(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, đội ngũ trí thức trên địa bàn huyện Thạch Thành đã có nhiều sáng tạo, năng động trong đề xuất các chính sách, giải pháp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đóng góp của đội ngũ trí thức huyện Thạch Thành trong phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, đội ngũ trí thức trên địa bàn huyện Thạch Thành đã có nhiều sáng tạo, năng động trong đề xuất các chính sách, giải pháp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đóng góp của đội ngũ trí thức huyện Thạch Thành trong phát triển kinh tế - xã hội

Mô hình trồng cam Vân Du tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành).

Từ những hiểu biết sâu sắc về khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa lý của Thạch Thành, là vùng đất thường xuyên chịu tác động của lũ lụt, hàng năm đều có các trận ngập úng, lũ lụt cục bộ; bình quân 10 năm một chu kỳ chịu lũ lụt lớn vào mùa mưa; mùa hạn, nước rút xuống lòng sông Bưởi nên gây ra tình trạng thiếu nước tưới. Để giảm thiểu tác động của thiên tai, ổn định đời sống và sinh kế cho Nhân dân, đội ngũ trí thức là tập thể lãnh đạo, quản lý của huyện đã nghiên cứu, tìm những giải pháp xác đáng để tham mưu, đề xuất phương án phòng, chống lụt bão. Năm 2007, trận lũ lịch sử làm ngập úng hầu hết các xã trong huyện, sau khi khắc phục hậu quả của lũ lụt, từ năm 2008, tập thể lãnh đạo huyện đã đề xuất Trung ương hỗ trợ, đầu tư dự án phân lũ, chậm lũ, xây dựng tuyến đê bao sông Bưởi kiên cố, hạn chế tối đa việc vỡ đê gây ngập úng hầu hết các xã trong huyện vào mùa mưa; bố trí vùng xả lũ, cơ cấu mùa vụ phù hợp để Nhân dân yên tâm sản xuất. Xây dựng thêm các cây cầu bắc qua sông Bưởi, như cầu Kim Tân, cầu Thạch Định, cầu Thạch Quảng để thuận lợi cho giao thông. Xây dựng hệ thống trạm bơm tưới mía ven sông Bưởi để nâng cao năng suất mía, là điều kiện để cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất mía nguyên liệu.

Từ sự vận dụng sáng tạo những kiến thức về cả lý luận và khoa học - kỹ thuật vào điều kiện thực tiễn, năm 2012 và 2013, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề, gồm nghị quyết về phát triển kinh tế các xã đặc biệt khó khăn và nghị quyết phát triển chăn nuôi dưới tán rừng. Trong đó, nghị quyết về phát triển kinh tế các xã đặc biệt khó khăn đã trở thành cơ sở quan trọng để hệ thống chính trị toàn huyện quan tâm, cụ thể hóa, dành ưu tiên các nguồn lực phát triển kinh tế cho các xã đặc biệt khó khăn, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Từ kết quả thực hiện nghị quyết này, năm 2014 khi bước vào thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về giảm nghèo của tỉnh, Thạch Thành đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt và là huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong số 11 huyện miền núi.

Đối với nghị quyết phát triển chăn nuôi dưới tán rừng được tổ chức thực hiện đã giúp người dân Thạch Thành, nhất là các hộ dân ở các xã miền núi có nguồn lực để vừa thực hiện chủ trương trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, vừa có thêm ngành nghề để phát triển kinh tế. Phong trào chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật đã được phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bằng việc phối hợp, hỗ trợ của đội ngũ cán bộ phòng chuyên môn UBND huyện, đặc biệt là các kỹ sư nông nghiệp công tác trên địa bàn huyện, nông dân ở các xã có rừng đã ứng dụng tiến bộ khoa học trong trồng rừng, du nhập các giống cây gỗ quý, năng suất cao để trồng rừng sản xuất; các giống gia súc, gia cầm có giá trị thương phẩm cao trong chăn nuôi; thực hiện thành thạo kỹ thuật chăm sóc, nhân giống ong lấy mật, làm cho sản lượng, chất lượng mật ong trên địa bàn huyện tăng cao, nhiều HTX sản xuất, kinh doanh mật ong, sản phẩm mật ong được hình thành, nhiều đơn vị đã xây dựng thành công truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP.

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, Đảng bộ huyện Thạch Thành đã ban hành nghị quyết chuyên đề tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện, cụ thể hóa bằng việc xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Bằng sự chủ động tham mưu, tinh thần cống hiến của đội ngũ trí thức là cán bộ, chuyên viên các phòng, ban, ngành cấp huyện, nhiều công việc đã được tiến hành như: Phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, quy hoạch vùng cây ăn quả với tổng diện tích trên 2.000 ha; xây dựng chỉ dẫn địa lý và tiến tới xác lập thương hiệu cam Vân Du; xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có truy xuất nguồn gốc; xây dựng sản phẩm OCOP đối với một số loại trái cây đặc sản, như cam Đường Canh, ổi lê Thành Tâm. Đã quy hoạch và đưa vào vận hành vùng cây ăn quả có múi ứng dụng công nghệ cao với diện tích 400 ha. Tại đây, đội ngũ trí thức là doanh nhân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào chăm sóc cây ăn quả theo hướng an toàn, hữu cơ để làm ra các sản phẩm trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đủ điều kiện cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ kết quả bước đầu quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp, đầu năm 2022, huyện Thạch Thành được UBND tỉnh lựa chọn là địa phương làm điểm về thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuyển đổi số.

Trong lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, đội ngũ trí thức công tác tại cơ quan chuyên trách công tác Đảng đã vận dụng kiến thức, hiểu biết của mình để nghiên cứu, chủ động tham mưu, lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả nội bật trong công tác chính trị tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát, công tác tổ chức cán bộ, công tác dân vận, như: Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, việc thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên. Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Thạch Thành đi đầu, có nhiều đổi mới trong công tác tạo nguồn, quy hoạch, điều động, luân chuyển cán bộ. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện đã bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương.

Trong các lĩnh vực chuyên môn khác, đội ngũ cán bộ quản lý, bác sĩ, viên chức y tế đã áp dụng tiến bộ của y học vào việc phẫu thuật thành công những ca bệnh phức tạp, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên; đội ngũ trí thức đã phát huy tối đa khả năng sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, những thành tựu mới trong quản lý... để đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; lĩnh vực văn hóa, thể dục - thể thao đã vận dụng những tri thức, hiểu biết của mình, tham mưu, trực tiếp chỉ đạo, định hướng, phát động các phong trào văn hóa, thể dục - thể thao lành mạnh, ích nước lợi nhà, tạo khí thế sôi nổi, đoàn kết, tích cực trong các cộng đồng dân cư thông qua việc thường xuyên bổ sung hương ước, quy ước, nâng cao chất lượng đơn vị văn hóa, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu; huy động Nhân dân đóng góp xây dựng cột đèn chiếu sáng kết hợp tuyên truyền trực quan, góp phần làm cho cảnh quan môi trường ở các khu dân cư “sáng, xanh, sạch, đẹp”...

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, đội ngũ trí thức huyện Thạch Thành đã nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn, thách thức do phạm vi hoạt động là cấp huyện, môi trường để nghiên cứu khoa học còn hạn hẹp, không có cơ quan chuyên trách về khoa học; yêu cầu công tác cần phải vận dụng linh hoạt từ tri thức tổng quát đến các công việc cụ thể, chi tiết, cách thức đánh giá, kiểm chứng chính là sự hài lòng của người dân, hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể. Vượt qua những thách thức đó, đội ngũ trí thức của huyện đã từng bước coi thực tiễn sinh động trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị làm môi trường thuận lợi, là cơ hội để được cống hiến, đóng góp, đánh giá cho quá trình học tập, nghiên cứu, trưởng thành của mình. Chính vì vậy, đội ngũ trí thức Thạch Thành đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển không ngừng trên mọi lĩnh vực của huyện, thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị được giao, giữ vững tâm thế, khí thế để xây dựng Thạch Thành trong giai đoạn cách mạng mới, sớm trở thành trọng điểm kinh tế phía Bắc của tỉnh, huyện nông thôn mới và dẫn đầu phong trào thi đua của khu vực miền núi Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]