(Baothanhhoa.vn) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, vì vậy, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%/năm với số tiền 16.000 tỷ đồng được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trông đợi. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 4 tháng triển khai, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chưa có doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 16.000 tỷ đồng

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, vì vậy, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%/năm với số tiền 16.000 tỷ đồng được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trông đợi. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 4 tháng triển khai, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Chưa có doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 16.000 tỷ đồng

Công nhân Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn trong ca sản xuất.

Anh Hoàng Minh Chính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, chuyên sản xuất gạch tuynel cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn chung, nếu người lao động phải ngừng việc liên tục 1 tháng trở lên sẽ phải lo tìm kiếm công việc khác chứ không chờ đợi quay trở lại doanh nghiệp cũ làm việc. Để chứng minh khó khăn về tài chính là điều tương đối khó vì doanh nghiệp còn hoạt động là còn tạo ra doanh thu. Hơn nữa, đây là gói hỗ trợ ngắn hạn, tương đối nhỏ so với hàng loạt khó khăn dài hạn khác mà doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt nếu không được hỗ trợ. Hiện tại để duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm cho người lao động, công ty phải tự xoay xở, tận dụng các nguồn vốn bên ngoài để vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ Chính phủ cần nới lỏng các điều kiện hơn thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được gói tín dụng này”.

Để thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN ngày 7-5-2020 hướng dẫn triển khai; Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chuẩn bị sẵn sàng về thủ tục, quy trình, nguồn vốn cho doanh nghiệp vay nhằm giữ chân người lao động lành nghề, có năng lực trình độ... sau thời gian phải ngưng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tính đến ngày 10-8, sau gần 4 tháng triển khai các quy định trên, NHCSXH Thanh Hóa vẫn chưa giải ngân được khoản vay nào thuộc gói tín dụng 16.000 tỷ đồng. Điều này, đồng nghĩa với việc chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện vay của gói tín dụng trên. Cụ thể, điều kiện để doanh nghiệp vay được gói 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động theo quy định, gồm: Có từ 20% hoặc từ 30 lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6-2020; doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31-12-2019.

Đại diện NHCSXH Thanh Hóa, cho biết: Quy định điều kiện doanh nghiệp không có nợ tại thời điểm 31-12-2019 khá khó khăn, bởi lẽ, đa phần doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, do thời gian giãn cách ngắn, Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi nên nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện cắt giảm giờ làm hoặc làm luân phiên chứ không cho người lao động tạm ngừng việc, để vừa giữ chân người lao động, vừa hỗ trợ có thu nhập tối thiểu trong lúc khó khăn. Do đó, quy định để được vay lãi suất 0% là doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên, đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6 gần như không có doanh nghiệp nào đáp ứng được. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Chưa kể doanh nghiệp có tên trong danh sách đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc phải có phê duyệt của UBND tỉnh.

Để gói tín dụng 16.000 tỷ đồng thực sự đi vào cuộc sống, nhiều doanh nghiệp đang đề xuất các cấp, ngành, ngân hàng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại các tiêu chí, điều kiện vay; trong đó, bỏ điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại ngân hàng tại thời điểm 31-12-2019. Bên cạnh đó, đối với điều kiện doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, nên điều chỉnh lại theo hướng gói hỗ trợ sẽ cho vay 50% tiền lương tối thiểu, phần còn lại doanh nghiệp sẽ tự cân đối. Ngoài ra, mở rộng thời gian thụ hưởng gói tín dụng để sau khi điều chỉnh quy định, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận hơn.

Bài và ảnh: Minh Hà


Bài Và Ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]