(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18.073 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Cùng với việc phát triển về số lượng, trong cộng đồng DN tỉnh Thanh Hóa, nhiều DN đã xác định việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất là yêu cầu tất yếu nhằm thích ứng với thị trường và phát triển bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18.073 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Cùng với việc phát triển về số lượng, trong cộng đồng DN tỉnh Thanh Hóa, nhiều DN đã xác định việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất là yêu cầu tất yếu nhằm thích ứng với thị trường và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất

Sản xuất đồ gỗ nội thất tại Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức Thanh Hóa, Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa).

Từ năm 2020, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan Bỉm Sơn đã đưa Nhà máy gạch Ba Lan công nghệ mới tại phường Đông Sơn vào sản xuất. Với công suất 60 triệu viên/năm, tổng vốn đầu tư 82,5 tỷ đồng, nhà máy được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, sản phẩm đầu ra là gạch tuynel cường lực. Bà Trần Thị Ngọc, phó giám đốc công ty, cho biết: Dây chuyền đưa vào hoạt động với công nghệ tự động hóa do robot thực hiện nhiều công đoạn quan trọng, như: vận chuyển, phối đảo nguyên liệu... Do đó, sự khác biệt của công nghệ này là đã tạo ra sản phẩm với độ hút chân không tuyệt đối và liên kết vững chắc, hạn chế hao hụt, biến dạng sản phẩm như sản phẩm được sản xuất thủ công trước đó. Nhờ áp dụng dây chuyền tự động hóa sản xuất này, đã giảm nhân lực lao động từ 500 người xuống còn 50 người. Từ đó, hạ giá thành sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế trong hoạt động sản xuất của đơn vị.

Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta (Hoằng Hóa) là một trong những DN đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận là DN khoa học công nghệ. Cùng với chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, đơn vị luôn dành nguồn lực riêng cho công tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm từ dụng cụ thể thao phục vụ luyện tập, thi đấu đến các sản phẩm may mặc như quần áo thể thao, quần áo bảo hộ lao động, thời trang. Ở nhiều thời điểm, công ty quyết định tạo bước đột phá với việc đầu tư nguồn nhân lực và tài chính để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất, giám sát kỹ thuật các công đoạn, đầu tư thiết bị hiện đại... nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm của Delta luôn được các đối tác lớn tin cậy. Đến nay, sản phẩm của Delta có mặt trên 32 thị trường thế giới như Hungari, Braxin, Hàn Quốc, Chi Lê, Australia, Achentina, Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Pháp... Trong đó, nhiều khách hàng truyền thống của công ty là tập đoàn hàng đầu trên thế giới về dụng cụ thể thao và may mặc, như: UHL Sport, Itochu, Challenger, Walmart...

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng khá lớn đến các DN trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lâm sản. Để khắc phục khó khăn này, tìm kiếm các thị trường tiềm năng hơn phù hợp mục tiêu tiêu thụ sản phẩm, một số DN cũng đã tích cực đầu tư thêm máy móc công nghệ vào sản xuất. Điển hình như tại Công ty CP Xuân Sơn (Thạch Thành), từ năm 2020 đến nay, ngoài mặt hàng dăm gỗ truyền thống, công ty đã đổi mới, đầu tư công nghệ để sản xuất mặt hàng ván ép xuất khẩu. Nhờ đó, bước sang năm 2021, ngay khi hoạt động giao thương quốc tế được nối lại, công ty đã ký thêm được hợp đồng xuất khẩu ván ép với các đối tác Nhật Bản và Mỹ.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 31 DN khoa học công nghệ, đứng thứ ba cả nước về số lượng DN, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Phần lớn DN khoa học công nghệ hình thành trên cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn gốc kết quả khoa học và công nghệ do DN nghiên cứu. Một số ít DN tiếp nhận công nghệ từ bên ngoài. Đây là con số khá thấp so với số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do phần lớn các DN trên địa bàn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính yếu cho nên chưa mạnh dạn đầu tư cho khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với DN khoa học công nghệ chưa thật sự hấp dẫn. Một số quy định về xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ không sử dụng ngân sách Nhà nước, giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ sử dụng ngân sách Nhà nước... còn bất cập.

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 50 DN khoa học công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đề ra các giải pháp đồng bộ. Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các thủ tục chứng nhận, các quyền lợi của DN khoa học công nghệ. Thực tế, đây là loại hình đặc thù, có nhiều quy định và khái niệm trừu tượng, hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực... cho nên nhận thức của cộng đồng DN về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho DN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng và tổ chức hoạt động sàn giao dịch công nghệ - thiết bị của tỉnh nhằm hỗ trợ, trao đổi thông tin, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của DN. Tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các DN thực hiện các dự án khoa học và công nghệ các cấp để trên cơ sở đó thành lập mới DN khoa học công nghệ.

Để thúc đẩy việc huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, bên cạnh việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của DN, các cơ quan liên quan của tỉnh cần xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin khoa học và công nghệ đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các chính sách phát triển công nghệ để các DN tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần ban hành cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn các DN tiềm năng để trở thành DN khoa học công nghệ. Quan trọng hơn hết, các DN cần quan tâm nhiều hơn nữa tới việc ưu tiên dành nguồn vốn cho phát triển công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng cần được đẩy mạnh để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về đổi mới, ứng dụng công nghệ mới trong thời gian tới.

Ngày 17-7 vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ trong việc ứng dụng kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ cao trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền). Đây sẽ là những chính sách quan trọng để các DN trong tỉnh tiếp cận đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: Bách Nguyên


Bài và ảnh: Bách Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]