(Baothanhhoa.vn) - Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp ở mức 13,8% so với cùng kỳ. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các nhà máy truyền thống hoạt động ổn định, các cấp, ngành đang nỗ lực trong việc tháo gỡ  khó khăn, tạo thuận lợi cho các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm gia tăng sản lượng và đóng góp thêm các sản phẩm công nghiệp mới.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp

Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp ở mức 13,8% so với cùng kỳ. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các nhà máy truyền thống hoạt động ổn định, các cấp, ngành đang nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm gia tăng sản lượng và đóng góp thêm các sản phẩm công nghiệp mới.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệpThi công mặt bằng Nhà máy Xi măng Đại Dương.

Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 217 dự án công nghiệp đang triển khai thi công, với số vốn đầu tư khoảng 27.000.000 tỷ đồng. Các dự án đang triển khai thuộc đa dạng các nhóm, ngành sản xuất, như: xi măng, may mặc, giày da, điện, chế biến nông sản, thực phẩm... Với sự thuận lợi về thị trường tiêu thụ, hiện các chủ đầu tư đang tích cực huy động nguồn lực, triển khai dự án đúng tiến độ cam kết để gia nhập thị trường.

Với định hướng trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng của khu vực miền Bắc, sau khi Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đi vào hoạt động tháng 9-2015, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các nhà đầu tư tiếp tục triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Dự án do liên doanh Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) đầu tư theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với 2 tổ máy, tổng công suất 1.230 MW; tổng vốn đầu tư của dự án là 2,793 tỷ USD. Sau khi tiến hành đốt lửa lần đầu bằng dầu vào ngày 9-2-2021, ngày 5-3-2021 vừa qua, tổng thầu Doosan đã phối hợp với nhà thầu Lilama và các nhà thầu thi công công trình tổ chức đốt lò thành công tổ máy số 1 dưới sự chứng kiến của liên doanh chủ đầu tư Marubeni - Kepco. Đây là những bước quan trọng để chủ đầu tư và các đơn vị thi công đưa toàn bộ tổ máy đi vào vận hành trong năm 2022 theo đúng tiến độ.

Cũng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, tổ hợp Nhà máy Xi măng Đại Dương, bao gồm Nhà máy Xi măng Đại Dương 1, Nhà máy Xi măng Đại Dương 2 và Nhà máy Sản xuất vôi công nghiệp Đại Dương được khởi công tháng 10-2020. Công suất của hai nhà máy xi măng khoảng 4,6 triệu tấn xi măng/năm, công suất nhà máy sản xuất vôi công nghiệp 600 nghìn tấn/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 9.120 tỷ đồng. Đây là tổ hợp dự án hiện đại, với trang thiết bị tiên tiến theo công nghệ châu Âu, bảo đảm các yêu cầu về môi trường và chất lượng.

Theo ông Hoàng Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Đại Dương, ngay sau khi khởi công, công ty đã huy động nhân lực, tài chính, máy móc để tiến hành các hạng mục dự án. Đến nay, nhà máy đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng xây lắp, với các hạng mục cơ bản, như: Thi công khoan cọc nhồi si lô clinker, si lô xi măng, trạm định lượng nguyên liệu xi măng, nhà điều hành trung tâm, trạm điện chính, lò và ống gió... Với các gói thầu do nhà thầu nước ngoài triển khai bao gồm: Trạm đập sét và vận chuyển, trạm đập phụ gia thạch cao và vận chuyển, nghiền liệu và xử lý thải, tháp trao đổi nhiệt, làm lạnh và xử lý khí hồi lưu... cũng sẽ được triển khai sớm nhất trong thời gian tới sau thời gian chuyên gia và công nhân nhập cảnh hoàn thành cách ly. Hiện nay, Công ty CP Xi măng Đại Dương đang kiến nghị UBND thị xã Nghi Sơn và tỉnh Thanh Hóa vào cuộc, giải quyết khó khăn về vấn đề giải phóng mặt bằng tuyến đường lên mỏ nguyên liệu và kho bãi để đưa dự án đi vào vận hành thương mại theo đúng kế hoạch trong quý II-2022.

Với lợi thế nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ, trong thời gian qua, Thanh Hóa cũng là điểm lựa chọn của rất nhiều các dự án may mặc, giày da đến từ đa dạng các quốc gia, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Theo thống kê của Phòng Mỏ và Đầu tư, Sở Công Thương, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thi công tới 78 dự án trong lĩnh vực này. Nhiều dự án có quy mô lớn, như: Nhà máy may Sakurai Việt Nam, khu sản xuất dệt may Delta, Nhà máy may Viet Pan- Paciffic, Nhà máy sản xuất, gia công găng tay thời trang tại Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, Nhà máy INTCO Medical Việt Nam tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn... Phần lớn với các dự án này, trong quá trình triển khai xây dựng, các doanh nghiệp đã kết nối được các đơn vị hợp tác, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để kịp sản xuất đơn hàng cho phía đối tác. Nhiều dự án còn được hoàn thiện trước tiến độ phê duyệt, như: Dự án Nhà máy Sản xuất giày xuất khẩu Kim Việt tại thị trấn Nông Cống, dự án mở rộng Nhà máy may Dream F Vina tại huyện Triệu Sơn, Nhà máy Giày xuất khẩu SunJade Yên Định, dự án mở rộng Nhà máy may Aleron tại huyện Triệu Sơn... Nhiều chủ đầu tư cũng đang tiếp tục thực hiện thủ tục mở rộng quy mô, nâng công suất các nhà máy trên địa bàn một số địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh những dự án thực hiện bảo đảm tiến độ, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại một số dự án chậm tiến độ, như: Dự án Điện mặt trời Kiên Thọ do chủ đầu tư đang chờ ban hành chính sách mới áp dụng cho lĩnh vực điện mặt trời; Dự án Thủy điện Hồi Xuân khó khăn do dự án tăng vốn đầu tư; một số dự án gặp khó khăn do chuyên gia, máy móc được đưa sang triển khai chậm vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, như: Dự án may xuất khẩu Quý Lộc, huyện Yên Định; Dự án Nhà máy may Blue - Garment, huyện Ngọc Lặc...

Để bảo đảm kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2021, Sở Công Thương đang khuyến khích các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định tăng công suất, sản lượng tối đa; đồng thời, quan tâm đến đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất và khâu phân phối, phát triển thị trường. Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan sẽ tích cực bám sát các nhóm dự án đang triển khai đầu tư, chủ động nắm bắt, đề xuất tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án vào vận hành theo đúng kế hoạch. Để gia tăng số lượng, giá trị sản phẩm công nghiệp; trong hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung thu hút sản xuất ở các lĩnh vực công nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp quy mô lớn, đầu tàu về sản xuất thành phẩm. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp để quảng bá các lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thanh Hóa trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là về các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh. Ban hành danh mục các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, hợp tác, đa dạng hóa các ngành công nghiệp có lợi thế.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]