(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, sản phẩm OCOP đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến, lựa chọn. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 16 điểm cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP. Tuy vậy, sau hơn 2 năm được hỗ trợ đầu tư, một số điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Để các cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP hiệu quả hơn

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, sản phẩm OCOP đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến, lựa chọn. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 16 điểm cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP. Tuy vậy, sau hơn 2 năm được hỗ trợ đầu tư, một số điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Để các cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP hiệu quả hơnKhách hàng lựa chọn sản phẩm OCOP tại Siêu thị MomoMart, Chung cư Xuân Mai, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa).

Từ cuối năm 2020 và năm 2021, tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) để các chủ thể thành lập 6 điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh. Trong đó, điểm cửa hàng tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (đường Nguyễn Chí Thanh, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng cơ sở trưng bày, bán sản phẩm OCOP trong thời gian 6 tháng. 5 điểm cửa hàng khác tại: Siêu thị MomoMart, chung cư Xuân Mai, phường Đông Hải; gian hàng tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, phường Đông Vệ; cửa hàng ECO, mặt bằng quy hoạch 1636 phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) và thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn), đều được hỗ trợ 50 triệu đồng/điểm với mục tiêu trưng bày, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng. Ngoài ra, có 10 điểm cửa hàng do các chủ thể, cá nhân đầu tư thành lập tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP vận hành theo mô hình siêu thị mini, đều nằm ở những vị trí trung tâm, đông người qua lại, giao thông thuận tiện. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động của nhiều cửa hàng nói trên vẫn không được như kỳ vọng.

Đơn cử như điểm cửa hàng ECO tại mặt bằng 1636, phường Phú Sơn, được khai trương tháng 10-2020 là điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh nhưng đến nay đã “cửa đóng, then cài”. Người dân địa phương cho biết, khi mới hoạt động, cửa hàng bán khoảng 20 mặt hàng OCOP của tỉnh nhưng chỉ thời gian đầu việc tiêu thụ tương đối thuận lợi, càng về sau, mức tiêu thụ giảm. Sau thời gian hoạt động “lay lắt”, không đủ chi phí duy trì hoạt động nên cửa hàng đã đóng cửa gần 6 tháng nay.

Tại điểm cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), tuy vẫn hoạt động nhưng hàng hóa nghèo nàn, chủ yếu là các sản phẩm đóng gói, có thời gian sử dụng dài, hầu như không có khách hàng đến giao dịch. Bà Lê Thị Thúy, người dân phường Quảng Thắng, cho biết: “Sau khi biết đến Chương trình OCOP, người dân mong muốn được tiếp cận và sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh và của các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, khi tìm đến cửa hàng của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, hàng hóa nghèo nàn, giá thành của các sản phẩm OCOP cao hơn 10 - 20% trở lên so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Một số sản phẩm giá niêm yết không thống nhất, có sự chênh lệch giữa các cửa hàng... Do đó, tôi đã lựa chọn những sản phẩm khác tại siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn”.

Theo đánh giá của Tổ quản lý Chương trình OCOP, thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, hiện nay, việc kinh doanh và hiệu quả hoạt động của 15 điểm cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hầu như chưa đạt như kỳ vọng ban đầu. Trong đó, các điểm cửa hàng không được hỗ trợ, do cá nhân, tập thể đứng ra thành lập thì hiệu quả hoạt động cao hơn, có doanh thu, lợi nhuận tốt hơn. Nhưng tại các cửa hàng được hỗ trợ từ ngân sách, tỉ lệ nghịch với kỳ vọng của các sở, ban, ngành, hiệu quả hoạt động chưa cao. Chỉ có 3 cửa hàng được hỗ trợ, gồm: Siêu thị MomoMart, gian hàng tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và cửa hàng Đăng Khoa tại thị trấn Nga Sơn là có doanh thu, hoạt động thường xuyên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về sản phẩm OCOP.

Thực tế cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó có sản phẩm OCOP rất cao. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dẫn đến tình trạng khách hàng thờ ơ với những điểm cửa hàng bán, trưng bày sản phẩm OCOP. Chị Nguyễn Thị Nhàn, quản lý điểm bán sản phẩm OCOP tại Siêu thị MomoMart, chung cư Xuân Mai, phường Đông Hải, cho biết: Hiện cửa hàng đang bán gần 30 sản phẩm OCOP của Thanh Hóa và nhiều nông sản của địa phương, như: nem chua, rau, củ quả an toàn... Bình quân doanh thu từ bán sản phẩm OCOP của cửa hàng đạt 60 - 70 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm OCOP hiện nay khá cao, một số đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm chưa đồng nhất giá bán tại cơ sở và giá niêm yết tại điểm trưng bày. Cùng với đó, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP thiếu liên kết, không hào hứng với việc đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm khiến việc tiêu thụ gián đoạn, dẫn đến tình trạng “nghèo” sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng “nhạt” dần với hệ thống cửa hàng bán hàng OCOP...

Theo ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, mục tiêu xây dựng các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP chính là quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng. Mặc dù nhận thấy sự hạn chế trong hoạt động của các cửa hàng, văn phòng cũng kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở song không có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ nào. Đồng thời, nguồn hỗ trợ kinh phí từ ngân sách chỉ là bệ đỡ, hỗ trợ cho các cửa hàng đầu tư, mở rộng quy mô gian hàng để trưng bày, kinh doanh sản phẩm. Việc giải quyết đầu ra sản phẩm cần có nhiều yếu tố, như: thị trường, xúc tiến thương mại chung, khả năng quảng bá trên nền tảng công nghệ số... của các chủ cửa hàng. Do đó, nếu các chủ cửa hàng được hỗ trợ không năng động, sáng tạo thì hiệu quả kinh doanh sẽ không được như kỳ vọng.

Trên thực tế, nhu cầu của người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống là rất lớn. Đồng thời, chỉ một số cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP cá biệt hoạt động không hiệu quả. Do đó, để bài toán vận hành, phát triển cửa hàng được giải quyết, các chủ cửa hàng cần linh hoạt, năng động, xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững với chủ thể sản xuất và có chiến lược kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, xúc tiến thương mại cần quan tâm, thường xuyên kiểm tra, kịp thời hỗ trợ để các điểm trưng bày, bán sản phẩm hoạt động đúng mục tiêu đề ra, phát huy hiệu quả các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]