(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đang chuyển dịch mạnh từ nhỏ, lẻ sang thâm canh, tập trung, quy mô lớn. Do đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng là điều kiện để sản xuất nông nghiệp thực hiện thành công mục tiêu phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bền vững. Bởi vậy, ngành nông nghiệp đã và đang cùng với chính quyền các địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu tư hạ tầng phát triển nông nghiệp

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đang chuyển dịch mạnh từ nhỏ, lẻ sang thâm canh, tập trung, quy mô lớn. Do đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng là điều kiện để sản xuất nông nghiệp thực hiện thành công mục tiêu phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bền vững. Bởi vậy, ngành nông nghiệp đã và đang cùng với chính quyền các địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp.

Đầu tư hạ tầng phát triển nông nghiệp

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá cửa sông Lý tại xã Quảng Thạch (Quảng Xương).

Để có nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, những năm qua, cùng với việc tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Nga Sơn đã trích ngân sách huyện, xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp; trong đó, ưu tiên đầu tư tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã đầu tư xây mới 13,7 km kè, 17 cống lớn qua đê, tu bổ 11,4 km đê tả sông Lèn, 40,9 km đê địa phương, xây dựng kiên cố 35,96 km kênh tưới tiêu liên xã, 177 km kênh mương nội đồng. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu chủ động cho 97,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và bảo đảm tốt cho công tác phòng, chống thiên tai. Hệ thống điện được đầu tư đồng bộ, bảo đảm cấp điện an toàn phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

Để chủ động được nguồn nước cho diện tích sản xuất nông nghiệp, những năm qua, cùng với việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, huyện Hoằng Hóa đã tập trung huy động nguồn lực từ Nhà nước và Nhân dân, nhất là tranh thủ các nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư hạ tầng phát triển nông nghiệp. Qua đó, từ năm 2011 đến nay, huyện Hoằng Hóa đã huy động được 132,21 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới 2 trạm bơm, nâng cấp, mở rộng thêm 3 trạm bơm, với tổng lưu lượng 8.000m3 để cấp nước tưới cho 1.500 ha sản xuất nông nghiệp. Hiện, toàn huyện đã thực hiện kiên cố được 468,5 km kênh mương nội đồng, tăng 220,5 km so với năm 2011 và đạt 85%. Do hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện được nâng cấp, sửa chữa, nạo vét nên việc tưới tiêu phục vụ sản xuất luôn được chủ động cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 10.227,29 ha/10.330,6 ha, đạt 99% diện tích.

Việc đầu tư hạ tầng còn tạo điều kiện để huyện Hoằng Hóa đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện, cơ giới hóa nông nghiệp đã được ứng dụng trên tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp của huyện, góp phần chủ động thời vụ, giảm áp lực về lao động, nhất là lao động mùa vụ và tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Đến nay toàn huyện có 766 máy làm đất, 89 máy gặt đập liên hợp, 37 máy cấy, 3 máy gieo hạt, 1 máy sấy nông sản và 11 cơ sở sản xuất mạ khay. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trên địa bàn đạt 97% diện tích, mạ khay cấy máy đạt 20% diện tích, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt 96% diện tích.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng với các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Trung ương, vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ; đồng thời, mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tăng cường huy động nguồn vốn qua kênh tín dụng cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực dân cư và các thành phần kinh tế khác để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, như: tu sửa, nâng cấp, xây mới các công trình thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng.

Thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 268 công trình thủy lợi đầu mối, kiên cố hóa được 1.563 km kênh mương, nâng tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa lên 8.364 km, đạt 53% chiều dài kênh mương hiện có trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, một số dự án thủy lợi lớn đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, như: tu bổ, nâng cấp, cải tạo công trình thủy lợi Bắc - Long - Giang; hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã; nâng cấp hệ thống trạm bơm Nam sông Mã để tiếp nước hồ Cửa Đạt, chuyển biện pháp tưới từ động lực sang trọng lực... Cùng với việc đầu tư các công trình thủy lợi tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, các công trình đê điều cũng được quan tâm đầu tư. Theo đó, các đơn vị, địa phương đã khắc phục, gia cố 175,2 km đê, kè và xây mới 101 cống dưới đê. Hiện nay, cao trình các tuyến đê sông từ cấp III đến cấp I đã bảo đảm chống lũ lịch sử; riêng tuyến đê tả, hữu sông Chu cao trình đã bảo đảm chống được lũ thiết kế, với tần suất 0,6%. Hệ thống đê biển hiện nay được thiết kế chống được bão cấp 10, với mức triều tần suất 5%. Một số đoạn đê bảo vệ trực tiếp khu dân cư được thiết kế chống được gió bão cấp 12 với mức tần suất 5%.

Lĩnh vực thủy sản đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 13 vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, có quy mô 1.600 ha; đầu tư xây dựng 2 cảng cá: Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) và Hải Châu (thị xã Nghi Sơn); xây dựng, nâng cấp 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại cửa sông Lý, xã Quảng Thạch (Quảng Xương) và xã Hòa Lộc (Hậu Lộc)...

Việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng chính là nền tảng để xây dựng được những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Tạo điều kiện để đẩy mạnh cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp; đồng thời, là động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Bài và ảnh: Hương Thơm


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]