinh doanh vận tải, gồm: Các đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định 61 đơn vị (776 phương tiện), các đơn vị vận tải xe taxi 17 đơn vị (2.400 phương tiện), các đơn vị vận tải xe buýt 6 đơn vị (200 phương tiện), xe hợp đồng 740 đơn vị và cá nhân (1.100 phương tiện), các đơn vị vận tải hàng hóa bằng xe ô tô tải 4.569 đơn vị và cá nhân (6.779 phương tiện). Về cơ bản các đơn vị kinh doanh vận tải, các chủ phương tiện, người lái xe đã chấp hành các quy định trong hoạt động quản lý vận tải, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình phát triển GTVT trên địa bàn, tỉnh luôn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư xây dựng mới, đầu tư nâng cấp, mở rộng..., đưa vào khai thác sử dụng, kết nối các vùng, miền trong tỉnh, nhất là các trọng điểm kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Như Quốc lộ 1A; nhiều đoạn tuyến của các tuyến Quốc lộ 45, Quốc lộ 47; tuyến đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; đường nối các huyện miền núi ở phía Tây của tỉnh; Quốc lộ 217, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15C (đường Hồi Xuân – Mường Lát)... Tuy đã được đầu tư xây dựng, kết nối, thuận lợi cho việc giao thương phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là việc chi phí vận tải đường bộ vẫn còn ở mức cao... Theo số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) được Bộ GTVT báo cáo tại hội nghị toàn quốc về logistics năm 2018, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59% và hiện tại trên địa bàn tỉnh ta cũng nằm trong tình trạng tương tự. Điều đó cho thấy quy mô và tầm quan trọng của dịch vụ logistics trong tổng thể nền kinh tế của cả nước nói chung cũng như của tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Để giảm chi phí dịch vụ logistics, kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; nhất là hệ thống giao thông đường bộ, hiện Sở GTVT đang xây dựng đề án phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh, logistics là ngành dịch vụ còn khá mới mẻ, chưa phát triển và hiện mới chỉ có khoảng 26 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ và vừa, nguồn nhân lực đào tạo bài bản chuyên ngành logistics còn thấp. Đại diện lãnh đạo Sở GTVT, cho biết: Thực tế những năm qua cho thấy, vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện chiếm đa số thị phần (kể cả hành khách và hàng hóa), nhưng giá thành vận tải đường bộ còn cao hơn các loại hình vận tải khác; nhưng chủ hàng vẫn lựa chọn vì vận tải đường bộ kết nối trực tiếp được với hệ thống cảng biển, sân bay, bến tàu và thời gian vận chuyển nhanh hơn. Một thực tế nữa là việc kết nối giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa cao, chưa đồng đều; nhiều đơn vị vận tải nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, hiệu quả kinh doanh chưa cao; thị trường vận tải hàng hóa thiếu tính minh bạch, thiếu tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác quản lý vận tải còn thiếu và chuyên môn chưa phù hợp; công tác quản lý xe và nhân viên phục vụ trên xe vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu trong quá trình phát triển. Chính điều này dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, giá dịch vụ vận tải cao.

Để góp phần giảm giá thành dịch vụ logistics, nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đại diện lãnh đạo Sở GTVT, cho biết: Sở sẽ tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh. Từng bước chuẩn hóa hệ thống đường bộ đạt cấp kỹ thuật theo quy hoạch. Tăng cường tính kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác, kết nối với Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cũng như các trọng điểm phát triển kinh tế; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải. Siết chặt kiểm tra về phương tiện vận tải, điều kiện kinh doanh và phương án kinh doanh của đơn vị vận tải. Rà soát, điều chỉnh luồng tuyến, hành trình, biểu đồ xe ô tô vận chuyển hành khách tuyến cố định để chấm dứt hiện tượng xe khách chạy vòng vèo đón, trả hành khách. Rà soát qua hệ thống GPS để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian làm việc của lái xe và quản lý hành trình chạy của xe khách. Triển khai hệ thống giao thông thông minh, tăng cường lắp đặt camera giám sát giao thông tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực bến xe khách để tăng cường quản lý, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm bằng hình thức “xử phạt nguội”. Kiến nghị với Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh vận tải hành khách cũng như vận tải hàng hóa. Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý kinh doanh vận tải hành khách bằng hình thức xe hợp đồng, hạn chế việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chạy xe trá hình, xe dù, bến cóc. Tiếp tục tuyên truyền nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của chủ xe, lái xe và hành khách khi tham gia giao thông và khi điều khiển phương tiện.


Bài và ảnh: Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]