(Baothanhhoa.vn) - Bằng việc định hình những không gian phát triển cụ thể, căng với quyết tâm và lộ trình thực hiện bài bản, Thanh Hóa đang dần hiện hữu dáng vóc của một “miền đất hứa”, một cực tăng trưởng mạnh mẽ nơi cửa ngõ vùng Bắc Trung bộ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dáng vóc mới

Bằng việc định hình những không gian phát triển cụ thể, căng với quyết tâm và lộ trình thực hiện bài bản, Thanh Hóa đang dần hiện hữu dáng vóc của một “miền đất hứa”, một cực tăng trưởng mạnh mẽ nơi cửa ngõ vùng Bắc Trung bộ.

Dáng vóc mới

Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch cho phát triển kinh tế – xã hội liên vùng và kết nối quốc tế.

Trong những ngày cuối năm 2021, đầu xuân mới 2022, hàng loạt các dự án mới liên tiếp được khởi công trên các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Đó là Dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, với số vốn lên tới 8.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án - Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn là một doanh nghiệp (DN) mạnh, xếp hạng thứ 34 trong khu vực kinh tế tư nhân và thứ 5 trong lĩnh vực sản xuất thép tại Việt Nam. Đó là hàng loạt dự án du lịch tầm cỡ, hứa hẹn đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao ở miền Bắc. Một Sun Beauty Onsen Thanh Hóa được phát triển dựa trên tài nguyên khoáng nóng và cảm hứng đỉnh cao của văn hóa Nhật Bản, với nhiều sản phẩm du lịch đặc biệt. Một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Hải Hòa, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng với điểm nhấn là khu resort nghỉ dưỡng và các nhà hàng hải sản cao cấp ven biển. Nơi địa đầu phía Bắc của tỉnh - Khu Công nghiệp Bỉm Sơn, một nhà máy sản xuất bao bì, túi xách xuất khẩu công suất 60.000 tấn, với doanh thu ước hàng nghìn tỷ đồng/năm cũng đã nhanh chóng được chủ đầu tư kịp khởi công trước thềm năm mới.

1 năm đi qua, 1 năm với vô vàn khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Thanh Hóa triển khai Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng với sự ra đời của các nghị quyết này, là những cơ chế đặc thù mà Trung ương ban hành, với kỳ vọng đưa tỉnh Thanh Hóa bứt phá mạnh mẽ trong tương lai, như lời Bác Hồ kính yêu hằng căn dặn.

Khó có thể diễn tả được cảm xúc của chúng tôi, khi được chứng kiến nhịp sản xuất khẩn trương ở các nhà máy tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp thời điểm này và nhất là trong những thời điểm cam go nhất khi các đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh cuối năm 2021. Đơn hàng đều đặn, công nhân đủ việc làm. Nhà máy cũ hoạt động hết công suất, tăng sản lượng gấp đôi, gấp 3 so với năm cũ. Nhà máy mới đang tiếp tục được khởi công, hoàn thiện, hứa hẹn sớm “trình làng” những dòng sản phẩm mới.

Thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, cho thấy: Trong năm 2021, trên địa bàn do ban quản lý đã thu hút được 33 dự án đầu tư. Trong đó, có 27 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.864 tỷ đồng, 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 84 triệu USD. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành, trong năm 2021, đã có 5 dự án tiến hành khởi công. 8 dự án: Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2; Cảng container Long Sơn; Nhà máy sản xuất vật liệu bảo ôn và tấm thạch cao Long Sơn; tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Hải Hòa; đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Vàng; tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn; Nhà máy Sản xuất găng tay Nitrile Intco Việt Nam; Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn là những dự án được khởi công trong quý I của năm 2022.

Năm 2021 vừa qua, chỉ tính riêng Khu Kinh tế Nghi Sơn đã đạt giá trị sản xuất 150.738 tỷ đồng. Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu có bước tăng trưởng đột phá. Khu Kinh tế Nghi Sơn hôm nay, không chỉ là trung tâm lọc dầu và sản phẩm sau lọc hóa dầu. Nghi Sơn đang vững bước trên lộ trình trở thành một khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, với sự phát triển của một khu liên hiệp gang thép chất lượng cao, một trung tâm năng lượng quốc gia với các dự án nhiệt điện, điện gió, điện khí đã được đầu tư xây dựng và quy hoạch phát triển, gắn với khai thác hiệu quả hệ thống Cảng nước sâu Nghi Sơn.

Tại đô thị cực Bắc tỉnh Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn cũng đang dần minh chứng cho sức hút của một vùng đất giàu tiềm năng. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư quy mô cấp quốc gia năm 2020 của tỉnh Thanh Hóa, nhiều DN, nhà đầu tư “tầm cỡ” đã tin tưởng lựa chọn Bỉm Sơn làm điểm dừng chân. Và bước sang năm 2021, lộ trình trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, với những dự án hiện đại trong ngành cơ khí, chế tạo đã dần được định hình. Ngoài các tổ hợp nhà máy đã đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng, như: Tổ hợp khu công nghiệp và nghiên cứu chế tạo ô tô VAMC, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, tổ hợp Nhà máy Xi măng Long Sơn... Bỉm Sơn hiện đang vào “tầm ngắm” của hàng loạt nhà đầu tư, DN đầu tư các khu chế tạo, khu công nghiệp phụ trợ của những tên tuổi danh tiếng như: Hyundai, Honda, Toyota... đưa nơi đây xứng danh vùng đất công nghiệp truyền thống. Hơn nữa, với dự án cao tốc trọng điểm quốc gia là cao tốc Bắc Nam - đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có nút giao cách Bỉm Sơn chưa đầy 3km, có tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng sẽ hoàn thành đoạn nút giao Bỉm Sơn vào đầu năm 2023, sẽ là lợi thế để thu hút dòng vốn đầu tư vào Bỉm Sơn trong những năm tới.

Thành phố biển Sầm Sơn hôm nay, cũng đang tràn ngập một tương lai mới khi Dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn trị giá hơn 1 tỷ USD do Tập đoàn Sun Group đầu tư đang được xúc tiến triển khai. Dự án này sẽ tạo “cú hích” lớn cho du lịch Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung. Đặc biệt, dự án quảng trường biển với các công viên chuyên đề sẽ tạo điểm nhấn về không gian đô thị, hướng Sầm Sơn trở thành thành phố sự kiện, lễ hội, văn hóa quy mô quốc gia và quốc tế trong một tương lai rất gần.

Ngoài phát triển hiện hữu vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên xa lộ Hồ Chí Minh, Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng trong năm qua cũng đón nhận sự quan tâm của các đoàn DN lớn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp. Cùng với Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế và sắp tới tiếp tục đầu tư trở thành “thành phố sân bay”, Lam Sơn sẽ sớm trở thành điểm nhấn riêng trong hành trình đưa “Tứ Sơn” cất cánh.

Qua hơn 1 năm thực hiện đường hướng được hoạch định, từ sự phát triển mạnh mẽ của 4 cực tăng trưởng động lực án ngữ Đông, Tây, Nam, Bắc, đã đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển toàn diện, từ công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 16,93% so với năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - 1 trong 5 trụ cột kinh tế của tỉnh tăng tới 17,42%; sản xuất nông nghiệp ngày càng bền vững, với sự tham gia của hàng nghìn DN vào các chuỗi liên kết. Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng với con số 5,3 tỷ USD, vượt 33,5% kế hoạch. Thu ngân sách đạt mức cao nhất từ trước đến nay với gần 40.000 tỷ đồng. Lần đầu tiên, tỉnh đứng thứ 4 cả nước về thành lập DN mới, với hơn 3.700 DN. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chưa được như kỳ vọng, nhưng Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 5 toàn quốc với con số 8,85%. Cùng với các quyết sách, chiến lược “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư, trong năm 2021, toàn tỉnh đã thu hút được 87 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 23.800 tỷ đồng và 112,7 triệu USD. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Trong lộ trình phát triển 6 hành lang kinh tế, 6 vùng liên kết huyện, Thanh Hóa đang tập trung mọi nguồn lực để và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông, cảng biển, cảng hàng không, trung tâm logistics nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tại 6 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Bắc Nam; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Đông Bắc; hành lang kinh tế trung tâm; hành lang kinh tế quốc tế. Các tuyến giao thông huyết mạch: Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông - Tây 4 đi cảng Nghi Sơn; đường giao thông nối TP Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1); Đại lộ Đông - Tây TP Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A; tuyến đường nối TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân... kết nối các hành lang này đang được chỉ đạo quyết liệt để sớm kết nối các vùng, các lĩnh vực kinh tế phát triển thông suốt.

Đặc biệt, mới đây Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15. Nghị quyết có 8 cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Thanh Hóa, nhiều nhất trong các tỉnh có nghị quyết được Quốc hội thông qua cùng thời điểm, đã tạo ra xung lực mới để tỉnh thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Những cơ chế này, được kỳ vọng tạo ra “lực hút” mới, đón dòng vốn đầu tư hậu COVID-19 về với tỉnh Thanh.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]