(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương, diện tích trồng cây ăn quả được mở rộng nhanh chóng, nhất là diện tích các loại cây có múi. Một số vùng cây ăn quả được đầu tư, thâm canh với quy mô lớn, chất lượng tốt. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của sản phẩm cây ăn quả Thanh Hóa chưa cao do việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp phát triển thương hiệu cây ăn quả

Giải pháp phát triển thương hiệu cây ăn quả

Mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Thọ Thanh (Thường Xuân).

Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương, diện tích trồng cây ăn quả được mở rộng nhanh chóng, nhất là diện tích các loại cây có múi. Một số vùng cây ăn quả được đầu tư, thâm canh với quy mô lớn, chất lượng tốt. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của sản phẩm cây ăn quả Thanh Hóa chưa cao do việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 22.568 ha cây ăn quả, với sản lượng thu hoạch khoảng 248.887 tấn/năm. Các giống cây ăn quả chủ lực, gồm: bưởi, cam, ổi, thanh long, dứa,... chiếm hơn 80% tổng sản lượng cây ăn quả của tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, mới chỉ có một số ít sản phẩm cây ăn quả, với diện tích hạn chế được cấp chỉ dẫn địa lý hoặc chứng nhận nhãn hiệu tập thể, như: cam Vân Du, bưởi Thanh Đường, cam Xã Đoài, quýt (Bá Thước), cam Xuân Thành... Các sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, được áp dụng và tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất nên hiệu quả kinh tế được nâng lên.

Điển hình như xã Xuân Hồng được biết đến là vùng đất thâm canh cam, bưởi có tiếng tại huyện Thọ Xuân. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả, UBND huyện Thọ Xuân và chính quyền xã Xuân Thành đã tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển mô hình trồng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, thực hiện các biện pháp thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện nay, trên địa bàn xã phát triển được 80 ha cây ăn quả; trong đó, có 50 ha cam, bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP và đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh cấp tem truy xuất nguồn gốc. Đây là tiền đề vững chắc nhằm hỗ trợ tiêu thụ cho cây cam, bưởi ở Xuân Hồng. Nhờ trồng bưởi và cam, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Tại huyện Như Xuân, cây ăn quả cũng là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và được khuyến khích mở rộng diện tích. Vì vậy, thời gian qua, huyện Như Xuân đã hỗ trợ các sản phẩm cây ăn quả chú trọng các khâu sản xuất đạt các tiêu chuẩn quy định và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm. Năm 2019, sản phẩm cam đường Canh Như Xuân và cam Xã Đoài Như Xuân được công nhận chỉ dẫn địa lý. Việc được công nhận các tiêu chuẩn chất lượng và chỉ dẫn địa lý chính là sự khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm trên thị trường và giúp sản phẩm tiêu thụ dễ dàng hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn 25% so với khi chưa xây dựng được thương hiệu.

Tuy khẳng định được giá trị khác biệt của sản phẩm cây ăn quả có thương hiệu với sản phẩm trôi nổi trên thị trường, tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này còn hạn chế. Ngoài diện tích manh mún, nhỏ lẻ, việc quản lý sản xuất còn khó khăn, thì còn có nguyên nhân rất ít chủ sở hữu có năng lực và tâm huyết làm đại diện thương hiệu để thực hiện các thủ tục cấp nhãn hiệu tập thể.

Không những vậy, việc phát triển thương hiệu sản phẩm cây ăn quả sau bảo hộ cũng còn hạn chế, từ các hoạt động tuyên truyền, quảng bá đến xúc tiến thương mại, quản lý việc tuân thủ quy trình dán tem, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, một số vùng sản xuất cây ăn quả có tiếng của tỉnh vẫn hạn chế kênh tiêu thụ, nhất là các chuỗi siêu thị, các kênh tiêu thụ hiện đại như cửa hàng tiện lợi, thực phẩm sạch. Nhiều sản phẩm được bán đại trà trên thị trường, khó phân biệt sản phẩm có thương hiệu với các sản phẩm khác ở trong và ngoài địa phương.

Để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ các loại cây ăn quả, ngoài khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ..., các địa phương cần hướng tới thành lập các tổ hợp tác, các HTX nông nghiệp có chức năng trọng tâm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm cây ăn quả.

Bách Nguyên


Bách Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]