(Baothanhhoa.vn) - Hội đồng quản lý rừng (Forest Stewardship Council - FSC) là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1993 tại Canada, là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập nhằm ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi, khuyến khích các hoạt động khai thác gắn với phát triển rừng bền vững trên toàn thế giới. Hội đồng quản lý rừng đã xây dựng chứng nhận FSC với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí để làm cơ sở đánh giá việc quản lý rừng và sử dụng các sản phẩm từ rừng của các chủ rừng và các đơn vị sản ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (FSC) tại Thanh Hóa

Hội đồng quản lý rừng (Forest Stewardship Council - FSC) là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1993 tại Canada, là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập nhằm ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi, khuyến khích các hoạt động khai thác gắn với phát triển rừng bền vững trên toàn thế giới. Hội đồng quản lý rừng đã xây dựng chứng nhận FSC với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí để làm cơ sở đánh giá việc quản lý rừng và sử dụng các sản phẩm từ rừng của các chủ rừng và các đơn vị sản xuất các sản phẩm từ rừng. Chứng chỉ FSC có giá trị trong 5 năm và được chấp nhận trên quy mô toàn cầu. Lợi ích khi được chứng nhận FSC đem lại rất lớn.

Cán bộ, công nhân Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh kiểm tra rừng tại xã Trí Nang. Ảnh: T.L

Cụ thể, về môi trường, đảm bảo việc thu hoạch các sản phẩm gỗ và ngoài gỗ trong khi vẫn duy trì và phát triển được tính đa dạng sinh học và năng suất. Về xã hội, giúp cho người dân địa phương và toàn xã hội được hưởng lợi ích lâu dài từ rừng, khuyến khích mạnh mẽ người dân địa phương tuân thủ kế hoạch quản lý rừng dài hạn và duy trì được tài nguyên rừng. Về giá trị kinh tế, giảm thiểu lãng phí các nguồn tài nguyên từ rừng. Tăng giá trị kinh tế các sản phẩm khoảng 20 – 30% so với các sản phẩm thông thường. Về giá trị thương hiệu, đạt được chứng nhận FSC thương hiệu các sản phẩm từ rừng sẽ được nâng cao và tiếp cận được các thị trường khó tính, như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, một số thị trường nhập khẩu lớn sản phẩm gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc đang đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp. Đồng thời, tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 8-8-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, với tiềm năng to lớn từ rừng của tỉnh Thanh Hóa, các sản phẩm từ gỗ phải được quản lý, khai thác bền vững theo các yêu cầu của FSC là xu hướng tất yếu mà các chủ rừng nói chung và các chủ rừng Nhà nước nói riêng trên địa bàn tỉnh cần phải áp dụng trong thời gian tới (bao gồm cả rừng trồng sản xuất và rừng tự nhiên).

Theo công bố số liệu hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến hết năm 2017, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh là 647.055,98 ha, trong đó đất có rừng 598.573,51 ha (rừng tự nhiên 384.082,81 ha, rừng trồng 214.490,70 ha). Ngoài ra, Thanh Hóa còn là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước, với 71.053 ha, chiếm 55,1% diện tích rừng trồng. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh diện tích rừng tự nhiên, diện tích rừng phục hồi và rừng trồng tăng, diện tích đất chưa có rừng giảm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học vẫn tiềm ẩn các nguy cơ bị giảm sút đáng lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến môi trường, hạn chế khả năng cung cấp sản phẩm rừng cho nền kinh tế và nhu cầu hàng ngày của người dân sống phụ thuộc vào rừng. Bên cạnh đó các sản phẩm từ gỗ, từ tre luồng chưa có giá trị kinh tế cao, chưa có thương hiệu bền vững trên thị trường tương xứng với thế mạnh và tiềm năng của tỉnh.

Xác định tầm quan trọng của chứng nhận FSC trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời để góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hóa nói chung và để các sản phẩm gỗ của tỉnh thâm nhập được vào thị trường quốc tế với giá trị cao, trong thời gian qua Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, các chủ rừng Nhà nước tập trung nghiên cứu, lập kế hoạch triển khai quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính của các chủ rừng khó khăn, thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực áp dụng quy trình FSC, diện tích rừng tự nhiên của các chủ rừng lớn nhưng hiện không được phép khai thác, việc tập hợp các chủ rừng có diện tích nhỏ (hộ gia đình) cùng xây dựng FSC cũng gặp khó khăn do nhiều chủ rừng chưa nhìn thấy các lợi ích từ FSC nên không hợp tác. Do đó, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ diện tích rừng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC là rất nhỏ (1.200 ha tại huyện Thạch Thành).

Nhằm góp phần cải thiện thực trạng trên, từ tháng 2-2018 đến nay, dự án hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam – giai đoạn 2 (Dự án FCPF-2) đang hỗ trợ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh xây dựng hồ sơ cấp chứng chỉ FSC cho 3.735 ha rừng trồng sản xuất và 6.501 ha rừng tự nhiên. Theo đó, Dự án FCPF2 đã cử các chuyên gia về FSC phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đánh giá thực trạng quản lý rừng, đánh giá nhu cầu về FSC, đánh giá năng lực của đơn vị và cung cấp các khóa đào tạo quy trình xây dựng hồ sơ FSC cho cán bộ của UBND huyện Lang Chánh, UBND các xã trên địa bàn huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh và cán bộ của hạt kiểm lâm, phòng NN&PTNT, phòng tài nguyên - môi trường. Dự kiến tháng 10-2018, phương án quản lý rừng bền vững theo FSC sẽ được trình Sở NN&PTNT duyệt, tháng 12-2018 sẽ tổ chức tiền đánh giá và đến đầu quý I-2019 sẽ đánh giá chính thức làm cơ sở cấp chứng chỉ FSC cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh. Ngoài ra, trong thời gian tới, Dự án FCPF-2 sẽ hỗ trợ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hóa tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về quản lý và thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, tổ chức hội thảo đánh gia tiềm năng cấp FSC tại tỉnh Thanh Hóa và chia sẻ kinh nghiệm triển khai, xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các chủ rừng trên toàn tỉnh.

Với tiềm năng của tỉnh Thanh Hóa trong việc cấp chứng nhận FSC cho rừng trồng sản xuất, cùng với mô hình thí điểm về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh sẽ tạo động lực để các chủ rừng nói chung và các chủ rừng Nhà nước nói riêng quan tâm thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn cho các chủ rừng các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, phù hợp nhằm đẩy mạnh thực hiện cấp chứng chỉ FSC. Được chứng nhận FSC là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng địa phương và toàn xã hội, đồng thời là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của Thanh Hóa trên toàn quốc và trên thị trường quốc tế.


Thu Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]