(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, giá sản phẩm gia súc, gia cầm có xu hướng giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trong khi giá con giống và thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng. Đứng trước khó khăn “kép” này, nhiều trang trại, gia trại phải hoạt động cầm chừng, liên tục bù lỗ, giảm số lượng đàn; thậm chí, buộc phải bỏ trống chuồng chờ giá thức ăn bình ổn trở lại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giá con giống, thức ăn tăng cao - người chăn nuôi gặp khó

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, giá sản phẩm gia súc, gia cầm có xu hướng giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trong khi giá con giống và thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng. Đứng trước khó khăn “kép” này, nhiều trang trại, gia trại phải hoạt động cầm chừng, liên tục bù lỗ, giảm số lượng đàn; thậm chí, buộc phải bỏ trống chuồng chờ giá thức ăn bình ổn trở lại.

Giá con giống, thức ăn tăng cao - người chăn nuôi gặp khó

Trang trại chăn nuôi gà của gia đình chị Lê Thị Hạnh, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) hiện đang gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến nay, tổng đàn lợn của tỉnh hiện có khoảng hơn 1,2 triệu con, đàn gia cầm khoảng 23 triệu con. Tuy nhiên, cũng theo các hộ chăn nuôi, từ cuối năm 2020 đến nay giá lợn giống và nhất là các mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng khoảng 6 đợt liên tiếp, mức tăng trung bình từ 10 đến 15%/đợt. Bên cạnh đó, người chăn nuôi còn phải “cõng” thêm hàng loạt chi phí khác, như: vắc-xin, thuê nhân công, vật tư phòng dịch,... Sau ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình anh Trịnh Văn Toại, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) quyết định tái đàn. Tuy nhiên, nếu như trước đây, gia đình anh duy trì tổng đàn khoảng 100 con/lứa thì hiện nay đã giảm số lượng đàn còn 50 con/lứa và 10 con lợn nái. Giãi bày về điều này, anh Toại cho biết: Tuy hiện nay lợn giống không còn khan hiếm nhưng giá tăng so với trước đây, khoảng từ 2,4 đến 2,8 triệu đồng/con (từ 7 đến 10 kg). Bên cạnh đó, trong khi giá lợn hơi đang có xu hướng giảm (hiện nay khoảng 70.000 đồng/kg), thì giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao khiến gia đình tôi cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác chỉ dám nuôi cầm chừng, không tăng số lượng đàn để tránh thua lỗ. Cũng theo tính toán của anh Toại, mỗi con lợn từ bắt đầu nuôi đến khi xuất chuồng khoảng 6 tháng với tổng trọng lượng hơn 1 tạ, ăn hết hơn 9 bao cám. Với giá thức ăn cao như hiện nay sẽ chi phí hơn 3 triệu đồng, cộng với tiền giống khoảng 2,5 triệu đồng và các chi phí khác như tiêm vắc-xin, thuốc phòng bệnh, điện, nước,... thì tổng chi phí khi xuất chuồng khoảng 6 triệu đồng. Với giá bán khoảng 68.000 đồng/kg thì lợi nhuận không đáng kể, thậm chí thua lỗ. Anh Toại cho biết thêm, mỗi loại thức ăn tương ứng với từng giai đoạn phát triển của lợn và đã tăng trung bình 50.000 đồng/bao 25 kg và dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới; chưa kể người chăn nuôi còn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi thị trường có thể biến động tăng giảm và dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), giá thức ăn chăn nuôi tăng “chóng mặt” đã khiến nhiều hộ gia đình chăn nuôi gia cầm phải “treo chuồng”; các hộ đang duy trì sản xuất thì như đang “ngồi trên đống lửa” khi giá trứng giảm trung bình từ 22.000 đồng/chục quả xuống 15.000 đồng/chục quả và giá gà thịt các loại có xu hướng giảm, việc tiêu thụ sản phẩm cũng chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Theo các hộ chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, giá gà thương phẩm xuống thấp, thương lái chỉ thu mua với giá từ 65.000 - 75.000 đồng/kg thay vì 85.000 - 90.000 đồng/kg như trước đây. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Hạnh cho biết: Tổng đàn gà của gia đình hơn 10 nghìn con/lứa, trung bình mỗi ngày tiêu thụ 70 bao cám. Với giá thức ăn tăng cao như hiện nay, chi phí thức ăn tăng thêm hơn 3 triệu đồng/ngày, dẫn đến lợi nhuận giảm.

Khảo sát tại các đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho thấy, giá các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh so với trước. Cụ thể, từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30% so với trước đây, không chỉ khiến các hộ chăn nuôi lo lắng mà còn khiến nhiều doanh nghiệp, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi gặp khó do lượng tiêu thụ giảm mạnh. Chị Trịnh Thị Tuấn, chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi Tuấn Độ, tại xã Quý Lộc (Yên Định), cho biết: Thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, như Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn ADM, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Vina, Công ty CP BB Sun Việt Nam,... đồng loạt thông báo tới các đại lý và khách hàng về việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, nguyên nhân được các công ty đưa ra là giá nguyên liệu đầu vào tăng. Chính vì vậy, các cửa hàng bán lẻ cũng phải điều chỉnh tăng giá bán, tuy nhiên, chỉ tăng giá nhẹ, chấp nhận lợi nhuận ít để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Đến thời điểm này, mức chênh lệch đã lên đến hơn 40.000 - 45.000 đồng/bao (loại 25 kg). Cũng theo chị Tuấn, đã nhiều tháng nay, mức tiêu thụ sản phẩm của gia đình chị đã giảm 50% so với trước đây. Cùng với đó, lượng hàng nhập về dù không bị hạn chế về số lượng, nhưng phía nhà phân phối yêu cầu phải đăng ký trước khoảng một tuần thì mới có hàng.

Theo đại diện lãnh đạo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, hiện nay, tuy giá lợn giống tăng cao nhưng không còn xảy ra tình trạng khan hiếm lợn giống. Được biết, Thanh Hóa là một trong 5 địa phương tái đàn đạt 100% và không tái dịch bệnh tả lợn châu Phi. Hiện nay, người chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn là giá thức ăn chăn nuôi tăng và giá của các loại thịt gia súc, gia cầm, trứng giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi là do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phải phụ thuộc tới 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nga... Đây là khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nên khâu kiểm soát khắt khe, thậm chí có thời điểm phải tạm dừng hoạt động khiến chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng trung bình 200 - 300% do thiếu tàu vận tải biển và container. Với thực trạng như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu. Tiếp đến là người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Theo dự báo của ngành nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng, tối thiểu từ 5 đến 10% tùy loại và dự kiến sẽ giảm dần, ổn định từ tháng 7-2021. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tổng đàn, thu nhập của người dân và sức tăng trưởng ngành chăn nuôi. Do vậy, các sở, ngành, các địa phương cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi về vốn đầu tư, tạo điều kiện về đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng thương lái ép giá. Đi đôi với đó, các đơn vị sản xuất, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần thực hiện công khai niêm yết giá và cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm để giữ chữ “tín” đối với người chăn nuôi.

Bài và ảnh: Ngọc Hòa

Phát triển chăn nuôi tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị

Việc hình thành, phát triển được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi đã và đang tạo ra bước ngoặt lớn để tỉnh Thanh Hóa cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, người chăn nuôi đang gặp khó khăn về giá con giống, giá thức ăn tăng cao và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Do đó, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và đạt được giá trị kinh tế cao nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, lựa chọn phát triển những đối tượng con nuôi có tính cạnh tranh, phù hợp với trình độ sản xuất và nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Giá con giống, thức ăn tăng cao - người chăn nuôi gặp khó

Song hành cùng quá trình này, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bởi, khi tham gia phát triển chuỗi liên kết sẽ giúp san sẻ được rủi ro trong các khâu, dù chi phí đầu vào có tăng nhưng vẫn bảo đảm có lãi hoặc không lỗ. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX, người dân phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học đạt hiệu quả kinh tế cao.

Mai Thế Sang

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa

Chia sẻ khó khăn với cơ sở kinh doanh và người chăn nuôi

Từ năm 2020 đến nay, đã có 5 - 6 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi, với mức tăng từ 200 - 300 đồng/kg/lần, tùy theo công ty và tùy chủng loại. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng cảnh báo xu hướng tăng giá này chưa có chiều hướng dừng lại. Điều này gây khó khăn cho người chăn nuôi nhỏ lẻ và không có liên kết, nhiều cơ sở chăn nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ, bỏ chuồng. Đồng thời, các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng gặp khó khi sản lượng tiêu thụ giảm sút. Đơn cử, trong tháng 4-2021, lượng tiêu thụ của cửa hàng giảm 40% so với cùng kỳ, đồng thời, việc thu hồi nợ từ các hộ chăn nuôi cũng khó khăn hơn.

Giá con giống, thức ăn tăng cao - người chăn nuôi gặp khó

Do đó, ở thời điểm hiện tại, là chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, tôi mong muốn các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cường liên kết, giảm các khâu trung gian để giảm giá thành sản phẩm; đồng hành cùng các cơ sở kinh doanh và người chăn nuôi bằng cách tăng cường cung ứng vật tư chăn nuôi qua hình thức trả chậm để các cơ sở kinh doanh, hộ chăn nuôi có thêm nguồn vốn để đầu tư sản xuất.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thực hiện tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về giá, gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi để bảo đảm quyền lợi cho người chăn nuôi.

Đi đôi với đó, người chăn nuôi cần chú ý lựa chọn những sản phẩm thức ăn chăn nuôi của những doanh nghiệp có uy tín, chất lượng và có chế độ chăm sóc vật nuôi phù hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất trong sản xuất.

Trịnh Thị Tuấn

Chủ cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại thôn 2, xã Quý Lộc (Yên Định)

Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để phối trộn thức ăn chăn nuôi

Ngay sau khi khống chế được dịch bệnh trên đàn lợn, đàn gia cầm, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã bắt tay vào tái đàn, khôi phục lại đàn vật nuôi. Song, từ năm 2020 đến nay, người chăn nuôi đang gặp khó khăn “kép” khi giá chi phí đầu vào (thức ăn, con giống) tăng nhanh và dịch bệnh vẫn đe dọa, bùng phát bất cứ thời điểm nào.

Giá con giống, thức ăn tăng cao - người chăn nuôi gặp khó

Hiện, huyện Hoằng Hóa có tổng đàn gia súc hơn 55.000 con, gia cầm hơn 1,3 triệu con. Để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng. Đồng thời, từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi và thay đổi hình thức nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại; ứng dụng công nghệ mới nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoằng Hóa thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi để hướng dẫn người dân sử dụng cám gạo, ngô, sắn... bảo quản rơm, ủ rơm, ủ xanh các loại cây làm thức ăn cho gia súc, để người chăn nuôi tận dụng hết các phụ phẩm nông sản tại chỗ, giảm tỉ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp.

Đồng thời, tăng cường cập nhật thông tin cho người dân về tình hình chăn nuôi và thị trường các sản phẩm chăn nuôi; trên cơ sở quy hoạch các vùng chăn nuôi, khuyến khích người dân phát triển các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường, tiêu thụ sản phẩm. Từng bước hình thành mối liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến để tạo nên sự ổn định về giá cả, sản phẩm và tạo thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn...

Lê Bá Quyết

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Gia đình tôi gắn bó với chăn nuôi từ lâu và hiện nay mong muốn ổn định đàn lợn để phát triển kinh tế, đồng thời có nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, người chăn nuôi chúng tôi hiện nay đang gặp trở ngại lớn do giá lợn giống quá cao, giá thức ăn cũng tăng mạnh, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Giá con giống, thức ăn tăng cao - người chăn nuôi gặp khó

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi bền vững, các ban, ngành, địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tăng dần quy mô, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại, công nghiệp, bán công nghiệp; thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để người dân giảm bớt áp lực khi chi phí đầu vào tăng cao, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, người dân mới yên tâm tái đàn và phát triển đàn gia súc, gia cầm một cách bền vững.

Bùi Hải Lý

Người chăn nuôi tại thôn Yên Phú, xã Hà Tiến (Hà Trung)


Bài và ảnh: Ngọc Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]