(Baothanhhoa.vn) - Dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn được khởi công từ tháng 6–2021, nhưng nhiều khâu, nhiều hạng mục bị chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Với sự vào cuộc tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa nên thời gian gần đây, các bên liên quan đã nỗ lực giải quyết được nhiều vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện những phần việc liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ dự án ngăn sông Lèn làm đập thủy lợi

Dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn được khởi công từ tháng 6–2021, nhưng nhiều khâu, nhiều hạng mục bị chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Với sự vào cuộc tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa nên thời gian gần đây, các bên liên quan đã nỗ lực giải quyết được nhiều vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện những phần việc liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ dự án ngăn sông Lèn làm đập thủy lợiHạng mục mố đập chính chặn dòng sông Lèn thuộc xã Nga Thủy (Nga Sơn) đang được các đơn vị khoan cọc và triển khai thi công.

Dự án thủy lợi quan trọng

Dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn là dự án thành phần của Dự án "Nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn (Thanh Hóa) và sông Hoàng Mai (Nghệ An)”, được Quỹ Hợp tác Phát triển kinh tế Hàn Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tài trợ, cho vay thực hiện theo hình thức ODA. Tiểu dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.616 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA là hơn 1.253 tỷ đồng, vốn đối ứng Trung ương là hơn 284 tỷ đồng, vốn đối ứng tỉnh Thanh Hóa là 77,91 tỷ đồng... Được khởi công từ ngày 21-6-2021, dự kiến hoàn thành trong vòng 24 tháng.

Đây là hệ thống công trình thủy lợi có nhiệm vụ ngăn mặn từ biển thâm nhập, kiểm soát ngọt, tạo nguồn cấp nước tưới cho hơn 18.800 ha đất canh tác, gần 4.500 ha nuôi trồng thủy sản và tiêu cho gần 4.000 ha đất sản xuất và các khu dân cư trong vùng. Dự án cũng hướng tới đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho trên 613.000 người dân, cung cấp nước cho hoạt động chăn nuôi và nước sản xuất cho khu công nghiệp, cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp giao thông thủy, bộ trong khu vực.

Dự án gồm nhiều hạng mục, nhưng hạng mục chính là đắp đập sông Lèn đoạn giữa xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc và xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn để tạo đập, trữ nước ngọt và ngăn nước mặn từ biển xâm nhập. Ngoài ra, dự án còn triển khai xây dựng các trạm bơm, âu thuyền, các cầu và hệ thống giao thông trong vùng. Các huyện: Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc và thị xã Bỉm Sơn trong diện ảnh hưởng giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cùng các địa phương có trách nhiệm triển khai phần giải phóng mặt bằng để triển khai.

Những giai đoạn đầu, khâu giải phóng mặt bằng để xây dựng các hạng mục liên tục gặp những vướng mắc phải chờ tháo gỡ, nhiều hộ dân trong vùng dự án chưa hợp tác tích cực. Từ đầu năm 2022 đến nay, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi đã nhiều lần vào kiểm tra, đốc thúc tiến độ. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức các buổi giao ban, làm việc với các huyện và đơn vị liên quan để chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc khâu mặt bằng, yêu cầu các nhà thầu tích cực vào cuộc triển khai trước những hạng mục đủ điều kiện.

Dấu hiệu tích cực về tiến độ

Về khâu giải phóng mặt bằng, vướng mắc khó “gỡ” trong nhiều tháng qua là các bên liên quan chưa thể giải phóng vị trí bãi thải bùn đất ở xã Nga Thủy (Nga Sơn). Tuy nhiên, với sự nỗ lực của UBND huyện Nga Sơn, trong các tháng gần đây, huyện đã giao 3 đợt mặt bằng với tổng diện tích 5 ha cho các nhà thầu. Hiện chỉ còn 4 hộ dân chưa thống nhất các phương án bồi thường nên đang được địa phương tích cực vận động. Tại huyện Hà Trung, từ tháng 6-2022, UBND huyện đã có 2 quyết định để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho một số hạng mục, trong đó quan trọng nhất là vị trí xây dựng trạm bơm ở xã Yên Dương. Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, còn 3 hộ chưa chấp thuận phương án hỗ trợ nên huyện Hà Trung đã lên phương án cưỡng chế theo các quy định. Hậu Lộc là địa phương có nhiều vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong tháng 8 vừa qua, đơn vị thi công hạ tầng khu tái định cư cho dân vùng giải phóng mặt bằng dự án đã tổ chức khởi công, san lấp, dự kiến hoàn thành trong tháng 9 này để các hộ dân kịp thời về nơi ở mới. Với nhiều nỗ lực, đến nay, huyện đã giao nhiều phần mặt bằng ở khu vực đập đầu mối thuộc xã Đa Lộc cho các nhà thầu thi công các hạng mục.

Nhìn chung, đến cuối tháng 9 này, các huyện trong vùng giải phóng mặt bằng dự án đã hoàn thành phê duyệt phương án các phạm vi công trình. Cụ thể, huyện Nga Sơn đã phê duyệt các phương án và bàn giao mặt bằng khu vực xây dựng đập đầu mối sông Lèn, các dự án trên sông Càn và một phần bãi thải đầu mối sông Lèn. Huyện Hà Trung đã giao được khá nhiều diện tích mặt bằng để các nhà thầu triển khai thi công trong những ngày gần đây, như: Trạm bơm Hà Yên 1, Trạm bơm Triết Giang, Trạm bơm Hà Hải, các bãi thải. Thị xã Bỉm Sơn cũng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 2,1 ha cho xây dựng một phần các hạng mục của Trạm bơm Triết Giang.

Tổng hợp từ Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, trong tổng số 38,97 ha diện tích mặt bằng cần giải phóng để thực hiện dự án, đến nay, các huyện, thị xã đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt gần 90%. Hiện các địa phương đang phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 15-11-2022 để các đơn vị thi công triển khai những hạng mục còn lại.

Những ngày cuối tháng 9 này, các đơn vị thi công đang triển khai khoan, thi công các mố nhô của đập đầu mối Lèn nối Hậu Lộc và Nga Sơn. 92/92 cọc đại trà hạng mục âu thuyền trên sông Càn cũng được đúc và đóng hoàn thành. Bản đáy cửa van và khe phai của âu thuyền này cũng được xây dựng xong. Với các trạm bơm: Triết Giang, Hà Hải, Hà Yên 1 thuộc địa bàn huyện Hà Trung, nhà thầu đã và đang thi công nhiều hạng mục quan trọng như: Đắp đất cao trình, dàn công tác, xây dựng cống qua đê, ép cọc, bể xả...

Theo đánh giá chung từ Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, đến thời điểm hiện tại, tuy có nhiều hạng mục chậm tiến độ, song tiến độ chung toàn dự án cơ bản vẫn đảm bảo các mốc đề ra. Nếu các bên liên quan cùng nỗ lực, mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án thủy lợi lớn này trong 24 tháng vẫn có tính khả thi.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]