(Baothanhhoa.vn) - Những ngày này, nhiều hộ dân thị trấn Thiệu Hóa đang tất bật chăm bón những vườn dưa vàng Kim Hoàng hậu lúc lỉu quả tròn mọng chờ ngày thu hái.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đưa cây trồng hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất

Đưa cây trồng hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất

Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu tại thị trấn Thiệu Hóa.

Những ngày này, nhiều hộ dân thị trấn Thiệu Hóa đang tất bật chăm bón những vườn dưa vàng Kim Hoàng hậu lúc lỉu quả tròn mọng chờ ngày thu hái.

Vụ hè này, năng suất dưa vàng cao nhất trong năm và cũng là thời điểm mặt hàng này tiêu thụ tốt. Vừa vắt cành, tỉa cành chét trên những luống dưa xanh tốt, trĩu quả, anh Lê Văn Xuân, tiểu khu 3, thị trấn Thiệu Hóa, cho biết: Vùng đất này vốn là chân ruộng trồng lúa một vụ không ăn chắc. Nhận thấy mô hình trồng dưa liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn có tiềm năng, được “bao” trọn gói từ giống, kỹ thuật đến đầu ra cho sản phẩm anh đã quyết định đầu tư 2.000m2 nhà kính, với tổng mức đầu tư gần 700 triệu đồng. Tuy là vụ đầu tiên xuống giống, nhưng do tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn kỹ thuật từ quy trình làm đất, tưới nước đến chăm sóc nên sau 45 ngày, vườn dưa của anh Xuân hứa hẹn cho thu hoạch khoảng 6 tấn quả, ước mang lại doanh thu 180 triệu đồng.

Không chỉ gia đình anh Xuân, được biết trong vụ này, tại thị trấn Thiệu Hóa có tới 7 mô hình nhà kính được đưa vào sử dụng và xuống giống mới, với tổng diện tích 1,2 ha. Tính cả diện tích đưa vào từ năm 2019, đến nay, trên địa bàn thị trấn có 2,2 ha nhà kính trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn. Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa, cho biết: Qua thực tế sản xuất, cứ 1.000m2 nhà kính trồng dưa cho lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/vụ. Với 3 vụ trồng dưa trong năm và 1 vụ đông sản xuất phụ, theo tính toán, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chỉ sau 2 năm, người dân sẽ thu hồi vốn đầu tư.

Không chỉ sản xuất dưa vàng Kim Hoàng hậu, là một vùng có truyền thống sản xuất rau màu của huyện và tỉnh, tại cánh đồng Cửa những ngày này, bà con nông dân cũng đang tích cực chăm bón nhiều loại rau màu chính và trái vụ. Hiện diện tích vùng rau cánh đồng Cửa đạt tiêu chuẩn VietGAP đã lên tới 25 ha. Vừa hối hả thu hoạch hành hoa để kịp giờ thương lái nhập, chị Đào Thị Duyên chia sẻ: Gia đình chị có 7 sào trồng đủ các loại rau theo mùa vụ. Để tăng hiệu quả kinh tế, chị còn trồng nhiều loại rau trái vụ, như ở thời điểm này, các loại hành hoa, cần tây, bán được giá hơn thời điểm vụ đông. Do được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, có thương hiệu lâu năm nên việc nhập, xuất bán khá thuận lợi, cho lợi nhuận từ 15-25 triệu đồng/sào/năm.

Còn tại cánh đồng màu xã Phú Lộc (Hậu Lộc), đây là thời điểm bà con nông dân đang tích cực gieo vãi đậu đen và chăm sóc những ruộng đậu xanh đang phát triển xanh tốt. Đây cũng là những loại cây trồng mới được đưa vào vụ sản xuất năm nay. Vốn là vùng đất “giỏi” làm nông của huyện Hậu Lộc, hàng năm, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc tổ chức liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất hàng trăm ha rau màu các loại, như: Ngô ngọt, cải bó xôi, khoai tây, dưa chuột, hành lá... Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, một số mặt hàng bị giảm giá. Các hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp bao tiêu bị đình trệ, hàng hóa chậm lưu thông nên một phần bị hư hỏng. Trước tình hình đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc đã chủ động nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích sang sản xuất các loại cây hướng đến thị trường nội địa, như: 10 ha đậu xanh, 5 ha đậu đen liên kết với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam với giá bao tiêu 30.000 đồng/kg, 20 ha dưa các loại. Ông Trần Thanh Tú, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc, cho biết: Hiện nay, HTX đã liên hệ được với đơn vị sản xuất tương để tiêu thụ ớt với mức giá ổn định hơn. Bên cạnh đó, thị trường đã dần ổn định trở lại, do đó, HTX đang tiếp tục nghiên cứu, chuyển đổi thêm các loại cây trồng cho năng suất, hiệu quả cao trong những vụ sản xuất tới.

Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tác động toàn diện lên các ngành sản xuất, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chịu tác động không nhỏ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 loại cây trồng bị ảnh hưởng nhiều nhất là ớt và sắn. Hiện nay, năng lực thông quan tại các cửa khẩu đường bộ vẫn còn hạn chế, do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo các địa phương, bà con nông dân theo dõi tình hình thị trường, chuyển đổi một phần diện tích sang các loại cây trồng khác mà thị trường trong nước, trong tỉnh còn dư địa, như: Rau ăn lá, cây thức ăn chăn nuôi, ngô, cây khoai tây liên kết chế biến nội địa... Điển hình như huyện Yên Định đã chuyển đổi hơn 100 ha ớt sang các loại cây trồng khác.

Cùng với đó, từ thực tiễn thị trường xuất khẩu nông sản còn thiếu bền vững do chủ yếu đi bằng con đường tiểu ngạch, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, hiện ngành nông nghiệp, các địa phương cũng đang nghiên cứu, khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất các mặt hàng cung ứng cho thị trường nội địa, nội tỉnh. Tại nhiều địa phương, các mô hình sản xuất cây ăn quả, cây ăn lá cũng đang hướng tới thị trường này và thực tế, thị trường nội tỉnh hiện vẫn phải nhập một sản lượng lớn các loại rau, củ, quả từ các tỉnh ngoài.

Được biết, hiện Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tích cực phối hợp với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao lựa chọn một số đối tượng cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường để đưa vào gieo trồng, như: Đậu tương rau, ngô ngọt, dưa chuột, chuối tiêu hồng, với tổng diện tích khoảng 3.000 ha.

Tùng Lâm


Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]